Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề
10:6', 6/9/ 2005 (GMT+7)

Bình Định hiện có trên 40 làng nghề với khoảng 6.000 hộ, cơ sở sản xuất thu hút lực lượng lao động đáng kể ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, mỗi làng nghề còn ẩn tàng những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, cần được bảo tồn khi tiến hành thành lập các khu tiểu thủ công nghiệp.

 

                               Gốm Nhạn Sơn ở Nhơn Hậu (An Nhơn) (ảnh: Ngọc Lối)

 

Thực tế cho thấy, làng nghề gắn liền với các địa danh nông nghiệp vùng cận thị tứ, thương nghiệp, giải quyết sức lao động dư thừa lúc nông nhàn. Mỗi nghề gắn liền với mỗi cộng đồng cư dân ổn định trong quy mô làng xã. Nét đặc trưng này phản ánh sự phong phú, đa dạng của làng nghề trong hệ thống làng xã nông thôn Bình Định. Ví dụ, nói đến làng rèn Phương Danh, người ta không chỉ biết đến sản phẩm rèn mà còn nhận biết các thông tin về địa lý, nhân văn, lễ hội truyền thống, lịch sử một làng nghề bên cạnh khu vực kinh thành Hoàng Đế. Hay khi nói đến làng dệt thảm xơ dừa Tam Quan, người ta không chỉ biết rằng nơi đây một thời chuyên sản xuất típ xơ, nơi có rừng dừa Tam Quan bạt ngàn mà còn biết nơi sinh ra các nghệ nhân hát kết nổi tiếng, một xứ sở hò đối đáp...

* Giá trị tinh thần của làng nghề

Làng nghề truyền thống hiện tồn hầu hết là những làng có từ những ngày đầu trong diễn trình lịch sử làng xã người Việt ở Bình Định. Hầu hết các làng nghề lâu đời dựa trên hai yếu tố cơ bản là vùng nguyên liệu và điều kiện giao thông, mà đường thủy là chính. Làng chiếu Chương Hòa, làng dệt thảm xơ dừa Tam Quan gắn liền với đường biển; làng rèn Phương Danh, làng gốm Nhạn Sơn gắn liền với sông Kôn. Làng đúc đồng Bằng Châu, làng gốm Nhạn Sơn có lịch sử hình thành hơn 300 năm; làng chiếu Chương Hòa thì đã có gần 400 năm…

Làng nghề, không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa "nghề" với "nghiệp", mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét; phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội và nhiều quy định khác. Điều đầu tiên phải nói đến đó là các quy ước, luật lệ để gìn giữ bí quyết nghề, bảo tồn nghề của dòng họ, của cộng đồng làng xã. Có thể nói hầu hết các nghề thủ công đều có bí quyết. Việc giữ "bí quyết nghề" không chỉ đơn thuần là giữ nghề mà còn chi phối các quan hệ xã hội khác như quan hệ hôn nhân; hoặc việc truyền nghề chỉ đóng khung trong một số đối tượng cụ thể như truyền cho con trai, hoặc chỉ truyền cho con trưởng hoặc cháu đích tôn. Những quy lệ này được hình thành từ những ước lệ đến quy ước miệng rồi thành văn như hương ước, lệ làng. Điều này đã tạo ra một trật tự trong làng nghề và những nét văn hóa rất đặc thù. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt tinh thần của làng nghề, hầu như làng nào cũng có tục thờ tổ nghề gắn với lễ hội và các hoạt động văn hóa dân gian khác. Làng rèn Phương Danh có ông tổ được thờ là Đào Giả Tượng gắn liền với lễ hội truyền thống vào ngày 12 tháng 2 âm lịch; làng chiếu Chương Hòa có ông tổ được thờ là Bá hộ, vị Thành hoàng làng với lễ hội truyền thống được diễn ra vào dịp giỗ tổ mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Trong dịp giỗ tổ nghề rèn ở Phương Danh, cả làng như mở hội, khách hành hương về khá đông. Gắn với nghi thức hành lễ tổ tại đền thờ, các gia đình cũng tổ chức nghi lễ giỗ tổ tại gia đình với tinh thần trang nghiêm, trong sạch, cầu mong nhiều điều tốt lành cho năm đến…

Như vậy, ở làng nghề, ngoài yếu tố sản xuất còn mang rất đậm yếu tố văn hóa và phần nào còn có những yếu tố tâm linh phù hợp. Và làng nghề ngoài phạm vi đơn vị sản xuất và khái niệm khu biệt bởi địa lý, nhân văn còn có đặc trưng riêng biệt là tính cộng đồng cư trú, cộng đồng lợi ích và cộng cảm rất cao.

* Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống

Với những yếu tố nhân văn và giá trị văn hóa truyền thống quý giá chứa đựng như vậy, làng nghề rất cần được bảo tồn và phát huy. Trước hết, cùng với việc quy hoạch các làng nghề, các cụm công nghiệp ở huyện, cần thiết phải chú ý bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề. Bởi ở đó chứa đựng kho tàng các kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết truyền nghề, từ việc sử dụng nguyên vật liệu, kỹ thuật chế tác đến chủ đề sáng tạo cho từng sản phẩm của mỗi làng nghề. Việc tôn vinh các nghệ nhân, những người thợ thủ công tài hoa của các làng nghề cũng cần được đặt ra trong định hướng bảo tồn này. Nghệ nhân, ngoài tài ba khéo léo của đôi bàn tay, họ còn giữ trong mình những bí quyết, kỹ thuật cha truyền con nối và cả những tài hoa, có khi xuất thần, khó giải thích bằng lời. Thờ tổ nghề là một nét văn hóa truyền thống chứa đựng ý nghĩa lịch sử xã hội, đời sống và con người. Từ đặc trưng văn hóa này cho phép chúng ta mở rộng nghiên cứu về "nghề", về "nghiệp", về yếu tố "bản địa", "sự thiên di" hay khả năng lan tỏa của mỗi nghề hay mỗi làng nghề. Cùng với tục thờ tổ nghề là các lễ hội truyền thống, là những sinh hoạt cộng đồng.

. Nguyễn Văn Ngọc

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không gian Kinh Bắc trong bài thơ Bên kia sông Đuống (*)  (06/09/2005)
Triều đại hoàng kim  (05/09/2005)
Người giúp việc  (04/09/2005)
Ca sĩ Kim Hiếu: "Tôi luôn yêu thích những bài hát về Đảng, về Bác"  (02/09/2005)
"Lá cờ Tháng Tám" - Một giai điệu độc đáo  (02/09/2005)
"Má tôi ngày ấy"  (01/09/2005)
Sắc màu tuổi thơ  (01/09/2005)
6 bộ phim Việt Nam sẽ được trình chiếu rộng rãi  (01/09/2005)
Đọc "Đồng quê" của Mai Thìn  (31/08/2005)
Bức tứ bình trong Việt Bắc  (30/08/2005)
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp: Từ 17 chữ "ai" đến 17 chữ "xanh"   (29/08/2005)
Xuất bản tập ảnh "Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định"  (29/08/2005)
Mẹ là trái tim con  (28/08/2005)
Chúa tể của muông thú - món quà cho thiếu nhi  (30/08/2005)
Cần lắm tính chuyên nghiệp  (26/08/2005)