(Đọc lại bài thơ Thưa mẹ trái tim của Trần Quang Long)
"Thưa mẹ
năm nay con hai mươi hai tuổi đầu
công danh gì chẳng có
cuộc sống lại cơ cầu
bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
lay lất chẳng ra sao"
Chỉ đọc mấy câu thơ đầu, những người từng trải hẳn phải ứa nước mắt. Trần Quang Long tự giới thiệu về mình đấy! Và càng đọc, người ta càng quên đi lời chữ, mà chỉ còn thấy trái tim nhà thơ trẻ đập trần trụi. Giọng thơ chân thành, vừa như bày tỏ, vừa như tự thú, không biết dấu diếm bất cứ điều gì về thân phận cá nhân mình, và từ cõi riêng mình ấy nhà thơ đi tới thân phận, tới "cõi chung" nhiều người khác, rộng hơn, của toàn dân tộc đang sống quằn quại, day dứt, đau khổ.
Dòng thơ yêu nước trong các đô thị miền Nam thuở ấy là một dòng thơ lớn, cần được nghiên cứu và giới thiệu xứng đáng với tầm vóc và những đóng góp lớn lao của nó vào nền thơ Việt hiện đại. Trong dòng thơ ấy, từ những ngày đầu, Trần Quang Long đã xuất hiện như một giọng thơ đặc biệt, không lẫn được, một gọng thơ chân thành đến nghẹn ngào, căm uất đến bật máu, yêu thương đến cháy ruột: "Mẹ ơi con của mẹ - Chỉ còn có trái tim - Lẽ sống nhờ trái tim - Lẽ chết nhờ trái tim".
Xin lưu ý bạn đọc đến hai từ lẽ sống và lẽ chết. Có thể vì quá ngạc nhiên trước cách dùng từ lẽ chết mà các nhà biên tập NXB Hội nhà văn khi in bài thơ này trong một tuyển tập thơ đã chữa lại là sẽ chết. Chữa như thế là chữa thơ thành thẩn, nhưng Trần Quang Long không thể có ý kiến lại, vì anh đã hy sinh từ năm 1969.
Thưa mẹ trái tim là bài thơ khá dài nhưng khởi đi một mạch, nguyên một dòng cảm xúc, càng về sau càng nén và nổ, cho tới dòng thơ cuối. Người ta nói thơ chính là đời sống, chính là người, là ở chỗ đó: trong những thời điểm khốc liệt của số phận dân tộc, khi sự thử thách sống-chết không chỉ dành cho một người, thơ tự nhiên trở thành tiếng nói chung, tiếng nói được cả dân tộc lựa chọn, dù thơ ấy do một nhà thơ làm ra, mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ ấy. Lúc bấy giờ, nhà thơ cô đơn trở thành người phát ngôn cho cả một cộng đồng, một thế hệ, một dân tộc.
Nhưng những nhà phê bình nhẹ dạ khi dùng vô thức tập thể để lý giải trường hợp này cũng đừng quên rằng: không phải nhà thơ nào, bài thơ nào cũng "được chọn", cũng trở thành "tiếng ca chung" cả đâu!
Trần Quang Long đã được chọn. Anh đi vào cuộc chiến đấu một cách hồn nhiên, đúng như cách anh làm thơ. Nhiều khi, thơ không trùng khớp với đời thực, nhưng cũng có những thời điểm lạ kỳ trong lịch sử, thơ chính là một pulsa trong đời sống, sẵn sàng thiêu cháy, sẵn sàng bùng nổ:
"Con đang nghe trái tim
Nổ tung từng mảnh vụn
Máu từng dòng im lìm
Máu từng dòng phẫn nộ"
Khi thơ trào ra như phún thạch núi lửa, chính là lúc nhà thơ được một sức mạnh bí mật dắt dẫn, và anh viết như người lên đồng, như những dòng thơ anh không còn thuộc về riêng anh nữa. Thưa mẹ trái tim chính là bài thơ được viết trong trạng thái như vậy.
Không thể có nhiều những bài thơ như thế trong đời, vì ngược lại, trái đất có thể bị nổ tung. "Nếu thơ con bất lực" Trần Quang Long đã thề trên thơ mình, sẽ "Dùng chính quả tim làm trái phá - Sống chết một lần thôi". Nhưng làm sao thơ anh chết được. Thưa mẹ trái tim vẫn sống tới bây giờ, và còn hứa hẹn sống tiếp, sau khi Trần Quang Long hy sinh đã 36 năm.
. Thanh Thảo |