Hoàng Quế: Nghệ sĩ đa tài
9:33', 26/8/ 2005 (GMT+7)

Từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, Hoàng Quế đã rất nổi tiếng với giọng hát của mình. Trong khi những ca sĩ cùng thời lần lượt rơi rụng dần khỏi sàn diễn thì Hoàng Quế vẫn bền bỉ theo đuổi con đường âm nhạc trong nhiều vai trò khác nhau…

                  Ca sĩ Hoàng Quế

Hoàng Quế có chất giọng trời phú thật đặc biệt. Anh có thể hát thành công nhiều thể loại nhạc khác nhau. Giọng hát của anh lúc thì trầm ấm, hào hùng với "Tình ca sông Lô", "Bình Trị Thiên khói lửa"… nhưng cũng rất ngọt ngào say đắm lòng người với những bài dân ca như "Người ơi người ở đừng về", "Đi tìm người hát câu hát lí thương nhau".

Đối với Hoàng Quế, niềm đam mê tận tâm tận lực với nghề chỉ càng làm cho anh thêm trẻ ra. Được xem anh trình diễn, khán giả cảm nhận được nỗi khát khao, sự trẻ trung và chất lửa trong từng lời hát. Có lẽ chính điều này đã làm cho giọng hát Hoàng Quế "như không có tuổi". Niềm say mê ca hát trong mấy chục năm qua, giờ đây đã tích tụ lại như một chất men say làm đượm nồng thêm tâm hồn yêu âm nhạc của Hoàng Quế. Là một ca sĩ được đào tạo bài bản, lại có thâm niên trong nghề, anh đã đem tất cả những hiểu biết của mình để truyền đạt và đào tạo cho lớp trẻ. Nhiều ca sĩ trẻ do anh kèm cặp giờ đây đã khẳng định được tài năng như Anh Ánh, Bích Ngọc… Đặc biệt trong quá trình đi hát, nhận thấy nhu cầu về chất lượng âm thanh là rất lớn, năm 2003, Hoàng Quế dám mạnh dạn bỏ ra hơn 100 triệu đồng để sắm hệ thống âm thanh đạt tiêu chuẩn. Từ đó, anh nhận tổ chức các buổi văn nghệ theo yêu cầu, với êkip nhạc công và ca sĩ có chất lượng cao. Anh cũng đảm nhận luôn vai trò người phụ trách tổ chức biểu diễn, Hoàng Quế tâm sự về cách làm nghệ thuật của mình: "Tôi không đặt nặng lắm vấn đề kinh doanh, mà chỉ muốn đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của khán giả. Hơn nữa, tôi muốn tạo điều kiện cho ca sĩ được thường xuyên biểu diễn trên sân khấu. Định hướng cho họ đi đúng dòng nhạc mẫu mực…".

Hoàng Quế cũng đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của phong trào nghệ thuật quần chúng Bình Định. Với sức làm việc bền bỉ của mình, anh có thể một lúc đảm đương nhiều công việc. Không chỉ làm ca sĩ, bầu sô, anh lại còn nhận đạo diễn chương trình văn nghệ cho các cơ quan đoàn thể trong tỉnh. Anh vừa viết kịch bản, vừa trực tiếp tham gia dàn dựng, đào tạo và chỉ dẫn cho các ca sĩ quần chúng. Nhiều chương trình do anh đạo diễn đã đạt kết quả cao ở các hội diễn toàn quốc. Hoàng Quế xúc động nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ của mình trong lần tham gia hội diễn toàn ngành với đơn vị Hàng không Phù Cát: "Khi đã đạt được giải đặc biệt xuất sắc, các em cứ ôm chầm lấy tôi khóc và nói "Thầy ơi! Em đã thành nghệ sĩ rồi". Tôi cũng xúc động đến rơi nước mắt. Những tình cảm chân thành như thế đã tiếp sức cho tôi rất nhiều trên con đường nghệ thuật…". Hoàng Quế đã kiên trì theo đuổi con đường đi của riêng mình. Và với những gì đạt được trong ngày hôm nay, Hoàng Quế đã chứng minh cho mọi người thấy rằng: Nếu đến với nghệ thuật bằng cái tâm của mình thì người nghệ sĩ vẫn có thể sống tốt và thành công với nghề.

. Hoài Thu

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng (Phù Cát) đoạt giải nhất  (26/08/2005)
Nhớ thác   (25/08/2005)
Hội đổ giàn An Thái: Còn đâu nét hội xưa?   (25/08/2005)
"Chất lượng của triển lãm lần này đã được nâng lên"   (25/08/2005)
Chuyện ly kỳ về nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu"   (24/08/2005)
Đây thôn Vĩ Dạ (*) - Từ hoài niệm đến ảo giác   (23/08/2005)
Kỳ cuối: "Ai về nhắn với nậu nguồn"...   (23/08/2005)
Sẽ xuất bản bộ Địa chí lịch sử Bình Định vào tháng 10-2005  (23/08/2005)
Tác phẩm Vượt lên nỗi đau của Nguyễn Chơn Hiền đoạt giải B  (23/08/2005)
Tú Mỡ và Nguyễn Công Hoan xướng họa thơ trong… bệnh viện  (22/08/2005)
Tối 22-8: Cầu truyền hình về ca nhạc tài tử Nam bộ  (22/08/2005)
Lễ hội Đổ giàn An Thái  (21/08/2005)
Bữa cơm ngày đói  (21/08/2005)
Triển lãm tranh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ 5  (19/08/2005)
Kỳ II: Trong lòng người Bana  (19/08/2005)