Có một môtíp xuyên suốt tập thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh - môtíp "bị giải đi".
Trong bài Tết song thập bị giải đi Thiên Bảo (bài số 29) nổi lên hình ảnh ngọn gió ngược cản đôi cánh chim bằng: "Ngã khước kim thiên bị bang giải/ Nghịch phong hữu ý trở phi bằng" (Thế mà hôm nay ta bị trói giải đi/ Ngọn gió ngược cố ý cản đôi cánh chim bằng). Trong văn chương xưa, chim bằng được dùng để chỉ kẻ trượng phu - những con người có chí lớn. Vì thế, "nghịch phong" ở đây tượng trưng cho những nghịch lí, nghịch cảnh mà Hồ Chí Minh phải vượt qua trên con đường đi đến mục đích của mình. Bài Đường đời hiểm trở (bài số 6) tuy không nằm trong môtíp "bị giải đi" nhưng khi suy ngẫm về việc bị bắt giam, Người dùng hình ảnh "phong ba bình địa" (đất bằng nổi sóng) để chỉ những khó khăn trên con đường cách mạng của mình. Ở bài thơ Giải đi sớm (bài số 41, 42), ta bắt gặp "thu phong trận trận hàn" (từng trận, từng trận gió thu lạnh) cản bước đi của "chinh nhân". Đặt trong môtíp "bị giải đi", "thu phong" ở đây cũng chính là "nghịch phong", là "phong ba" tức là những thế lực cản trở con đường cách mạng của Người. Và hình tượng Hồ Chí Minh trong những bài thơ này không chỉ hiện lên trong thân phận tù nhân mà còn là "đại biểu dân Việt Nam", "cánh chim bằng", "chinh nhân" tức là hình tượng một người chiến sĩ cách mạng.
Giải đi sớm
I
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt đêm thu trận gió hàn.
II
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn quét sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.
. Hồ Chí Minh |
Khi bị giải đến Cục Chính trị chiến khu IV, trong tư cách một chiến sĩ yêu nước, Người đã chất vấn những kẻ bắt giam Người: "Thí vấn dư sở phạm hà tội/ Tội tại vị dân tộc tận trung" (Thử hỏi ta phạm tội gì?/ Tội tận trung với dân tộc) (bài số 109). Vì thế, "chinh nhân" trong bài Giải đi sớm không chỉ là hình ảnh người tù bị giải đi phải đối mặt với đêm tối, đường xa, gió thu lạnh lẽo táp mặt mà còn là hình ảnh một người chiến sĩ đi sớm trên con đường cách mạng phải đối mặt với muôn vàn trắc trở. Để vượt qua những thử thách đó từ tù nhân, Người đã hóa thân thành chinh nhân. Nhưng nét độc đáo của Giải đi sớm khi xét trong môtíp "bị giải đi" còn ở sự hóa thân của người tù từ "chinh nhân" trở thành "hành nhân". Có nhà nghiên cứu đã viết: "Và từ hai chữ "chinh nhân" ở khổ một, Bác hạ hai chữ "hành nhân" cho phù hợp với không khí thoải mái ở khổ hai. Mỗi chữ Bác dùng thật đúng với vị trị của nó, không thể nào thay thế được". (Nguyễn Đăng Mạnh - Mấy vấn đề về phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chủ tịch - NXBGD, 1981,tr 203-204). Khổ hai là cảnh bình minh lên, bóng đêm còn rơi rớt sớm hết sạch, hơi ấm bao trùm vũ trụ. Trong mối liên hệ với khổ một, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng cảnh bình minh của một ngày gợi nghĩ đến cảnh bình minh của một thời đại. Đây là một ý kiến rất đáng tham khảo nếu hiểu bài thơ ở phía bút pháp tượng trưng. Vì thế, từ "chinh nhân", người tù đã hóa thân thành "hành nhân". "Hành nhân" ấy lại mang tâm hồn của một thi nhân với cảm hứng thơ ca nồng nàn.
Đọc Giải đi sớm ta bắt gặp ba con người: tù nhân, chinh nhân, hành nhân. Người tù là thân xác bài thơ. Người chiến sĩ vượt khó, nhà thi sĩ với thi hứng nồng nàn mới là linh hồn đích thực của bài thơ này. Bên cạnh ý nghĩa tả thực có thể nói đến ý nghĩa tượng trưng của bài thơ. Con đường người tù bị giải đi gợi nghĩ đến con đường cách mạng gian khổ dài lâu nhưng tất thắng. Hồ Chí Minh chính là người chiến sĩ cộng sản đi sớm trên con đường ấy.
. Đỗ Em
(Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn)
|