Không hiểu tên gọi Kinh Bắc có từ bao giờ, chỉ biết năm 1469 vua Lê Thánh Tông đổi Bắc Giang (bao gồm cả Bắc Ninh) thành Kinh Bắc. Đến đầu thế kỉ XVII, chúa Trịnh chia 10 trấn thuộc Bắc Bộ thành 4 nội trấn, 6 ngoại trấn. Bốn nội trấn là Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc. Trong bốn nội trấn chỉ có Bắc Ninh được mang tên Kinh Bắc để sánh với kinh đô Thăng Long. Tên gọi đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của mảnh đất này trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Xét riêng về mặt văn hóa, Kinh Bắc là mảnh đất cổ của người Việt, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Ở đây có văn miếu Bắc Ninh lưu danh trên 600 bia tiến sĩ, có những công trình kiến trúc nghệ thuật độc nhất vô nhị trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nước ta như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, đình Đình Bảng… Bắc Ninh còn là xứ sở của những hội hè đình đám, những sinh hoạt văn hóa dân gian. Đây cũng là quê hương của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, hát trống quân, hát ca trù, dân ca quan họ…
Thế giới Kinh Bắc là vùng quê gắn với con sông Đuống. Dường như những nền văn hóa lớn trên thế giới đều hình thành dọc theo những dòng sông. Điều này đặc biệt đúng với nước ta - cư dân của đất nước nông nghiệp. Dọc theo những dòng sông đã hình thành nên những vùng văn hóa, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Nói đến thế giới Kinh Bắc, trước hết là nói đến làng tranh Đông Hồ. Những bức tranh gà lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen, đấu vật… đã làm nên một phần hồn xưa đất nước. Kinh Bắc là thế giới của hội hè, đình đám. Chưa ở đâu lễ hội nhiều và mang nét riêng của vùng quê xứ Bắc như ở đây. Đó là hội xem hoa mẫu đơn chùa Phật Tích, hội rước và thi pháo làng Đồng Kỵ, hội đền Bà Chúa Kho, hội rước Phật tứ pháp chùa Dâu, hội quan họ vùng Lim… Kinh Bắc cũng là quê hương của những làng nghề nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ, sơn mài Đình Bảng, chạm khắc Phù Khê, tơ tằm Trầm Chỉ… Làm nên truyền thống văn hóa nghệ thuật Kinh Bắc là những con người Kinh Bắc - những con người tinh tế, tài hoa, mang trong mình cái hồn xưa đất nước. Hoàng Cầm đã dành những câu thơ hay nhất để nói về người con gái Kinh Bắc. Ông tâm niệm câu nói của người xưa "đàn ông tạo luật pháp, đàn bà tạo phong tục" nên theo ông "muốn nhìn, muốn tìm hiểu một vùng văn hóa nào đó chỉ cần đánh giá được đời sống của những người đàn bà, nhất là những thiếu nữ - tuổi mà bản năng phát triển đang mạnh mẽ nhất" (Nguyễn Quang Thiều chủ biên - Tác giả nói về tác phẩm - NXB Trẻ, năm 2000, tr. 197). Hình ảnh cô gái Kinh Bắc được khắc họa với khuôn mặt búp sen, hàm răng đen và nụ cười làm cả khuôn mặt bừng sáng như nắng mùa thu khiến ta có cảm giác như cô vừa bước ra từ một vùng văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống khi nghe tin giặc tàn phá quê hương. Hồn xưa Kinh Bắc ngấm vào ông từ nhỏ, từ những lần theo mẹ đi lễ các chùa, đi hát quan họ, giờ sống lại, làm nên thế giới nghệ thuật độc đáo của bài thơ, chạm đến đáy sâu tâm linh của mỗi người dân Việt. Có lẽ đó là một trong những lí do khiến bài thơ được nhiều người yêu thích.
. Đỗ Em
(*) Giảng dạy trong chương trình văn học lớp 12
|