Người giúp việc
9:28', 4/9/ 2005 (GMT+7)

. Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt

"Giờ có em, Hiến ra rìa rồi!"; "Ba mẹ Hiến chỉ thương em bé thôi". Nghĩ tới cảnh có đứa gọi mình bằng anh, tôi khoái. Nhưng những lời chọc chơi của cô Quyên cạnh nhà làm tôi cụt hứng. Cu Thìn chỉ nhỉnh hơn trái mướp giống được bà nội tôi treo trên giàn bếp nhưng quậy hết cấp. Khi nó khóc, bị sốt hay nhác bú là ba mẹ tôi và cô Bảy cùng xúm vào, mặt căng thẳng khi phải đối diện với con bệnh và rối rít tìm lời đáp cho những câu hỏi tại sao. Lúc đó, tất nhiên tôi bị gạt sang bên, tệ hơn là tuồng như bị bỏ quên. Có lần tôi cố lách tới gần chỗ thằng em với khuôn mặt đỏ ửng đang "không nghe, không nghe" om sòm, ba tôi nắm áo kéo ngược lại: "Ra ngoài". Tôi ấm ức, sao chẳng bù khi trước, khi chỉ có mỗi tôi nằm ngủ giữa ba và mẹ ấy. Khi đó, chỉ mỗi việc cho tôi ăn mà mẹ phải tốn tiền mua thêm xăng và ba nhiều phen đỏ cả đầu gối. Tôi nhớ mãi những buổi chiều được ba đặt lên xe máy, lượn một vòng vài ba trăm mét cốt chỉ để sau đó tôi ngoan ngoãn há mồm "ùm" một muỗng cơm do mẹ đút. Nếu không thế, ba tôi phải co giò, chống tay làm ngựa cho tôi mặc sức véo tai, nắm tóc, những mong con khoái chí góp phần đẩy nhiều cơm xuống cái bụng bé tí của tôi. Khi tôi vào lớp Một, học tới đâu là mẹ lẽo đẽo học tới đó, học không phải để xóa mù đâu mà để biết cách bày cho tôi đấy. Cả "niềm vui lớn của ba mẹ là khi thấy con học giỏi", giờ cũng chẳng nghe ba đả động tới. Ngay việc ba mẹ kiểm tra bài của tôi vào buổi tối, giờ được thay bằng lời chỉ giáo lặp lại hàng tỉ lần của ba "Học đi con". Ngoài những lúc làm việc ở cơ quan, ba nhong nhóng chờ nhận ý chỉ của mẹ và rẹt rẹt làm ngay. Tự nhiên tôi đâm ghét em - cái thằng mà nếu đi thi "bé khỏe bé đẹp" chắc chắn bị loại từ vòng đầu, nhưng nếu thi "khóc khỏe" thì đố ai qua được, chí ít nó cũng ẵm cái giải an ủi.

Mãi lo cho đứa người nhỏ miệng to nên ba mẹ chẳng biết tâm trạng tôi. Chỉ cô Bảy giúp việc trong nhà là hiểu. "Cô ấy giỡn đấy, đừng nghe" - trước những trêu chọc của cô Quyên, vô tình đẩy tôi ra xa cu Thìn, cô nắm lấy tay tôi kéo đi để tránh những lời ấy. Rồi cô chỉ cho tôi cái sướng khi được làm anh: "Thìn, rót nước cho anh, giặt đồ cho anh!"; "Thìn, quét nhà, đổ rác!". Viễn cảnh do cô Bảy vẽ ra làm tôi thỏa chí, cười đỏ lợi. Mỗi sáng tôi tới trường, cô bế Thìn ra ngõ bày hôn gió rồi vẫy tay tạm biệt. Về nhà sau giờ học, từ xa tôi đã thấy bàn tay nhỏ giơ lên vẫy gọi. Khi tôi tới gần, Thìn trèn khỏi cô Bảy, lẫm chẫm chạy về phía tôi, lắm lúc ngã dúi dụi. Nó khóc mù mịt nhưng vẫn cố đưa bàn tay chới với về phía trước đón lấy bàn tay anh. Mãi rồi bàn tay nhỏ xinh, vẫy gọi tôi hai lần trong một ngày trở nên thân thương quá đỗi. Bữa nào trời mưa hoặc Thìn ốm, cô Bảy không cho nó ra ngoài, tôi thấy cái ngõ trống vắng và ngơ ngác buồn, giống lòng tôi vậy.

