Trên báo Văn nghệ số 27 (2005) có lời bình của nhà giáo Trương Tham về bài thơ Thương anh Xuân Diệu của thi sĩ Nguyễn Bùi Vợi. Thi sĩ họ Nguyễn phải hiểu và yêu Xuân Diệu lắm mới viết nổi những vần thơ "thương mến đến tận cùng chân thật" như vậy, còn nhà giáo họ Trương cũng phải đồng cảm lắm với thi sĩ họ Nguyễn mới có những lời bình thật gan ruột, tri âm.
Với tư chất của một nhà thơ và phẩm chất của một nhà sư phạm, với hơn 40 năm dạy văn và làm thơ, nhà giáo Trương Tham đã có những giờ giảng văn hấp dẫn các thế hệ học sinh. Những áng văn chương quen thuộc qua sự thẩm bình của ông bỗng ánh lên nhiều vẻ đẹp mới lạ.
Đó là sự hóa thân kỳ diệu của Hồ Chí Minh từ tù nhân trở thành chinh nhân và thi nhân trong bài thơ Giải đi sớm; đó là niềm khát khao trần thế trong Tống biệt của Tản Đà; là ngọn nắng trong bài ca dao quen thuộc "Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…"; là sự đối lập giữa không gian bên ngoài và không gian bên trong trong Tình ca ban mai của Chế Lan Viên; là hai lớp sóng ngược chiều nhau trong Đêm đại dương của Victo Huygô; là tâm hồn bát ngát của nhân vật trữ tình trong Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu. Mỗi bài bình thơ là một sự phát hiện. Mỗi sự phát hiện được diễn tả bằng những lời bình thật đẹp, thật sang. Như bình câu thơ "Cái hạc bay lên vút tận trời" của Tản Đà, ông viết: "Những gì thuộc về cõi tiên mà những ngày chung sống đã ăn sâu vào tâm hồn và bỗng thoát ra hóa thành chim hạc bay vút lên trời, hoàn trả lại một người trần thứ thiệt". Như lời bình về hai lớp sóng trong Đêm đại dương của Victo Huygô: "Bài thơ chùng chình xao động giữa hai lớp sóng ngược chiều như một đại dương bão táp. Bài thơ nói về biển đêm mịt mù vùi chôn quên lãng nhưng lại nói về biển sáng nơi tấm lòng và sứ mệnh của nhà thơ."
Một giáo sư hơn nửa thế kỷ dạy Văn ở bậc đại học đã nghiệm ra rằng hạnh phúc lớn nhất là được nói cho thế hệ trẻ nghe nhưng đau khổ cũng từ đấy mà ra. Bởi nói thì phải có nội dung, ý phải mới, phải hay; lời phải đẹp. Đau khổ khi không có gì để nói mà buộc phải nói, mỗi giờ lên lớp trở thành một sự "tra tấn" đối với học sinh.
Hơn 40 năm qua, nhà giáo Trương Tham đã phấn đấu không mệt mỏi để mỗi giờ giảng văn là một bữa tiệc tinh thần mà thực đơn là các lời bình sang trọng về các áng văn hay Đông, Tây, kim, cổ. Đọc ông, chúng ta thấy những hiểu biết về ngôn ngữ học, phong cách học, thi pháp học đã thăng hoa trong những con chữ phập phồng tình yêu, sự đam mê nồng cháy đối với văn chương. Có phải chính tình yêu, sự đam mê ấy đã hóa thân thành cảm xúc trẻ trung và suy nghĩ sâu sắc khiến mỗi lời bình của ông đều để lại một nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng các thế hệ học sinh?
. Đỗ Duy
(*) Cảm nhận và bình thơ của Trương Tham - NXB Văn hóa thông tin - 2005 |