Ai là nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu" trong tác phẩm của nữ văn sĩ người Anh Etel Lilian Voinich? Một nhà cách mạng dân túy Nga tên là Kravchinski (bút danh khi viết văn của ông là Stepniak), người mà Lilian đã từng yêu một cách tuyệt vọng hay Sidney Raily, một điệp viên người Anh sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở Odessa?
Ngay từ khi được xuất bản ở Nga vào năm 1898, tác phẩm "Ruồi trâu" của nhà văn nữ người Anh Etel Lilian Voinich đã lập tức gây được tiếng vang rộng rãi trong giới bạn đọc Nga, đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Mười.
Có thể nói, nhiều thế hệ người dân Xô viết đã lớn lên dưới ảnh hưởng của tác phẩm này, hay nói chính xác hơn, dưới ảnh hưởng của nhân vật chính - chàng thanh niên Arthur mang bút danh "Ruồi trâu".
Tiếp đó, hình tượng người thanh niên hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cách mạng đã từ nước Nga Xô viết chinh phục trái tim của hàng triệu bạn đọc các nước xã hội chủ nghĩa khác, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, phần lớn những người đọc "Ruồi trâu" đều nghĩ rằng tác giả chắc hẳn phải sống vào thế kỷ XIX và là thành viên của tổ chức cách mạng bí mật "Nước Ý trẻ".
Mãi đến giữa những năm 50, sau khi thu thập những mảnh tin ít ỏi trong các thư viện và các kho lưu trữ, nữ văn sĩ Nga Evgenia Taratuta sửng sốt phát hiện thấy rằng bà Etel Lilian Voinich vẫn còn sống ở Mỹ, vẫn sáng tác nhạc và coi âm nhạc mới là sự nghiệp chính của đời mình.
Một nhóm các nhà báo và nhà văn Nga do nhà văn Boris Polevoi dẫn đầu đã lập tức sang gặp bà, đem theo rất nhiều bản dịch "Ruồi trâu" sang các thứ tiếng khác nhau và thậm chí đem theo cả nhuận bút.
Bà Lilian Voinich hết sức cảm động, bà không ngờ tác phẩm của mình lại được hâm mộ nồng nhiệt đến như vậy. Nhưng khi nhà văn Boris Polevoi hỏi bà về nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu" thì bà tránh trả lời thẳng và nói bóng gió rằng đó là kết quả của trí tưởng tượng sáng tạo.
Nhưng gần đây, một số nhà nghiên cứu văn học đã đi đến kết luận rằng nguyên mẫu "Ruồi trâu" là một nhà cách mạng dân túy Nga tên là Kravchinski (bút danh khi viết văn của ông là Stepniak). Lilian Voinich đã từng yêu ông một cách tuyệt vọng và sau đó đã thể hiện toàn bộ nỗi đắm say vô vọng đó vào cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của mình.
Lilian lớn lên trong một gia đình trí thức, bố mẹ bà đều là giáo viên dạy toán, còn bà lại học nhạc và bản tính hết sức lãng mạn. Một lần, hồi còn trẻ, bà đi thăm Viện bảo tàng Louvre và nhìn thấy ở đó bức "Chân dung một thanh niên" của họa sĩ Italia Franchabidzo sống vào thế kỷ XVIII, bà lập tức say mê người thanh niên trong tranh và không rời phiên bản bức tranh đó cho đến ngày cuối đời.
Bà còn thường xuyên mặc đồ đen để bắt chước nhà cách mạng Giuzeppe Madzini, người sáng lập tổ chức "Nước Ý trẻ" và cũng là người đã thề sẽ mặc đồ tang cho tới khi Tổ quốc bị áp bức của ông được giải phóng.
Năm 1881, bà biết tin một nhóm cách mạng dân túy Nga bị hành quyết vì âm mưu ám sát Nga hoàng. Tin này làm bà xúc động sâu sắc. Từ đấy, bà khâm phục các nhà cách mạng Nga và quyết tâm phải sang Nga để được thấy hết tận mắt.
