Nghệ thuật đối xứng và sự biến điệu trong truyện ngắn Chí Phèo (*)
9:59', 13/9/ 2005 (GMT+7)

Trong tác phẩm văn học (TPVH), người ta thường có thể tìm ra được những đơn vị ký hiệu được lặp lại một cách có hệ thống theo một ý đồ nhất định của nhà văn. Trong thực tiễn tồn tại của nó, TPVH là một cấu trúc động ngôn từ mà ở đó hình thức như là một thủ pháp nghệ thuật.

Ở truyện ngắn Chí Phèo, người ta có thể gặp hình ảnh "cái lò gạch cũ" xuất hiện ở phần đầu và cuối tác phẩm như là một kết cấu vòng tròn (GS Hà Minh Đức). Nhưng theo chúng tôi, hình ảnh "một cái lò gạch cũ bỏ không xa nhà cửa, và vắng người lại qua…" xuất hiện ở đầu cuối tác phẩm như là một sự đăng đối, một kết cấu mang tính đối xứng. TPVH thường ẩn chứa một sự đối xứng nào đó. Bởi vì muốn có sự tác động đến tâm lý người đọc, tác phẩm phải có một vẻ đẹp nội tại mà vẻ đẹp này khó lòng tồn tại nếu không có sự đối xứng về mặt cấu trúc. Đối với tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã sử dụng cấu trúc này rất tự nhiên, không gò bó công thức, cấu trúc này vừa có tính chất đột phá giúp cho tác giả có thể lý giải một cách sâu sắc tính cách và tâm lý nhân vật nhưng đồng thời nó cũng bộc lộ sự hạn chế trong thế giới quan, nhận thức luận của thời đại, trào lưu và bản thân tác giả. Song xét riêng về mặt nghệ thuật, kiểu cấu trúc này giúp nhà văn phần nào thể hiện sự quẩn quanh, bế tắc, không có lối thoát của lớp người nông dân cùng khổ. Sự đăng đối, đối xứng còn thể hiện ở tính chất hô ứng của tác phẩm, hình ảnh cái lò gạch cũ như vừa mở ra và khép lại cuộc đời của một kẻ lưu manh hóa, "con quỷ dữ của làng Vũ Đại", khái quát hơn là cuộc đời cùng khổ của người nông dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Thông qua cấu trúc này, người đọc phần nào cảm nhận được không khí ngột ngạt, chán ngắt và tẻ lạnh của xã hội cũ nhưng đồng thời nó cũng thể hiện được sự ấm áp của tình người tràn đầy hy vọng lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống.

Trở lại với vấn đề lý thuyết đã đề cập trên đây, tính đối xứng đôi lúc cũng dễ dàng cảm nhận như màn gặp gỡ và tái ngộ Kim - Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Tố Như hay hình ảnh cái lò gạch cũ mà chúng tôi vừa trình bày trên. Song trong diễn trình của nó, khả năng đối xứng có thể bị phá vỡ để tạo nên một sự biến điệu mới đẩy mâu thuẫn tác phẩm đi sang một chiều hướng khác hoặc đến một điểm nút và chuyển sang cái mới. Ở Chí Phèo, người đọc như lạc vào không khí tối tăm u uẩn, nồng nặc mùi rượu của một kẻ quanh năm suốt tháng rạch mặt ăn vạ và tràn ngập trong những cơn say, cuộc đời hắn dường như sắp rẽ một ngả khác sau cái đêm gặp Thị Nở, khát vọng được làm người, những ước mơ nhỏ nhoi của một con người đã trở về trong hắn. Tình yêu chân chất và bát cháo hành đầy tình nghĩa của Thị Nở như một sợi dây thừng kịp thời kéo hắn trở lại với cuộc sống, như một cái hích đẩy hắn trở về làm người theo đúng nghĩa của nó, "Hắn thấy lòng thành trẻ con!…. Hắn thèm lương thiện, Thị Nở sẽ mở đường cho hắn…". Phải chăng cuộc hội ngộ ấy là một sự biến điệu sâu sắc tạo nên sự thành công của tác phẩm, tinh thần nhân đạo của tác giả, điểm đặc sắc của tác phẩm cũng toát lên từ đó.

Có thể nói, nghệ thuật đối xứng (một vấn đề rất tinh tế và tiềm ẩn) và sự biến điệu trong Chí Phèo của Nam Cao cùng với dòng hồi tưởng, dằn vặt, đắn đo giữa quá khứ và hiện tại, tội lỗi và lương thiện, sự sống và cái chết đã đưa Chí Phèo trở thành "một gương mặt mới, một gương mặt lạ" "lừng lững đi vào văn học với tất cả dáng vẻ riêng, diện mạo riêng, giọng điệu riêng của nó" (GS Phong Lê). Hơn thế nữa, bi kịch Chí Phèo càng trở nên sâu sắc, thấm thía hơn là nhờ vào thủ pháp nghệ thuật này.

. Nguyễn Hiểu My

(Khoa Ngữ văn, Đại học Quy Nhơn)

(*) Giảng dạy trong chương trình Văn học lớp 11.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một số trang trí điêu khắc được phát hiện ở tháp Cánh Tiên  (13/09/2005)
Beatles dẫn đầu bình chọn ca khúc Anh quốc hay nhất mọi thời đại  (12/09/2005)
Phim đang chiếu: Người mẫu chốn thiên đường  (11/09/2005)
Phát hiện bản Truyện Kiều lạ nhất từ trước tới nay  (11/09/2005)
Trăng muộn  (11/09/2005)
Thơ Hoàng Thanh Hương, Hà Giao  (09/09/2005)
Nghệ sĩ hát tuồng Lệ Siềng: Một thời vang bóng  (09/09/2005)
Hoàn Châu công chúa - Một tình yêu bền vững  (09/09/2005)
Dòng phim giải trí hồi sinh  (08/09/2005)
Những di vật mang ký ức  (08/09/2005)
Bội thu giải A, nhưng…  (08/09/2005)
"Nàng Dae Jang Kum" hướng tới Hollywood  (07/09/2005)
Nâng cấp Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thành Festival  (06/09/2005)
Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề  (06/09/2005)
Không gian Kinh Bắc trong bài thơ Bên kia sông Đuống (*)  (06/09/2005)