Sau 30 năm nghiên cứu sưu tầm, khai quật khảo cổ học, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định vừa cho xuất bản tập ảnh "Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định" kèm theo bài giới thiệu của giáo sư Diệp Đình Hoa và Cao Xuân Phổ.
Tập sách giới thiệu 3 nhóm hiện vật gắn liền với lịch sử văn hóa Bình Định là: Trống đồng Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh và Điêu khắc Chămpa ở Bình Định.
Ở phần Trống đồng Đông Sơn, sách giới thiệu 9 trống đồng và 1 giáo đồng được phát hiện ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và Phù Cát.
Mảng Văn hóa Sa Huỳnh có 20 hiện vật khẳng định dấu tích những cư dân Việt cổ phát triển một cách liên tục trên đất Bình Định. Đây là một phần nhỏ trong thành quả của sự định cư lấn biển của người xưa đã lưu giữ trong lòng đất ngót hàng trăm thế kỷ.
Phần phong phú nhất của tập sách là các hiện vật điêu khắc Chămpa ở Bình Định. Với 85 hình ảnh hiện vật: từ rắn thần Naga đến sư tử thành Đồ Bàn, nữ thần Sarasvati hay thần Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn…, tất cả đã tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo, rực rỡ trong điêu khắc Chăm pa mà các nhà nghiên cứu gọi là phong cách Bình Định hay phong cách Tháp Mẫm.
Những gì giới thiệu trong tập sách này chỉ là một mảng nhỏ trên một khối lượng hiện vật đồ sộ hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định và ở một số di tích khác trong tỉnh.
Cuốn sách là một công trình khoa học có giá trị trong việc giới thiệu, nghiên cứu lịch sử địa phương Bình Định trong quá khứ.
. Mai Thìn |