Đầu tháng 9-2005, trong khi tiến hành san bằng mặt phẳng phía đông của tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu - An Nhơn) để gia cố trùng tu, công nhân Công ty phát triển nhà Bình Định đã phát hiện một số hiện vật liên quan đến tháp này. Đó là những mảng trang trí vốn nguyên thủy là chi tiết được trang trí liên quan đến tổng thể kiến trúc chung của tháp Cánh Tiên trong lịch sử. Những trang trí này gồm nhiều mảnh, được tạo tác với các hình tượng khác nhau, có thể nhận ra một số như: Rắn Naga, Makara, Thần Indra, búp sen và một số mảng bị đập vỡ không nhận ra. Đáng tiếc các tượng, phù điêu phần lớn ở dạng vỡ.
Trong số những chi tiết trang trí vừa phát hiện, đáng chú ý là mảng phù điêu dài 1,5m, cao 0,60m. Mảng trang trí này còn tương đối nguyên, phù điêu chỉ còn phần thân từ cổ xuống đến thắt lưng, nét chạm tinh tế, sắc sảo. Phù điêu được tạo là hình người trong tư thế như đang múa, hai chân khuỳnh hơi chùng xuống, hai tay để trước ngực, bàn tay đang cầm chuỗi tràng hạt và một tay đang cầm con dao, cổ, tay, chân đeo chuỗi tràng hạt; thần đang đứng trên lưng một con chim, phần lưng đã bị mất, chỉ còn thấy đầu và đuôi, theo truyền thuyết Chăm thì đó là con ngỗng thiêng. Về góc độ tiếu tượng học thì đó là hình tượng của thần Brahma đang cưỡi ngỗng thiêng Hamsa, ngoài ra có thể nhận ra thần Indra (thần sấm sét) cai quản ba mươi cõi trời…
Đây là phát hiện quan trọng cho ta thấy sự hoành tráng trong tổng thể kiến trúc của khu tháp Cánh Tiên, đồng thời cũng là những chứng cứ vật chất để cho các nhà nghiên cứu lịch sử và các nhà trùng tu làm cứ liệu so sánh khi định niên đại và phục hồi khu đền tháp này.
. TS Đinh Bá Hòa |