Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần X:
Cần lắm tính chuyên nghiệp
9:47', 26/8/ 2005 (GMT+7)

187 tác phẩm của 152 họa sĩ đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ X, diễn ra tại thành phố Quy Nhơn từ 22 đến 27-8. Chất lượng các tác phẩm tham gia triển lãm lần này đã được nâng lên về mặt bằng chung, nhưng vẫn chưa có tác phẩm thật sự vượt cao.

 

              Tác phẩm "Xứ trầm hương" của Võ Thủ Đức (Khánh Hòa), giải A.

 

* Nhiều nét vượt trội

So với lần triển lãm khu vực trước đây từng tổ chức ở Quy Nhơn vào năm 1999 thì triển lãm lần này vượt trội về số lượng tranh và số lượng tác giả. Ở Bình Định, có tác giả đã vắng bóng giờ xuất hiện. Điều này cho thấy sức hút của triển lãm khu vực đối với giới họa sĩ cũng như sự sôi động của đời sống mỹ thuật những năm gần đây.

Triển lãm lần này thật sự đa dạng về chất liệu, từ sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa… đến cả gốm, nhôm, rồi các thể loại từ điêu khắc, đến hội họa, đồ họa và thậm chí sắp đặt. Điều này cho thấy các họa sĩ trong khu vực đang nỗ lực để bắt nhịp với hướng đi chung của mỹ thuật cả nước. Tuy nhiên, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, đồ họa vẫn ít, chiếm phần chủ yếu vẫn là hội họa, trong đó sơn dầu là chủ đạo.

 

        Tác phẩm "Vượt qua nỗi đau" của Nguyễn Chơn Hiền (Bình Định), giải B.

 

Giải A của triển lãm lần này đã thuộc về Xứ trầm hương của Võ Thủ Đức (Khánh Hòa). Đây là một câu chuyện huyền thoại nhưng được thể hiện như một bức phong cảnh, khai thác ngôn ngữ tạo hình chặt chẽ, tạo thành một tổng thể hoàn hảo, đường nét, màu sắc có nhịp điệu. Tác phẩm có sự đầu tư công phu, nhưng không bị gò bó. Với tác phẩm này, theo họa sĩ Trương Bé, tư duy không chín, kỹ thuật không cao thì khó mà làm được. Giải B thuộc về Vượt qua nỗi đau của Chơn Hiền (Bình Định) đề tài này tuy không mới (trong triển lãm cũng có tác giả khác cùng thể hiện) nhưng tác giả Chơn Hiền đã biết đưa cảm xúc vào tranh, nên tác phẩm có nét riêng, có nỗi đau nhưng trên hết vẫn có niềm tin, có nhân tình, dẫu đôi chỗ nét bút vẫn còn khô và gượng. Tác phẩm này cũng đánh dấu một hướng đi khác, một cách nhìn và thể hiện khác của Chơn Hiền so với phong cách của anh trước đây. Giải C và 3 tặng thưởng còn lại khá bình thường. Trong các giải tặng thưởng, đáng chú ý có Ấn tượng Mỹ Sơn của Nguyễn Trọng Dũng (Đà Nẵng). Tác phẩm có  diện tích lớn, xử lý ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật hòa sắc tốt, vững vàng nhưng có phần hơi thiếu sức gợi. Bên cạnh đó, có tác phẩm của tác giả chưa phải là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng cũng rất đáng xem. Chẳng hạn: Hương thời gian (Quang Huy), Đường tri thức (Đặng Công Tuấn) hay tác phẩm điêu khắc Hạnh phúc (Đoàn Xuân Hùng). 

* Tính chuyên nghiệp: chưa cao

Ở triển lãm lần thứ X này, không ít tác phẩm đi vào những đề tài quá vĩ mô, nhưng lại chưa tương xứng với tầm tay nghề của họa sĩ nên tạo cảm giác hời hợt cho tác phẩm. Điều này cho thấy, đề tài không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng hơn vẫn là cách xử lý đề tài. Lại có tác phẩm sa vào môtíp quen thuộc, chẳng hạn, đề cập đến sự tàn phá môi trường, nỗi đau da cam là… những chiếc đầu lâu, cốt để "dọa" người xem; hay thể hiện về tâm linh thể nào cũng có những cánh tay giơ lên, những khối hình vuông tròn, màu sắc vàng, đỏ sậm cho ra dáng phương Đông.

 

                        Khá đông người xem trong ngày khai mạc triển lãm.

 

Trong các tác phẩm điêu khắc, trừ một vài tác phẩm có tìm tòi, còn lại không ít tác phẩm chủ yếu lắp ráp các yếu tố dân tộc và do được làm khéo tay quá nên đánh mất cảm xúc tác giả, chưa thoát ra, bay bổng lên được. Do vậy, không ít tác phẩm điêu khắc mới vượt ngưỡng… thủ công mỹ nghệ một chút. Có lẽ bởi vậy mà trong phần tọa đàm giữa người trong nhà với nhau, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã nói thẳng: "Nếu Hội đồng Nghệ thuật mạnh tay thì sẽ phải hạ xuống đến một phần tư số tác phẩm mới xứng tầm một triển lãm khu vực".

Cái thiếu nhất của họa sĩ Nam miền Trung và Tây Nguyên thể hiện qua triển lãm lần này chính là tính chuyên nghiệp. Trừ họa sĩ hai tỉnh Đà Nẵng và Khánh Hòa có thể sống được bằng nghề, còn lại các tỉnh khác, họa sĩ chỉ coi nghiệp vẽ như nghề tay trái. Ngay tranh dự triển lãm, có tác phẩm đến cận ngày gửi tranh mới vội vàng vẽ. Rồi việc chọn khung tranh cũng nói lên sự thiếu chuyên nghiệp ấy. Những chiếc khung màu vàng có kẻ sọc hay khung đen đóng một cách vội vàng, làm cho tác phẩm giảm giá trị đi nhiều.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng Quế: Nghệ sĩ đa tài  (26/08/2005)
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng (Phù Cát) đoạt giải nhất  (26/08/2005)
Nhớ thác   (25/08/2005)
Hội đổ giàn An Thái: Còn đâu nét hội xưa?   (25/08/2005)
"Chất lượng của triển lãm lần này đã được nâng lên"   (25/08/2005)
Chuyện ly kỳ về nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu"   (24/08/2005)
Đây thôn Vĩ Dạ (*) - Từ hoài niệm đến ảo giác   (23/08/2005)
Kỳ cuối: "Ai về nhắn với nậu nguồn"...   (23/08/2005)
Sẽ xuất bản bộ Địa chí lịch sử Bình Định vào tháng 10-2005  (23/08/2005)
Tác phẩm Vượt lên nỗi đau của Nguyễn Chơn Hiền đoạt giải B  (23/08/2005)
Tú Mỡ và Nguyễn Công Hoan xướng họa thơ trong… bệnh viện  (22/08/2005)
Tối 22-8: Cầu truyền hình về ca nhạc tài tử Nam bộ  (22/08/2005)
Lễ hội Đổ giàn An Thái  (21/08/2005)
Bữa cơm ngày đói  (21/08/2005)
Triển lãm tranh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ 5  (19/08/2005)