Bức tứ bình trong Việt Bắc
9:14', 30/8/ 2005 (GMT+7)

Việt Bắc của Tố Hữu (10-1954) là trường ca tuyệt đẹp về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Bài thơ đã đi vào lòng người bằng giọng điệu ân tình chung thủy, khắc họa sâu sắc nỗi niềm của những người con rời "thủ đô kháng chiến", hòa quyện tình cảm dân tộc và cách mạng.

Ta về mình có nhớ ta...

Nỗi nhớ là cảm xúc chủ đạo của toàn bài thơ, gắn với "ta - mình" là miền ký ức của người đi: Ta về ta nhớ những hoa cùng người. Sự nối tiếp, đan xen hoa - người là mạch cảm xúc của đoạn thơ đặc sắc này.

Tố Hữu gói trọn bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong những sắc màu hài hòa nhất. Tác giả chọn những thời điểm nên thơ, tạo ấn tượng không phai:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Nét son của bức tranh này là màu đỏ tươi của hoa chuối, điểm vào không gian xanh bao la. Người đọc có thể nhớ đến thơ Nguyễn Trãi:

Hòe lục đùn đùn tán rợp trương

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ...

Mùa đông trong câu thơ Tố Hữu cũng lan tỏa hơi ấm của mùa hè, không lạnh lẽo, bởi sắc đỏ hoa chuối cũng như phun trào từ giữa màu xanh của rừng.

Bên cạnh sắc hoa là nét đẹp của người thật khỏe khoắn: "Nắng ánh dao gài thắt lưng" là hình ảnh người Việt Bắc. Con người nơi "đèo cao", càng nổi bật trong ánh nắng, thành một điểm sáng giữa mùa đông, mang nét kiêu hãnh của núi rừng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Sức sống mùa xuân lan tỏa. Giữa nền trắng hoa mơ, nổi bật hình ảnh "người đan nón". Người Việt Bắc hiện lên ở nét đẹp cần mẫn, chịu thương chịu khó. Không một âm vang, nhưng vẻ đẹp của mùa xuân vẫn sinh động nhờ hoạt động của con người. Sợi nhớ, sợi thương đan dày trong tâm tưởng, con người đẹp tự nhiên trong những công việc tỉ mẩn hàng ngày.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Không gian nỗi nhớ đọng lại hình ảnh ngọt ngào thân thương nhất của "cô em gái hái măng". Ấn tượng màu vàng đẹp như bức vẽ tả thực vừa làm xao xuyến lòng người trong tiếng ve gióng giả gọi hè, gọi cả màu vàng đất trời về phủ kín cánh rừng. Câu thơ gợi nhớ vẻ đẹp của một "cô hái mơ" trong thơ Nguyễn Bính. Nhưng ở đây cô gái Việt Bắc mang vẻ đẹp khỏe khoắn mộc mạc hơn.

Rừng thu trăng dọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

Không gian về đêm hoàn chỉnh vẻ tuyệt mỹ của núi rừng. Đêm thu và ánh trăng như lan tỏa vào màu xanh núi rừng. Nỗi nhớ cũng mênh mang như ánh trăng, ngọt ngào "tiếng hát ân tình thủy chung". Tình người bâng khuâng gợi cảm xúc đồng điệu kẻ ở - người đi.

Mỗi mùa mang một nét riêng và bốn mùa hòa chung màu sắc đa dạng, đọng lại những khoảnh khắc đáng nhớ, khi trái tim nhà thơ bắt nhịp cùng không gian - cảnh vật. Đó là tình yêu đích thực, rung động chân thành của nhà thơ. Cũng là tấm lòng của những người con cách mạng với Việt Bắc.

. Trương Yến Thanh

(Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp: Từ 17 chữ "ai" đến 17 chữ "xanh"   (29/08/2005)
Xuất bản tập ảnh "Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định"  (29/08/2005)
Mẹ là trái tim con  (28/08/2005)
Chúa tể của muông thú - món quà cho thiếu nhi  (26/08/2005)
Cần lắm tính chuyên nghiệp  (26/08/2005)
Hoàng Quế: Nghệ sĩ đa tài  (26/08/2005)
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng (Phù Cát) đoạt giải nhất  (26/08/2005)
Nhớ thác   (25/08/2005)
Hội đổ giàn An Thái: Còn đâu nét hội xưa?   (25/08/2005)
"Chất lượng của triển lãm lần này đã được nâng lên"   (25/08/2005)
Chuyện ly kỳ về nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu"   (24/08/2005)
Đây thôn Vĩ Dạ (*) - Từ hoài niệm đến ảo giác   (23/08/2005)
Kỳ cuối: "Ai về nhắn với nậu nguồn"...   (23/08/2005)
Sẽ xuất bản bộ Địa chí lịch sử Bình Định vào tháng 10-2005  (23/08/2005)
Tác phẩm Vượt lên nỗi đau của Nguyễn Chơn Hiền đoạt giải B  (23/08/2005)