Đúng vào thời kỳ đó, Stepniak đang sống lưu vong ở London. Ông nổi tiếng là một nhà cách mạng, đã từng đấu tranh chống ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Balcan, đã tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Ý và đã thành lập đảng "Đất đai và tự do" ở Genève.
Lilian tìm cách làm quen với ông. Hai vợ chồng Stepniak không những nồng nhiệt đón tiếp bà mà còn dạy bà tiếng Nga. Tiếp đó, ông giúp bà thực hiện nguyện vọng tha thiết của bà là sang Nga.
Lilian sống hai năm (1887-1889) ở Nga. Tại đây, bà đi thăm nhiều nơi và làm đủ mọi việc: dạy âm nhạc và tiếng Anh cho trẻ em, tham dự các buổi họp của các nhà cách mạng dân túy, quyên góp tiền cho họ, dự lễ tang nhà văn cách mạng dân chủ Nga Saltykov-Schedrin v..v..
Sau khi trở về Anh, bà lập tức đến gặp Stepniak, kể chuyện, thảo luận và chuyển đến ông những lời chào từ nước Nga. Đối với Lilian thì Stepniak là thần tượng, là ngôi sao dẫn đường, là người yêu quý nhất trên đời. Nhưng đáng tiếc là ông đã có vợ. Lilian đành trở thành người trợ giúp ông, cánh tay phải của ông.
Bà biên tập tờ tạp chí "Nước Nga tự do" của ông, cộng tác với "Quỹ báo chí Nga tự do" do ông sáng lập, cùng ông xuất bản "Tuyển tập trào phúng Nga" của Gogol, Ostrovski, Schedrin, Dostoievski.
Cũng tại nhà Stepniak, Lilian được gặp các nhân vật nổi tiếng như Plekhanov, Bernard Shaw v.v... Và một lần bà gặp nhà cách mạng Ba Lan Mikhain Voinich chạy trốn từ Sibérie sang. Ít lâu sau bà kết hôn với Voinich.
Chính là theo lời khuyên của Stepniak mà Lilian bắt tay sáng tác cuốn tiểu thuyết "Ruồi trâu". Nhưng Stepniak không được đọc tác phẩm này vì bị chết trong một tai nạn đường sắt.
Nếu như không có tai nạn đó thì chắc chắn ông sẽ nhận thấy trong hình tượng "Ruồi trâu" có nhiều nét tính cách của ông và nhiều chi tiết dựa theo cuộc đời sóng gió của ông.
Một giả thuyết khác không đáng tin bằng cho rằng nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu" là Sidney Raily, một điệp viên người Anh sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở Odessa. Bố Raily cũng đã từng dàn dựng vụ tự sát giống như "Ruồi trâu" và rồi cũng chạy sang Brazil.
Trong thời gian đầu, khi quen biết gia đình Lilian Voinich, Raily là một con người gan dạ, dũng cảm, đã nhiều lần xông pha vào chốn nguy hiểm. Nhưng đáng tiếc là về sau, Raily đi theo con đường phiêu lưu phản cách mạng và bị xử bắn tại Nga.
Còn về phần Lilian Voinich thì bà làm gì sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917? Trong gần 30 năm trời, bà sáng tác vở nhạc kịch "Babilon" kể về việc lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng. Trong bức thư gửi nhà văn Boris Polevoi vào năm 1956, bà viết: "Nếu như tôi có sáng tác được một cái gì đó biện minh cho sự tồn tại của tôi thì đấy chính là "Babilon". Toàn bộ sáng tác văn học của tôi chỉ là sự chuẩn bị cho sáng tác âm nhạc mà thôi".
Năm 1920, bà cùng gia đình di cư sang Mỹ và qua đời năm 1960.
. Theo Tin Tức
|