Từ khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành biểu tượng của cách mạng Việt Nam. Lá cờ ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho bao bài ca cách mạng. Ngay từ năm 1941, Vương Gia Khương đã viết hành khúc "Cờ Việt Minh" với lời ca khẳng định: "Cùng giương cao lá cờ đỏ chói lấp lánh sao vàng". Đến năm 1944, Văn Cao khi viết "Tiến quân ca" cũng đã ngợi ca: "Đoàn quân Việt Nam đi - Sao vàng phấp phới… Cờ pha máu chiến thắng mang hồn nước". Sau đó là "Bắc Sơn" với: "Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu". Đỗ Nhuận với "Du kích ca" cũng đã chất ngất: "Dưới Quốc kỳ phấp phới màu đỏ sao vàng". Dương Minh Viên với "Du kích Ba Tơ" cũng thành kính: "Bóng cờ trong núi rừng sâu gươm giáo reo chí quật cường". Đến Hoàng Văn Thái thì "Phất cờ Nam Tiến". Rồi "Mười chín Tháng Tám" của Xuân Oanh - một giai điệu khởi nghĩa cũng đã tả rất chân thành: "Cờ bay nơi nơi - Muôn ánh sao vàng - Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn"… Nhưng phải đến Phan Thanh Nam với "Lá cờ Tháng Tám", hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng mới được "vẽ" bằng giai điệu của một bài hát đầy ấn tượng.
Phan Thanh Nam sinh 1930, cùng năm Đảng thành lập. Năm nay, ông cũng đã 75 tuổi. Chàng trai xứ Huế sau Cách mạng Tháng Tám dù còn nhỏ tuổi, đã lên đường theo cách mạng. Ngành quân giới là cái nôi dinh dưỡng ý chí và tâm hồn của ông suốt những năm tháng kháng chiến trường kỳ. Không ra mặt trận, nhưng những vũ khí của quân giới Việt Nam mà Phan Thanh Nam góp một phần nhỏ bé, đã làm kinh hoàng giặc bao phen.
Là chiến sĩ quân giới nhưng mê say âm nhạc, Phan Thanh Nam đã viết "Lá cờ Tháng Tám" khi được tin Hiệp định Génever được ký kết. Lòng tự hào, niềm kiêu hãnh về đất nước đã là cảm xúc cho Phan Thanh Nam hát lên giai điệu ngợi ca Quốc kỳ. "Lá cờ Tháng Tám" được viết ra bởi tâm hồn chàng trai ở tuổi đôi mươi nên nó phơi phới như chính tuổi thanh xuân của Đảng, của dân tộc ở thời đại mới:
Tung bay là tung bay cờ đỏ sao vàng
Muôn sao tung không gian từ Việt Bắc xuống tận bưng biền
Lòng người dân sôi lên bao hờn căm bấy lâu trào dâng
Nắng Ba Đình rạng chiếu dáng người ấm giọng cha già muôn đời.
Những đảo phách ở ca từ "tung bay" dường như đã diễn tả được hết hình tượng lá Quốc kỳ thân yêu của chúng ta. Tài tử Ngọc Bảo là người ca sĩ đầu tiên thể hiện "Lá cờ Tháng Tám" và đã từng được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khen ngợi.
"Lá cờ Tháng Tám" đã đưa Phan Thanh Nam bước vào sự nghiệp âm nhạc. Đến năm 1973 khi hiệp định Paris được ký kết, vẫn nét nhạc chủ đạo từ "Lá cờ Tháng Tám", Phan Thanh Nam lại viết "Trên đường vui hôm nay". "Trên đường vui hôm nay" đã theo những người lính giải phóng đi cắm cờ ở những vùng giáp ranh tại miền Nam. Giai điệu như tiếp sức cho những người lính phất cao lá cờ đi tới ngày giải phóng Sài Gòn như chính đoạn kết của bài hát: "Sài Gòn ơi ! Thành Huế ơi! Hẹn nhau một ngày mai - vui liên hoan".
Cũng nét nhạc ấy sau thống nhất, Phan Thanh Nam đã viết hợp xướng "Ta hát tiếp bài ca". Một lá cờ, một nét nhạc, ba chặng đường cách mạng, Phan Thanh Nam đúng là nhạc sĩ của "Lá cờ Tháng Tám".
. Nguyễn Thụy Kha |