Có dịp ra Hà Nội công tác, tranh thủ ngày nghỉ, tôi ngược lên mạn Thái Nguyên thăm bạn bè. Tại thành phố gang thép này, tôi đã có dịp gặp anh Trung Thao, tác giả bài thơ Bên dòng sông Lại. Trong câu chuyện với tôi, anh không quên nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ một thời chiến đấu trên chiến trường Bình Định.
|
Một khúc sông Lại (ảnh: Công Tâm)
|
Thời chiến tranh đã lùi xa nhưng ấn tượng về đất và người Bình Định trong anh vẫn còn rất đậm nét. Anh nói nhiều về những rừng dừa Tam Quan, về những bà mẹ Hoài Nhơn nhân hậu, những cô gái Phù Cát hiền hòa… Tác giả Trung Thao đã không quên đọc lại bài thơ Bên dòng sông Lại của mình.
Bên dòng sông Lại được tác giả Trung Thao sáng tác vào những ngày đầu miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Ra đời trong hoàn cảnh đó nên bài thơ là một niềm vui vô tận của tác giả với đất trời, quê hương Bình Định. Mạch cảm xúc được khơi nguồn từ sự trở về, gặp lại dòng Lại Giang thân yêu. Con sông Lại hiện lên trong thơ thật đẹp: xõa tóc tuyệt trần, đôi bờ gió lộng. Sông cứ ngân nga khúc hát ngày chiến thắng khiến cho lòng người cũng náo nức không yên. Tứ thơ mở rộng dần ra với việc nói về vẻ đẹp của con người, quê hương.
Có mặt trong bài thơ này là hình ảnh những "cô du kích má đào" đã nhiều lần làm cho "xe giặc đổ nhào đáy sông", là những tên làng, tên xã mà theo tác giả "mỗi tên đất, tấm lòng thành kiên gan"…
Do đặc thù thể loại nên thơ không đi vào miêu tả chi tiết, cụ thể những sự kiện, những chiến công. Nhưng chỉ bằng việc liệt kê không thôi, tác giả cũng đã nói được cảm xúc tự hào của mình về những "Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Thanh" anh hùng.
Có thể nói, Bên dòng sông Lại là tấm lòng của một người lính, một người làm thơ đối với Bình Định. Bài thơ lần đầu tiên được in trong Dải đất thân yêu (1979) của Hội VHNT và Ty VHTT tỉnh Nghĩa Bình. Rất tiếc, tác phẩm này đã không có mặt trong tuyển Thơ Bình Định thế kỷ XX.
Tác giả Trung Thao tên thật là Nguyễn Văn Long. Thời chống Mỹ, như bao nhiêu thanh niên học sinh miền Bắc khác, anh giã từ nhà trường xung phong vào Nam chiến đấu. Anh có mặt trên nhiều mặt trận, trong đó có chiến trường Bình Định. Sau giải phóng, anh trở về miền Bắc, tiếp tục hoàn thành chương trình đại học Ngữ Văn, trở thành giảng viên văn học tại Đại học Thái Nguyên. Anh là tác giả của nhiều tập thơ: Hoa đầu mùa, Hoa chuối rừng, Thơ viết ở chiến trường…
Là tác giả của nhiều bài thơ nhưng anh vẫn tâm đắc với Bên dòng sông Lại. Hình như những người lính qua chiến tranh, trong thẳm sâu tâm hồn họ vẫn hiện hữu những vùng quê mà mình từng hi sinh máu xương, chiến đấu giành giữ từng tấc đất của Tổ Quốc.
Dẫu xa lòng vẫn hẹn lòng
Như quê ta với dòng sông trọn tình.
Con sông Lại đã chảy vào trang thơ Trung Thao và trong Trung Thao, một dòng sông tình cảm vẫn âm thầm theo năm tháng chảy về xứ dừa Bình Định. Cảm ơn một tấm lòng với quê hương!
. Lê Nhật Ký
Bên dòng sông Lại
Lại về đây với dòng sông
Với con cò chở nắng hồng sang ngang
Đôi bờ gió lộng mênh mang
Đường ta rộng mở rộn ràng xe nhanh
Chim ca xao xuyến lòng anh
Trời xanh, xanh một màu xanh dịu hiền.
Ai kia? Ai mải mê tìm
Áo màu lam, dáng thân quen tự nào
Phải cô du kích má đào
Từng làm xe giắc đổ nhào đáy sông
Giờ đang mê mải việc đồng,
Lúa reo, lúa lại trổ bông thêm nhiều.
Nhớ khi gian khó trăm chiều
Đạn bom, rào thép, mái nghèo xác xơ
Nhưng không khuất phục bao giờ
Hoài Nhơn ơi, sáng ngọn cờ đấu tranh
Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Thanh
Mỗi tên đất, tấm lòng thành kiên gan.
Bao lần thân gãy, trái tan
Dừa ơi vẫn mượt muôn tàn tóc xanh
Bao lần xác giặc quẩn quanh
Dòng sông ơi, vẫn trong lành mặt gương
Bao năm dày dạn can trường
Quê hương anh dũng quật cường là đây.
Ta về vui lắm, sáng nay
Dòng sông Lại hát như ngày đi xa
Đất trời non nước về ta
Cánh buồm nâng ước mơ xa lại gần
Lại Giang xõa tóc tuyệt trần
Lá cờ rực rỡ muôn lần nắng thêu.
Đời vui đẹp biết bao nhiêu
Tiếng đàn em, tiếng chim kêu rộn trường
Mình vào Phù Cát, Quy Nhơn
Hay ra ngoài với Hoài Sơn, Đại Đồng
Dẫu xa lòng vẫn hẹn lòng
Như quê ta với dòng sông trọn tình.
. Trung Thao
| |