Thắp cho những nụ cười tuổi nhỏ
13:50', 16/9/ 2005 (GMT+7)

Trung thu đang về. Trên những con đường, thành thị hay nông thôn, đã bập bùng tiếng trống bỏi - thanh âm đặc trưng của Trung thu. Và còn rộn ràng hơn thế, những hàng đồ chơi, những chiếc đèn lồng, đầu lân, trống bày la liệt khắp phố phường.

 

                                                           Vẽ màu lên đầu lân.

 

Ký ức tuổi thơ tôi và bạn, hẳn hãy còn chưa phai, những món đồ chơi giản dị, mộc mạc mà không kém sức hấp dẫn trong những ngày trung thu như thế này. Có gì đâu nhỉ, chiếc đèn ông sao làm bằng giấy bóng kính, hay đèn làm từ phim nhựa nhuộm màu, thắp nến. Cũng thô mộc như thế, những con quay làm bằng gỗ, những chiếc súng bắn bằng đạn là quả cò ke, những con tò he làm bằng bột gạo xanh đỏ tím vàng… vậy mà cùng ta đi dọc suốt tuổi đồng dao.

Những món đồ ấy nay đã đi vào quầng sáng của ký ức. Trôi theo nhịp chảy thị trường, dọc trên những hàng phố, những chiếc đèn nhựa của Trung Quốc vừa nhấp nháy sáng vừa gióng lên những tiếng nhạc. Chiếc trống ếch nay được thay bằng trống, đàn điện tử. Những đồ chơi dân gian như trống cơm, ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao... ngày càng ít được trẻ em lựa chọn. Đèn giấy bóng, đèn làm từ phim nhựa đã không còn. May mà vẫn còn những chiếc đầu lân giấy bồi như một món đồ trung thu của ngày tháng cũ còn lại, nhưng nay cũng đã được lắp thêm hai con mắt bằng đèn sáng bằng pin nhấp nháy cho tăng phần hấp dẫn.

Rảo khắp Quy Nhơn, may mắn, chúng tôi còn tìm được một cơ sở sản xuất đầu lân, nằm trong một căn hẻm nhỏ, khuất, cuối đường Lê Hồng Phong. Phan Văn Hùng, năm nay 27 tuổi, làm đầu lân từ hồi 10 tuổi, nói: "Cơ sở tụi tôi đã làm đầu lân từ hồi trước giải phóng cơ. Mươi năm trước, tụi tui cũng làm lồng đèn kính. Những năm 1990 bán chạy lắm, nhưng vài năm trở lại đây thì cạnh tranh hổng lại với lồng đèn Trung Quốc nên bỏ, chỉ còn làm đầu lân thôi". Mỗi năm, cữ tháng 5, những người thợ ở đây lại bắt đầu làm đầu lân. Bốn thợ, chia thành 5 công đoạn: bồi, làm vành, sơn lót, vẽ, trang trí, cả ngày lẫn đêm, vậy mà không kịp cho người đến đặt hàng. Anh Nguyễn Văn Bình, một thợ đang bồi đầu lân, cho biết: "Mỗi người thợ một ngày được bốn, năm chục cái. Giá cả thì tùy vào kích cỡ. Lớn thì 450.000 đồng, nhỏ hơn là 120.000 đồng, 60.000 đồng và nhỏ nhất là 12.000 đồng/đầu". Nhưng cơ sở cũng chỉ làm đầu lân vào dịp Trung thu, còn ngày thường thì vẫn là làm hàng mã.

Đồ chơi trung thu là vậy, còn đồ chơi thường nhật, mươi năm nay, đã có thêm nhiều đồ chơi khác bổ sung vào sưu tập đồ chơi trẻ em. Chẳng hạn như ghép hình, chỉ bằng những mảnh ghép nhỏ, tạo dựng nên thành lâu đài, nhà cửa... Loại đồ chơi này mang tính định hướng cao, giúp các em phát triển khả năng tưởng tượng, suy nghĩ và chuyển tải cách hình dung đó vào trò chơi. Hay như ôtô, máy bay, tàu hỏa... cho em trai; búp bê, đồ hàng... cho trẻ em gái. Những món đồ chơi này phần nhiều có xuất xứ từ Trung Quốc, còn Việt Nam sản xuất lại rất ít. Rải khắp các thôn làng Bình Định, cũng chỉ còn lại một vài người làm tò he, làm bằng bột nếp, sắc màu rực rỡ, hình Tề Thiên, tiên nữ, bán với giá rẻ, chỉ 1.000 đồng/cái cho trẻ em các vùng quê trong những ngày lễ hội.    

