Cũng chỉ là một hội làng, vậy mà lễ hội Đổ giàn An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn) lại có sức cuốn hút và lay động lòng người. Sau hơn 60 năm bặt bóng, rằm tháng Bảy âm lịch năm nay (tức 19 và 20 tháng 8), lễ hội này đã được tổ chức lại.
|
Tranh heo, có thao diễn võ nghệ nhưng chỉ là hình thức. |
Ở đâu có người Hoa di cư thì ở đó có thờ bà Thiên hậu. Việc thờ Thiên hậu như ở Ngũ Bang hội quán vùng An Thái cũng có ở nhiều địa phương khác. Ý nghĩa việc thờ Thiên hậu như một vị thần bảo trợ cho người Hoa trên biển được ông Tạ Chương Phát, 78 tuổi, người thôn Thắng Công, Nhơn Phúc và ông Phạm Minh Bá, 74 tuổi, trong Ban Tổ chức lễ hội, khẳng định.
Nói vậy để nhấn mạnh rằng tín ngưỡng thờ Thiên hậu với các nghi lễ múa lân, cúng cô hồn, làm cỗ chay, hát lễ vào ngày rằm tháng Bảy… không lạ. Bởi vậy, sức hút của lễ hội Đổ giàn An Thái hẳn nhiên không chỉ là ở phần lễ (dẫu đây là một phần rất quan trọng của lễ hội) mà chính vẫn là ở phần hội. Trong đó, phần các võ sĩ thử tài cao thấp bằng việc dùng các thế võ để giành phần chiến thắng về mình trong hội Đổ giàn mới chính là phần làm nên sức hấp dẫn của lễ hội. Đây cũng là phần được người xem trông đợi nhất: Đàn bà cho chí đàn ông/ Xem xong ba ngọ lại trông đổ giàn như câu ca dao xưa là vậy.
Và truyền thống thượng võ của vùng đất từng sản sinh ra nhiều võ sư xuất sắc của đất Bình Định được thể hiện chính trong phần này. Hơn nữa, chúng tôi được biết, không chỉ có Bình Định có hội Đổ giàn. Và trong tỉnh, hội Đổ giàn cũng không chỉ được tổ chức ở riêng An Thái. Nhưng chỉ có hội Đổ giàn An Thái mới có sức hấp dẫn như vậy bởi nó được tổ chức ngay trên chính vùng đất "rốn võ" Bình Định: An Thái, An Vinh, Thuận Truyền.
Nhưng chính cái phần đinh, tạo nên nét đặc sắc nhất của hội Đổ giàn An Thái, trong lần tổ chức này lại là phần khiến người ta thất vọng nhất. Nếu phần lễ: rước nước (lấy nước từ sông Côn dâng lên các bàn thờ), cỗ chay (các gia đình làm lễ chay vào đúng ngọ), rước cỗ (rước các cỗ do các hộ dân tín cúng về hội quán), đăng đàn chuẩn tế, chưng cộ (dựng cảnh trên mặt đất, tái hiện cảnh Tam Tạng thỉnh kinh phá các động, trừ yêu)… được tái hiện lại với đúng nguyên mẫu dân gian của nó, thì phần xô cỗ - đổ giàn, do dự lường trước những khó khăn về trật tự, và phần nào cũng e dè về hình ảnh các võ sĩ tranh heo, nên những người tổ chức đã quyết định dàn cảnh.
Ba con heo được chuẩn bị trước cho ba võ đường tham dự: Hải Sơn, Bình Sơn (An Thái) và Trần Dần (An Vinh). Con heo nào sẽ thuộc về võ đường nào đã được sắp đặt sẵn. Vậy thì còn cần chi phải… "tranh" cho mệt (?).
Sách xưa chép: Thiên hậu là tên một thần biển, con gái thứ sáu của Lâm Nguyện, tên là Lâm Tức Mặc, người Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc), khi sinh ra có hương thơm ngào ngạt, hào quang rực rỡ. Lớn lên, bà có phép màu cưỡi chiếu bay trên biển. Hiển thánh, Thiên hậu trở thành thần linh phò trợ cho những người Hoa đi biển trên con đường di cư đến các vùng đất mới. |
Và quả thật, phần tranh heo đã diễn ra khá hình thức. Ba con heo được thả xuống, đã có các võ sinh thuộc ba võ đường lần lượt "ẵm" đi theo đúng thứ tự "phân công". Tất nhiên, cũng có cảnh thao diễn võ thuật cho đủ lệ, rồi ai về võ đường nấy. Tất cả diễn ra trong chừng chưa đầy 15 phút, chẳng có chút hào hứng mà quá nặng tính… dàn dựng. Không ít người xem thất vọng thật sự.
Đáng tiếc là khâu đảm bảo an ninh trật tự trong công tác tổ chức chưa tốt. Sân Ngũ Bang hội quán, nơi diễn ra lễ hội quá hẹp, lượng người lại quá đông nên tạo thành không khí hỗn loạn, người xem chen lấn nhau làm mất đi không khí trang trọng và hào hứng của lễ hội.
Lễ hội Đổ giàn An Thái là một lễ hội đậm chất dân gian, thể hiện tinh thần thượng võ của miền đất võ Bình Định. Do vậy, nếu tổ chức trở lại, cần phải được làm một cách bài bản, đúng với tinh thần thượng võ, chứ không phải làm một cách hình thức. Ngay cả khi dựng lại để ghi hình nghiên cứu thì với cách làm hình thức, có sắp đặt trước này, liệu có đúng với tinh thần của việc tiến hành các đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể là phải đúng với tính nguyên gốc của nó?
. Lê Viết Thọ |