Những di vật mang ký ức
10:2', 8/9/ 2005 (GMT+7)

"Sưu tập hiện vật lịch sử văn hóa Bình Định" - tập sách vừa được Bảo tàng Tổng hợp Bình Định ấn hành, giới thiệu ngắn gọn và đầy đủ về một trong những thành tựu quan trọng của khảo cổ học, bảo tàng học Bình Định trong 30 năm qua. Những hiện vật có trong tập sách là những bằng chứng vật chất, chứng minh về một vùng đất từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước trong nhiều thế kỷ.

 

 

70 trang của tập sách này cho ta một cái nhìn tổng quát nhất về một thời đoạn khá dài của lịch sử Bình Định: từ trước công nguyên vài thế kỷ với trống đồng Đông Sơn, qua những hiện vật văn hóa Sa Huỳnh, và tiếp đến là điêu khắc Chăm thời kỳ Bình Định (thế kỷ XI đến thế kỷ XV), thông qua hình ảnh về những cổ vật có giá trị không chỉ về lịch sử, "giá trị của sự sống sót", mà cả về nghệ thuật.

Có thể thấy những chiếc trống tiêu biểu trong số 18 trống đồng phát hiện ở Bình Định được giới thiệu trong tập sách là những tư liệu rất quý, đã "mở rộng thêm cho chúng ta suy nghĩ về quá khứ xa xưa, về lịch sử sống động trên con đường phát triển trong sự phong phú và phức tạp". Rồi những hình ảnh về hiện vật của văn hóa Sa Huỳnh trên đất Bình Định, tìm thấy ở Truông Xe (Phù Mỹ), Động Cườm (Hoài Nhơn), cho thấy cư dân Việt cổ định cư trên đất Bình Định đã có một sự phát triển liên tục, "một sự phát triển biện chứng của các quy luật phát triển nội tại".

Đáng kể nữa là 115 hiện vật điêu khắc Chăm ở Bình Định giới thiệu trong sách. Hẳn nhiên, những hiện vật này chưa thể đầy đủ mà mới chỉ là một mảng nhỏ nhưng tiêu biểu của các hiện vật loại này. Cái thú vị nhất trong cuộc du ngoạn bằng hình ảnh này là đã đem lại cho ta một cách nhìn nhận đầy đủ, rõ ràng hơn về phong cách Bình Định trong điêu khắc Chăm. Chẳng hạn, cũng là hình tượng thần hộ pháp (Dvarapala) mà sao có vẻ gì đó như day dứt. Cũng là thần Sarassvati múa nhưng sao tràn đầy sức sống với bộ ngực căng tròn, bắp đùi thon thả, cả thân người như đang quay theo bước nhảy, tĩnh đấy mà động cũng đấy. Cũng là tượng động vật như voi, sư tử, bò, ganesa… nhưng sao có lúc hiền lành, đôn hậu, có khi tinh nghịch, lại có lúc làm vẻ dữ dằn... Tất cả, hội tụ thành một nét độc sáng riêng của một phong cách nghệ thuật mà trước đây, H.Parmentier cho rằng đây chỉ là một thời kỳ suy thoái của nghệ thuật Chăm vì sa vào hình thức, cầu kỳ, khô cứng và vay mượn. Có lẽ, không cần có lời cải chính nào xác đáng hơn bằng chính những hình ảnh có trong tập sách này. Và nói như GS Cao Xuân Phổ thì: "Phải là rất quen thuộc hoặc là rất nhuần nhuyễn với ý niệm về những động vật đó, rất nhạy cảm với tính chuyển động thường trực trong tâm hồn và với một thủ pháp điêu khắc điêu luyện mới tạo ra được những hình tượng sống động như vậy". Một đóng góp quan trọng khác của tập sách là đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về nghệ thuật Chăm ở Bình Định trong gần cả 5 thế kỷ (XI-XV) thay vì chỉ đi vào hai thế kỷ XII-XIII của phong cách tháp Mẫm như trước đây.

Một tập ảnh in đẹp, hiện vật quý giá, từng phần lại được giới thiệu bằng những bài viết ngắn gọn, giản dị nhưng không kém phần tài hoa, uyên bác của hai nhà khoa học hàng đầu ở lĩnh vực họ nghiên cứu: GS Diệp Đình Hoa (Trống Đông Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh), Cao Xuân Phổ (Điêu khắc Chăm), song ngữ Anh - Việt, đáng đọc. 

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bội thu giải A, nhưng…  (08/09/2005)
"Nàng Dae Jang Kum" hướng tới Hollywood  (07/09/2005)
Nâng cấp Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thành Festival  (06/09/2005)
Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề  (06/09/2005)
Không gian Kinh Bắc trong bài thơ Bên kia sông Đuống (*)  (06/09/2005)
Triều đại hoàng kim  (05/09/2005)
Người giúp việc  (04/09/2005)
Ca sĩ Kim Hiếu: "Tôi luôn yêu thích những bài hát về Đảng, về Bác"  (02/09/2005)
"Lá cờ Tháng Tám" - Một giai điệu độc đáo  (02/09/2005)
"Má tôi ngày ấy"  (01/09/2005)
Sắc màu tuổi thơ  (01/09/2005)
6 bộ phim Việt Nam sẽ được trình chiếu rộng rãi  (01/09/2005)
Đọc "Đồng quê" của Mai Thìn  (31/08/2005)
Bức tứ bình trong Việt Bắc  (30/08/2005)
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp: Từ 17 chữ "ai" đến 17 chữ "xanh"   (29/08/2005)