Như một lẽ tình cảm tự nhiên, mỗi dịp Trung thu, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ cùng những vần thơ viết cho thiếu nhi. "Trung thu trăng sáng như gương - Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".
|
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi.
|
Thơ Trung thu của Bác Hồ là tấm lòng của một vị lãnh tụ hết lòng thương yêu các cháu. Giữa những ngày kháng chiến chống Pháp ác liệt, liên tục nhiều năm, Bác đều đặn làm thơ gửi cho thiếu niên nhi đồng. Ngoài việc "tỏ lòng nhớ thương", Bác còn gửi gắm một niềm mong ước về tương lai tốt đẹp cho thiếu nhi nước nhà. "Các cháu vui thay - Bác cũng vui thay - Thu sau so với thu này vui hơn!".
Không chỉ có thơ Trung thu cho các cháu, Bác còn có cả thơ Trung thu cho mình. Chúng tôi muốn nói tới bài thơ Trung thu trong tập Nhật ký trong tù của Bác.
Mùa thu năm 1942, Bác Hồ sang Trung Quốc nhằm tranh thủ sự viện trợ của quốc tế. Trên đường đi, khi đến địa phận Túc Vinh, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong thời gian 13 tháng bị giam cầm, Bác đã viết tập thơ Nhật ký trong tù nhằm ghi lại những sự việc, tình cảm của mình. Bài thơ Trung thu chính là những dòng nhật ký ngắn gọn ghi lại một khoảnh khắc tâm tư của người tù cộng sản Hồ Chí Minh vào một thời khắc đặc biệt.
Đối với người Á Đông, Trung thu là một lễ tết mang niềm vui hòa hợp: con người với thiên nhiên, con người với con người, người lớn với trẻ em và trẻ em với trẻ em. Thì đó, qua cái nhìn của Bác, trăng thu hiện ra tròn vành vạnh, đang phủ ánh bạc xuống khắp nhân gian. Khắp nơi, nhà nhà Trung Hoa đang quây quần vui tết. Hình ảnh gia đình sum họp đó đã khiến cho người làm thơ không khỏi cám cảnh cho cảnh ngộ của mình.
Sum họp nhà ai ăn tết đó
Biết chăng trong ngục kẻ ăn sầu.
Nghệ thuật đối lập "ngật thu tiết" (ăn tết Trung thu) với "ngật sầu nhân" (ăn sầu) có tác dụng làm nổi bật tình cảnh đáng buồn của Bác. Đó là sự cô đơn, là nỗi bực mình vì bị "giam hãm nơi tù ngục - chẳng được xông ra giữa trận tiền". Lời thơ của Bác thật cảm động, ngân vang một nỗi buồn tù ngục.
Trung Thu
I.
Gương trăng vành vạnh giữa mùa thu
Sáng khắp nhân gian bạc một màu
Sum họp nhà ai ăn tết đó
Chẳng quên trong ngục kẻ ăn sầu.
II.
Trung thu ta cũng tết trong tù
Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.
(Bản dịch, nguyên văn bằng chữ Hán) |
Nhưng điều đáng nói, bài thơ có cái buồn của tâm sự nhưng không gợi lên nét ủy mị, bi quan. Không được tự do, người tù Hồ Chí Minh đã chủ động tạo ra một cách đón tết Trung thu riêng. Người gởi lòng theo vầng trăng thu vời vợi: "Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu".
Câu thơ có cái đẹp của tình yêu trăng, yêu thiên nhiên tha thiết. Câu thơ còn có cái đẹp của bản lĩnh, của tinh thần biết vượt lên thử thách. Nhiều người đã nói đến những cuộc "vượt ngục tinh thần" trong thơ Bác. Có thể xem, câu thơ trên là một bằng chứng sinh động cho điều đó. Quả vậy, không một ngục tù nào có thể giam hãm được những tâm hồn lớn như Hồ Chí Minh!
Bài thơ Trung thu là một trang nhật ký của Bác. Thể loại nhật ký cho phép nhà thơ bộc lộ một cách chân thật nhất những tâm tư tình cảm của mình trước hiện thực cuộc sống. Rõ ràng, bài thơ không có sự lên gân, sự tô vẽ chân dung mình. Cái đẹp của bài thơ là tâm hồn, là bản lĩnh của Hồ Chí Minh khi đối diện với thiên nhiên, với cuộc sống của người dân Trung Hoa và với song sắt nhà tù lạnh lẽo.
Đọc bài thơ, chúng ta càng thêm kính trọng Người đồng thời cũng sẻ chia những tâm tư của Người vào một tết Trung thu trên đất khách, trong thân phận một người tù không rõ nguyên nhân bắt bớ…
. Lê Nhật Ký |