 

Trên các làng quê Bình Định, thi thoảng ta còn gặp những người làm tò he (ảnh chụp tại thị tứ An Thái, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn).

 

Hình dáng đa dạng và màu sắc phong phú của những đồ chơi nước ngoài chính là nguyên nhân khiến trẻ thích thú tìm đến. Ngoại trừ số ít mang tính giáo dục, những món đồ chơi còn lại thường không đạt được điều ấy. Một số loại còn kích động tính hiếu chiến, bạo lực thông qua mô hình trò chơi súng, gươm, siêu nhân cầm vũ khí... Song song với đó là rất nhiều hình ảnh trong sách, truyện, thế giới trò chơi ảo (game computer) trên máy vi tính, với những cảnh bắn giết tàn bạo.

Ừ! Thì lẽ biến thiên của cuộc đời tất yếu là vậy, như ngày xưa ta vẫn dùng xà phòng cục thô, cứng, còn nay thì xà phòng thơm đủ loại - hẳn có người sẽ nói vậy. Vâng! Những biến thiên ấy là có thể chấp nhận, nhưng với đồ chơi, ngoài việc chỉ là đồ chơi không thôi, còn có thêm một yếu tố ẩn tàng trong những món đồ rất đỗi dân dã, thô mộc đó, ấy chính là hồn quê, hồn dân tộc.

Chẳng hạn, chỉ nói riêng chiếc mặt nạ không thôi, ngày xưa, chiếc mặt nạ hiền từ, nó không dữ tợn như đe dọa mà bật lên cái ngộ nghĩnh, rất sắc màu trẻ thơ. Còn nay, những chiếc mặt nạ với những hình ảnh đầu lâu, tóc tai bù xù, vừa ma quái, vừa toát lên sự ghê tởm...  

Nhưng để đồ chơi Việt Nam đứng được và thu hút được các em thì tất yếu phải có sự cải tiến lớn về chất lượng và mẫu mã. Những chiếc lồng đèn giấy trung thu năm nay của Việt Nam đang trở lại và được các em ưa thích là một minh chứng sống động cho điều này. Những chiếc lồng đèn giấy mẫu mã đã đẹp hơn, ngộ nghĩnh, giá cả lại phải chăng nên đứng được trên thị trường. Bên cạnh đó, để những món đồ chơi Việt Nam trở lại, sự định hướng nhu cầu thẩm mỹ cho các em cũng là cần thiết.

. Khải Nhân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Ban mai xanh" - Một hiện thực sống gần gũi  (16/09/2005)
Nhạc sĩ Hữu Thuần: Gởi lại "giọt nắng" cho đời  (16/09/2005)
Một tấm lòng thơ với Bình Định  (15/09/2005)
Con đường âm nhạc và "cơn bệnh" của ca sĩ  (15/09/2005)
Cuộc đua chưa về đích  (14/09/2005)
Bảo tồn nhà lá mái: Cần có sự chung sức  (13/09/2005)
Nghệ thuật đối xứng và sự biến điệu trong truyện ngắn Chí Phèo (*)  (13/09/2005)
Một số trang trí điêu khắc được phát hiện ở tháp Cánh Tiên  (13/09/2005)
Beatles dẫn đầu bình chọn ca khúc Anh quốc hay nhất mọi thời đại  (12/09/2005)
Phim đang chiếu: Người mẫu chốn thiên đường  (11/09/2005)
Phát hiện bản Truyện Kiều lạ nhất từ trước tới nay  (11/09/2005)
Trăng muộn  (11/09/2005)
Thơ Hoàng Thanh Hương, Hà Giao  (09/09/2005)
Nghệ sĩ hát tuồng Lệ Siềng: Một thời vang bóng  (09/09/2005)
Hoàn Châu công chúa - Một tình yêu bền vững  (09/09/2005)