Khác ba mẹ tôi, cô Bảy bảo Thìn gọi tôi là anh Hai. Sao lại thế? Cô lúng túng giải thích, đại ý là theo quan niệm của quê tôi, người chỉ được gọi thứ thay tên khi đã lớn và gọi thế vừa biểu hiện tôn trọng vừa hàm chứa thân mật. Vậy là tôi cũng được coi là người lớn! Niềm vui lâng lâng nâng hồn tôi bay bổng. Nhưng làm người lớn có khi cũng chán, tỉ như tôi đành nhịn xem bóng đá trên ti vi để nhường cho Thìn dán mắt vào đó với chương trình quảng cáo. Cứ theo lời cô bảy, tôi thấy có vô số điều mình nên làm hoặc cần tránh. Nhờ cô, tôi bỏ được thói quen xới tung đĩa thịt để tìm những miếng nạc mỗi khi ngồi vào mâm; tránh được cả mớ âm thanh soàn soạt khi húp canh hệt tiếng kêu của điếu cày thuốc lào. Cả khi tôi làm rơi vãi cơm hoặc ăn không hết trong chén là cô có lời ngay, cô bảo không được phí hạt ngọc của trời. Hồi mới tới, thấy mẹ tôi đổ cơm thừa xuống cống, cô tròn mắt, xuýt xoa ngỡ như bị mất bạc triệu. Sau đó cô dồn cơm thừa vào bịch ni lông, cuối ngày xách cho bà Thành ở cuối hẻm nuôi heo. Cả vỏ lon nước ngọt, vỏ lọ dầu gội, một nhúm lông vịt cô cũng gom lại để bán ve chai. Chắt chiu vậy nhưng lòng cô không hẹp. Bằng chứng là cô rất hay bố thí cho những người ăn xin, dẫu khi chỉ năm trăm, lúc một ngàn đồng nhưng đều đặn. Riết rồi những người chuyên sống nhờ từ tâm của kẻ khác coi cô như một địa chỉ chắc ăn. Mẹ tôi bảo, trong đám "bị, gậy" kia, khối kẻ giả chết bắt quạ, coi chừng bị lừa đấy, nhưng cô Bảy không nghe. Cô còn nhớ cả những người cô chưa kịp rõ mặt kia mà.

Như trong giấc mơ đẹp, một hôm đi học về, tôi thấy trên bàn mình ba cuốn truyện Đô-rê-mon cũ. Tôi sung sướng hét lên. Nhưng "món khoái khẩu" này từ đâu ra? Cô Bảy! Cô đã đổi mớ vỏ chai, dép đứt để có số sách này từ bà mua đồng nát. Ôi, cô biết cả niềm đam mê đã nhiều lần khiến tôi phải úp mặt vô tường. Nói đúng thì lúc đầu ba mẹ không cấm việc tôi căng mắt vào những trang truyện tranh với con chữ li ti, nhất là bị hút hồn bởi chú mèo máy Đô-rê-mon tốt bụng, thương người và cậu bé Nô-bi-ta hậu đậu. Mẹ chỉ lo tiền ăn học nên tôi đành mong ba rộng lòng mở túi mới có tiền thỏa mãn thú vui kia. Tôi xin tiền đúng thời điểm ba dễ thương nhất, ấy là lúc người thăng hoa sau khi đã dung nạp một cơ số bia rượu vừa phải. Bia vào, người hào phóng ngay, cho tôi tiền mà không kèm những lời huấn thị về tiết kiệm. Đến lúc ba tôi cảnh giác với chính sự nhẹ dạ của mình, tôi đành ăn sáng ít lại trong số tiền mẹ cho. Để đủ tiền và cho kịp xem ngay sau ngày phát hành những cuốn truyện tranh, tôi nảy ra mong muốn đen tối: chờ sự hớ hênh của mẹ. Lần đầu bắt được tôi xỉa tiền, mẹ không dùng biện pháp mạnh, chỉ hăm: "Còn lần nữa là chết!". Khi thấy tôi ham đọc truyện hơn học, ba mẹ cấm chỉ, buộc tôi phải xa những câu chuyện kỳ thú, tất nhiên không quên ghi chú: nghỉ hè thì được tung cánh sổ lồng... Cô Bảy đưa ba cuốn truyện cho tôi, giọng thầm thì giống như truyền mật khẩu: "Đọc ít thôi, đừng để ba mẹ thấy!"

