Bảo tồn nhà lá mái: Cần có sự chung sức
15:10', 13/9/ 2005 (GMT+7)

Hàng trăm ngôi nhà lá mái hiện còn sót lại trên đất Bình Định là một di sản quý báu của kiến trúc truyền thống. Giá trị và những nét đặc sắc của nhà lá mái, đã có không ít bài viết, công trình khảo tả, giới thiệu. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn vốn di sản này…

 

                      Kết cấu gỗ một ngôi nhà lá mái ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn.

 

* "Tiếng đồn Bình Định tốt nhà"

Nhà lá mái Bình Định vốn đã khá nổi danh, qua các tư liệu khảo tả, cả trong cách nói đầy tự hào của dân gian: "Tiếng đồn Bình Định tốt nhà/ Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu". Và cũng ở đây, người hôm nay học được rất nhiều trong cách ứng xử của người Bình Định với môi trường thiên nhiên.

Có thể thấy, tất cả các chi tiết trong nhà lá mái đều được nghiên cứu kỹ đặng phù hợp với môi sinh của một vùng đất nhiều gió, nắng miền Trung. Tổ chức không gian nhà khá hợp lý với phân khu chức năng rõ ràng như một kiến trúc hiện đại nhưng cũng khá linh hoạt. Nhà thường được phân thành 3 gian, 2 chái. Hai gian đầu dùng để thờ cúng tổ tiên, gian sau là nhà buồng. Ngoài nhà chính, nhà cầu nối nhà trên với nhà dưới kết cấu thoáng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống của cả gia đình. Nhà lá mái có bộ khung được kết cấu bằng gỗ tốt, thường có bốn hàng cột, 4 vì kèo, nối kết bằng xiên - trính, cối - chày và hoàn toàn bằng mộng. Liên kết cấu trúc bằng mộng này vững vàng, chịu được nắng gió khắc nghiệt miền Trung. Hệ thống kết cấu như vậy là khá đơn giản hợp với phong cách người Bình Định, trong khi nhà Việt phía Bắc, nhà rường Huế có kết cấu phức tạp hơn. Thú vị nhất vẫn là mái. Ngoài lớp mái tranh phía trên, trên đòn tay thêm một lớp đất trộn rơm trát lên trên lớp khại (vỉ tre) làm bằng tre già ngâm bùn. Hai lớp mái này giúp cho nhà lá mái vừa cách âm, vừa cách nhiệt, chống cháy, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Vách nhà làm bằng tre (mầm trĩ) kết thành ô vuông rồi trát đất sét trộn rơm rạ. Trang trí trong nhà, trên những cột, kèo là những nét chạm trổ trên gỗ khá đẹp và lạ mắt. Nó góp phần làm sống động một không gian sống cổ truyền vốn khá thấp và hơi tối.

Không chỉ thể hiện nét độc đáo trong văn hóa cư trú, sinh hoạt của người Bình Định xưa, nhà lá mái còn là một dẫn chứng sống động về tài năng của những người thợ mộc Bình Định. Lên An Khê (Gia Lai), chúng tôi gặp những ngôi nhà lá mái đã hàng trăm năm, có từ thời Tây Sơn, và cũng đều do những thợ mộc người Bình Định từ xuôi lên nguồn dựng thành.  

* Cần có sự chung sức

Đợt điều tra lần 1 về nhà ở truyền thống Bình Định do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) tiến hành năm 2004 đã thống kê, lập biểu mẫu được 350 nhà. Trong đó, có 35 nhà được chọn ra và lập hồ sơ chi tiết vào đợt 2. Con số đó cho thấy, số lượng nhà lá mái hiện tồn ở Bình Định không nhỏ.

 

                          Hài hòa với thiên nhiên là một nét đặc trưng của nhà lá mái.

 

Trước đây, không ít ngôi nhà lá mái đã bị dỡ bỏ đi hoặc bán đi và thay bằng những ngôi nhà gạch. Ngoài ra, các ngôi nhà hiện tồn, tuy giữ được kết cấu nhà chính, nhưng tổng thể không gian quanh nhà: vườn cây, bình phong, miếu thờ thổ địa... thì rất ít hộ còn giữ được. Hiện nay, một số chủ nhân các ngôi nhà đã có nhận thức tốt hơn về giá trị nhà lá mái. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít ngôi nhà khác hiện đang trong tình trạng hư hỏng, nếu không có định hướng bảo tồn thì rất dễ bị thay thế bằng những ngôi nhà xây, nhà mái bằng hiện đại.

Ngoài ra, do nhà lá mái nằm khá rải rác ở nhiều huyện trong tỉnh, nên nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trước mắt là chủ nhân các ngôi nhà, sau nữa là chính quyền địa phương, để họ cùng tham gia công tác bảo tồn thì sẽ rất khó gìn giữ di sản truyền thống này. Việc hỗ trợ một phần kinh phí, nhằm động viên các chủ nhà gìn giữ, tu bổ nhà lá mái và tiến tới phục vụ cho hoạt động du lịch cũng là điều phải tính đến.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ thuật đối xứng và sự biến điệu trong truyện ngắn Chí Phèo (*)  (13/09/2005)
Một số trang trí điêu khắc được phát hiện ở tháp Cánh Tiên  (13/09/2005)
Beatles dẫn đầu bình chọn ca khúc Anh quốc hay nhất mọi thời đại  (12/09/2005)
Phim đang chiếu: Người mẫu chốn thiên đường  (11/09/2005)
Phát hiện bản Truyện Kiều lạ nhất từ trước tới nay  (11/09/2005)
Trăng muộn  (11/09/2005)
Thơ Hoàng Thanh Hương, Hà Giao  (09/09/2005)
Nghệ sĩ hát tuồng Lệ Siềng: Một thời vang bóng  (09/09/2005)
Hoàn Châu công chúa - Một tình yêu bền vững  (09/09/2005)
Dòng phim giải trí hồi sinh  (08/09/2005)
Những di vật mang ký ức  (08/09/2005)
Bội thu giải A, nhưng…  (08/09/2005)
"Nàng Dae Jang Kum" hướng tới Hollywood  (07/09/2005)
Nâng cấp Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa thành Festival  (06/09/2005)
Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề  (06/09/2005)