Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi tỉnh Bình Định lần thứ V - năm 2005 có chủ đề "Tình yêu quê hương, đất nước, con người Bình Định". Cuộc thi được phát động từ ngày 15-4 đến ngày 15-8-2005, Ban Tổ chức đã nhận được 5.943 tác phẩm dự thi của các em. Trong đó, huyện Hoài Ân có số tranh dự thi trên 2.700 tranh, nhiều nhất so với các huyện trong tỉnh. Có em tham gia từ 2 đến 4 bức tranh, vẽ nhiều đề tài khác nhau.
|
Tác phẩm đạt giải nhất của Nguyễn Thị Thúy Hằng (Phù Cát) - Ảnh: Hoài Thu |
Theo đánh giá của ông Lê Thế Trí, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, trong buổi tổng kết cuộc thi, thì lần này, số lượng tranh dự thi đã có sự vượt trội so với các lần trước.
Ở vòng sơ khảo, Ban Giám khảo đã chọn ra được 300 bức tranh để trưng bày tại Thư viện Khoa học tổng hợp Bình Định. Những bức tranh, bố cục ngộ nghĩnh, lại được thể hiện qua chất liệu mộc mạc: chì, bột màu, dán giấy… phản ánh được sắc thái đa dạng của cuộc sống, khai thác được chủ đề do Ban Tổ chức đặt ra, nhưng dưới những góc nhìn hồn nhiên, tươi xanh của tuổi nhỏ.
Ngay một đề tài tưởng như vượt ngoài tầm quan tâm của các em học sinh tiểu học như Khu Kinh tế Nhơn Hội nhưng Nguyễn Phương Thảo Ngân (11 tuổi, Trường Tiểu học số 1 Đập Đá, An Nhơn) cũng có một cách thể hiện hồn nhiên qua góc nhìn của ước mơ, với "Nhơn Hội năm 2005".
Nếu tranh của các em tuổi tiểu học tập trung phản ánh cảnh làng xóm, trường học, quê nhà thì tranh của các em tuổi THCS lại đi vào thể hiện tình yêu quê hương, con người, ước mơ với quê hương.
Sau vòng sơ khảo, Ban Tổ chức đã chọn ra 80 em vào chung khảo, vẽ tại chỗ. Đề tài do Ban Giám khảo đặt ra là: "Vẽ cảnh sinh hoạt quê hương em trên đường đổi mới", nhưng mỗi bức tranh đều có một cái thể hiện khác nhau: mái trường thân yêu, những cánh đồng lúa, cảnh vui chơi các bạn nhỏ… màu sắc tươi nguyên, bố cục hồn nhiên, bật lên cái nhìn yêu đời, yêu quê hương, cuộc sống, có khi tinh nghịch. Có bức tranh có tính sáng tạo, liên tưởng cao, chẳng hạn: "Niềm vui khi các loại xe về xóm để chở lúa cắt vào mùa gặt" của Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trường THCS Cát Tân, Phù Cát).
Hẳn nhiên, không ít bức tranh còn quá đơn giản về kỹ thuật tô màu, chưa chặt về bố cục. Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, thành viên Ban Giám khảo, nhận xét: "Có nghịch lý là tranh khối tiểu học chất lượng lại tốt hơn khối THCS. Chẳng là, khi sắp xếp, chúng tôi sắp nhầm tranh của một học sinh tiểu học sang khối THCS và ngược lại. Đến khi phát hiện được thì thật bất ngờ là ở khối THCS thì bức tranh này đoạt giải, nhưng khi lọt sang khối tiểu học thì bị loại. Đây cũng là một thực tế rất đáng lưu tâm".
Những non yếu trong kỹ thuật, bố cục hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng điều đáng buồn nhất, là vẫn có những bức tranh vẫn còn dấu ấn sự tham gia của người lớn trong cách sắp đặt, làm mất đi cái hồn nhiên của tuổi thơ. Thêm vào đó, vẫn có những huyện như Vân Canh, An Lão không có tranh dự thi.
. Khải Nhân
Giải nhất: Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trường THCS Cát Tân - Phù Cát)
Giải nhì:
Khối THCS:
- Nguyễn Anh Tuấn (Trường THCS Quang Trung - Quy Nhơn)
- Phan Thúc Khương (Trường THCS Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn)
- Trần Trương Nguyệt Linh (Trường THCS Lê Hồng Phong - Quy Nhơn)
Khối Tiểu học:
- Đào Thị Bảo Ánh (Trường Tiểu học số 1 Đập Đá - An Nhơn)
- Bùi Đức Ánh (Trường Thực nghiệm - Quy Nhơn)
- Lê Tuấn Mỹ (Trường Thực nghiệm - Quy Nhơn)
Giải ba:
Khối THCS:
- Nguyễn Thị Thanh Kim Hiền (Trường THCS Cát Lâm - Phù Cát)
- Dương Thùy Duyên (Trường THCS Lương Thế Vinh - Quy Nhơn)
- Huỳnh Thị Chiêu (Trường THCS Ân Nghĩa - Hoài Ân)
Khối Tiểu học:
- Huỳnh Thụy Nghị Hảo (Trường Tiểu học số 2 Hoài Hảo - Hoài Nhơn)
- Nguyễn Thành Đạt (Thực nghiệm - Quy Nhơn)
- Nguyễn quỳnh Anh (Thực nghiệm - Quy Nhơn)
- Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Trường Tiểu học Lê Lợi - Quy Nhơn)
Và 16 giải khuyến khích.
Giải dành cho trường có thí sinh tham gia đông nhất:
- Trường THCS Tăng Bạt Hổ - Hoài Ân
- Trường THCS Hoài Thanh Tây - Hoài Nhơn. | |