Đọc "Đồng quê" của Mai Thìn
14:38', 31/8/ 2005 (GMT+7)

Trong các nhà văn nhà thơ ở Bình Định, Mai Thìn là một trong những người chịu viết. Anh viết báo, viết truyện, khảo cứu… làm thơ. Có lẽ thơ là niềm đam mê nhất của Mai Thìn. Đến Khúc Sơn Ca đã là tập thơ thứ tư của anh.

Trong tập thơ Đồng quê (NXB Hội Nhà văn 1999) có hai phần: phần Đồng quê và phần Thao thức. Bắt đầu từ phần Thao thức, Mai Thìn đã chuyển dần qua lối thơ tự do hiện đại. Có những câu thơ tự do dài tới 20, 30 chữ. Sự chuyển đổi ấy thành công thế nào tôi chưa dám bàn. Chỉ biết anh để lại phía sau một tập Đồng quê thật dễ thương. Thành công của Đồng quê cũng như thơ của Mai Thìn là anh đã tìm cho mình một hướng đi riêng. Đó không phải là chuyện dễ đối với người cầm bút.

Qua mấy tập thơ, đều có chung một lối. Anh có một người bạn gái "Thanh mai trúc mã" từ thuở nhỏ. Lớn lên hai người yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Cuộc đời đã dẫn mỗi người về một phía nhưng tình yêu của họ dường như không dứt. Anh tin ở mình và tin ở người yêu vẫn còn giữ trong tâm hồn những kỷ niệm của một mối tình đã qua:

Ngày xuân mai nở bên rào

Em đi em giữ lời nào tôi yêu?

(Cánh diều)

Những hoài niệm thương nhớ về người yêu gắn bó với hình ảnh quê hương cứ hiện lên trong thơ Mai Thìn. Dù anh viết về "cánh diều", "Hoa cỏ may", "Tiếng võng" của mẹ, "cầu xuân"…, hay viết về Đà Lạt, Sông Hồng, Hội An…; quê hương cũng hiện ra cùng với bóng dáng của người con gái ấy.

Đọc Đồng quê của Mai Thìn, tôi mới ngộ ra, nông thôn ngày nay đã đổi mới khá nhiều với trước đây, nhưng vẫn còn những khoảng lặng của nó như gìn giữ hồn quê muôn đời. Một cánh diều bay trong hoàng hôn lặng lẽ, "vết chai nổi dần sau đường cày ải", "Những con đường bì bõm dấu chân trâu" nơi "mẹ cha sớm tối đi về/ thấp thỏm bước theo từng mùa gặt hái "…

Trên một miền quê "lúa và hoa dẫu vẫn chưa nhiều" nhưng mùa xuân đã theo bước con thơ "vào đầy ngõ" để gieo vào lòng người những mơ ước về ngày mai… Cứ thế, quê hương hiện lên cùng với bóng dáng người thương với những nhớ thương tha thiết. Nhiều bài thơ tạo được không khí chân quê, như tứ thơ này trong Bài thơ trên cánh diều: Trong ngày hội làng năm ấy, người trai thả một cánh diều, trên cánh diều có đề mấy câu thơ. Cánh diều bị đứt, người con gái lượm được đem về chằm vô chiếc nón của mình. Rồi những chiều quê nơi cuối bãi, nàng âm thầm nhẩm thuộc những câu thơ. Giờ trở lại quê hương với phiên chợ làng đầy nón trắng, người con trai ngơ ngác tìm khắp chợ nón mà không thấy chiếc nón ngày xưa.

Là tâm trạng của "cây đa bến cũ", nhưng trong hoàn cảnh cụ thể khác.

Bài thơ "Chiều sông Hồng" có những câu thơ hay:

Mặt trời chín đỏ

Nung cả dòng sông, nung cả thuyền

Nung cả không gian thành ảo ảnh

Cháy rực hết mình con sóng xanh.

Trong xa xôi của một chiều đất Bắc, một mình lững thững giữa Long Biên, cảm xúc với vẻ đẹp của dòng sông lịch sử, nhà thơ như chợt bị níu về với quê hương và người em gái ấy:

Em ở đâu chân mây đầu ngọn sóng

Tôi một mình lững thững giữa Long Biên…

Người cầm bút chọn được một hướng đi là điều đáng quí. Còn đi như thế nào là quyết định của nhà thơ. Thành công của Mai Thìn là sự chân thật của tình cảm, gợi được không khí quê hương. Hình bóng của một mối tình không nguôi, hòa quyện với hình bóng của quê hương tạo được sắc thái thiết tha, vương vấn riêng biệt của tập thơ. Với giọng điệu thơ ấy, với đặc điểm ấy của tâm hồn bước vào thơ hiện đại sẽ ra sao? Chúng ta chờ đợi sự thành công mới của anh.

. NGƯT Trương Tham

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức tứ bình trong Việt Bắc  (30/08/2005)
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp: Từ 17 chữ "ai" đến 17 chữ "xanh"   (29/08/2005)
Xuất bản tập ảnh "Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định"  (29/08/2005)
Mẹ là trái tim con  (28/08/2005)
Chúa tể của muông thú - món quà cho thiếu nhi  (30/08/2005)
Cần lắm tính chuyên nghiệp  (26/08/2005)
Hoàng Quế: Nghệ sĩ đa tài  (26/08/2005)
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng (Phù Cát) đoạt giải nhất  (26/08/2005)
Nhớ thác   (25/08/2005)
Hội đổ giàn An Thái: Còn đâu nét hội xưa?   (25/08/2005)
"Chất lượng của triển lãm lần này đã được nâng lên"   (25/08/2005)
Chuyện ly kỳ về nguyên mẫu nhân vật "Ruồi trâu"   (24/08/2005)
Đây thôn Vĩ Dạ (*) - Từ hoài niệm đến ảo giác   (23/08/2005)
Kỳ cuối: "Ai về nhắn với nậu nguồn"...   (23/08/2005)
Sẽ xuất bản bộ Địa chí lịch sử Bình Định vào tháng 10-2005  (23/08/2005)