Đối với Lệ Siềng, hát tuồng không chỉ đơn thuần là niềm đam mê mà còn như một cái nghiệp "vận" vào đời. Là đào hát vang bóng một thời với những vai diễn rực rỡ trên sân khấu nhưng trên đường đời, Lệ Siềng lại lặng lẽ chịu đựng bao nỗi vất vả...
Thuở nhỏ, Lệ Siềng đã rất yêu thích tuồng nhưng lại bị gia đình cấm đoán vì cho là vô bổ. Lệ Siềng phải lén trốn gia đình đi học lỏm ở các lớp dạy hát tuồng. Có lần đang lúc nấu cơm, sẵn có đôi đũa bếp trên tay, Lệ Siềng lấy nó làm đôi kiếm trốn ra bụi chuối sau vườn múa. Mải mê múa kiếm để nồi cơm sình lên trên bếp, cô bị cha mẹ cho một trận đòn nhừ tử… Đam mê, lại rất sáng dạ, Lệ Siềng học hỏi nhanh và ngày càng khẳng định được năng khiếu hát tuồng.
Trong một lần đoàn hát của nghệ sĩ Hoàng Chinh về diễn ở gần nhà, Lệ Siềng đã tìm đến coi, thấy ông hát hay quá và cô tập hát theo. Bắt gặp được giọng hát lạ, đầy tiềm năng của cô gái trẻ, nghệ sĩ Hoàng Chinh đã tạo mọi điều kiện để Lệ Siềng có thể đi diễn chung với mình. Kể từ đó, làng tuồng Bình Định xuất hiện cặp đào - kép cực kỳ ăn ý và nổi tiếng với câu ca nằm lòng trong giới mộ điệu tuồng: "Có đi thì sợ tốn tiền/Không đi thì nhớ Lệ Siềng - Hoàng Chinh". Suốt hai thập niên 70 và 80 thế kỷ trước, Lệ Siềng đã tỏa sáng rực rỡ khi bà được sánh đôi cùng "đệ nhất danh ca" Hoàng Chinh trên sân khấu, họ đã để lại những vai diễn đẹp trong lòng khán giả, trong đó nổi tiếng nhất chính là vở "Mạnh Lệ Quân". Đặc biệt, "lọ lem" Lệ Siềng khi đã hóa trang lên sân khấu là lộng lẫy nhan sắc, cộng với giọng hát độc đáo làm say lòng bao khán giả mê tuồng. Lệ Siềng rất thành công với thể loại tuồng pho, truyện, tiểu thuyết khi vào vai các giai nhân tuyệt sắc như: Mạnh Lệ Quân, Điêu Thuyền, công chúa Bửu Châu… Nhiều người trong nghề nhận xét, giọng hát Lệ Siềng đầy ma lực…
Có ai đó đã nói, đằng sau ánh hào quang của người nghệ sĩ chính là những giọt mồ hôi và nước mắt, Lệ Siềng cũng thế. Để theo đuổi niềm đam mê của mình, bà đã âm thầm chịu đựng biết bao nỗi vất vả. Những lần đi diễn xa, hát sáng đêm như vậy nhưng trong khi mấy bạn diễn được lăn ra ngủ thì cô đào chính Lệ Siềng chỉ dám chợp mắt. Tờ mờ sáng đã phải dậy đạp xe bươn bả về nhà, làm việc quần quật ở ruộng vườn, lo cơm nước cho chồng con, đến xẩm tối lại lọc cọc đạp xe đến nơi chuẩn bị cho đêm diễn… Những năm tháng xế chiều của cuộc đời, bà lại lặn lội xuống Quy Nhơn để cộng tác với Nhà hát tuồng Đào Tấn thành lập câu lạc bộ Tuồng truyền thống. Đến năm 64 tuổi, bà vẫn ngược xuôi đi diễn để đáp lại tấm thịnh tình của khán giả.
50 năm gắn bó với tuồng, giờ đây khi đã gần tới tuổi thất thập, những gì còn lại ở nghệ sĩ Lệ Siềng tài sắc một thời chính là hình ảnh những vai diễn của bà đọng lại trong lòng khán giả. Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn), nghệ nhân Lệ Siềng vẫn đăm đắm hoài niệm về quá khứ; đau đáu trong tim một nỗi nhớ nghề: "Những lúc bỏ rơm, bỏ rạ ngoài sân, tôi vẫn múa lại những động tác tuồng. Có những đêm nhớ nghề quá, tôi trằn trọc không ngủ, bên tai cứ văng vẳng những câu hát tuồng ngày xưa…".
. Hoài Thu |