Khi vào lớp sáu, tôi có thú vui mới: trò chơi điện tử. Theo tôi, món này khoái nhất đời. Bấy giờ, tôi nhịn ăn sáng, tự nâng số tiền nào đó phải nộp theo yêu cầu của trường nhằm lấy chênh lệch nhưng vẫn không đủ tiền để ngồi trước màn hình vi tính. Tôi đành nhờ túi tiền của mẹ, bằng cách không lương thiện. Mẹ giận tái mặt khi bắt gặp mười ngàn đồng được kẹp gọn trong vở nháp của tôi. Lần này ba mẹ cùng đứng về một phe, sau lưng tôi chỉ có bức tường lạnh ngắt. Ba là người ưa bài thuốc cổ điển "thương cho roi cho vọt" thành ra cái mông tội nghiệp của tôi phải te tua, rỉ máu. Cô Bảy bỏ vội Thìn xuống chiếu chạy lại can nhưng không kịp. Cô ôm tôi vào lòng: "Lần sau con đừng vậy nữa, nghen!". Cô tìm bông và ô xy già xoa cho tôi, tôi mới bỏ được, bỏ hẳn thói dòm ngó tiền của ba mẹ, kể cả mấy ngàn đồng lẻ mẹ tôi để tơ hơ nơi bàn nước khi đi chợ về trễ nhưng vội đến cơ quan.

Khi Thìn vào lớp Lá, cô Bảy thôi ở với gia đình tôi. Trước ngày cô về chừng nửa tháng, mẹ tôi mất tiền, mất một trăm ngàn đồng! Mẹ lần sờ túi quần của mình, lại mở ngăn kéo xới tung lên, rồi đếm lại tiền trong tủ. Mẹ thất vọng buông hai tay, rên rỉ: "Tôi mới để trong túi đây mà!". Ba cười nhưng không vui: "Thôi, của đi thay người". Cô Bảy vẫn chưa hết hy vọng: "Chắc ở đâu đó, tìm lại đi". Là nghi can số một, tôi liên tục bị ba mẹ gọi lên thẩm vấn. Ba nhìn nhìn, vẻ soi mói như tìm sự khác thường trên nét mặt tôi. Tôi cố gồng mình với những tiếng "không" tròn xoay, liên tục được lặp lại. Tôi không ngờ chuyện lại rắc rối đến thế. Nếu chuyện này bung ra, tôi không thành phế nhân thì cũng chẳng thể ngồi bằng mông được, chí ít trong một tháng.

Buổi sáng ra về, cô Bảy ngồi với mẹ tôi bên bàn ăn lâu thật lâu. Học trong phòng nhưng nhìn qua khuôn bông trên trên tường, tôi chứng kiến toàn bộ câu chuyện giữa mẹ và cô. Khi thấy cô Bảy đưa cho mẹ tờ một trăm ngàn đồng, tôi điếng người, nín thở. Giọng cô rất khẽ: "Tờ bạc mất bữa trước đây!". Mẹ tôi sửng sốt: "Ở đâu thế?" - "Trong túi quần của Hiến, tôi thấy khi giặt đồ". Mẹ tôi trách: "Sao giờ chị mới nói!?" - "Biết cô nghi tôi, tôi áy náy lắm - Giọng cô Bảy buồn buồn - Nhưng tôi thương Hiến bị đánh, cô đừng nói với ba cháu nhé!".

Cô Bảy cầm lấy bàn tay mẹ lắc lắc. Mẹ ngồi lặng. Tôi cũng ngồi lặng, với tiếng kêu nghẹn lại trong lòng: "Cô Bảy ơi!".

. N.T.H

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ca sĩ Kim Hiếu: "Tôi luôn yêu thích những bài hát về Đảng, về Bác"  (02/09/2005)
"Lá cờ Tháng Tám" - Một giai điệu độc đáo  (02/09/2005)
"Má tôi ngày ấy"  (01/09/2005)
Sắc màu tuổi thơ  (01/09/2005)
6 bộ phim Việt Nam sẽ được trình chiếu rộng rãi  (01/09/2005)
Đọc "Đồng quê" của Mai Thìn  (31/08/2005)
Bức tứ bình trong Việt Bắc  (30/08/2005)
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp: Từ 17 chữ "ai" đến 17 chữ "xanh"   (29/08/2005)
Xuất bản tập ảnh "Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định"  (29/08/2005)
Mẹ là trái tim con  (28/08/2005)
Chúa tể của muông thú - món quà cho thiếu nhi  (30/08/2005)
Cần lắm tính chuyên nghiệp  (26/08/2005)
Hoàng Quế: Nghệ sĩ đa tài  (26/08/2005)
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng (Phù Cát) đoạt giải nhất  (26/08/2005)
Nhớ thác   (25/08/2005)