Từ 1962 đến 1974 là chặng đường cùng tiếng hát băng qua lửa đạn chiến tranh của những nghệ sĩ Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Họ đã góp sức mình vào cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc. Tái hiện lên sân khấu cả một chặng đường như vậy đã khó, để hấp dẫn người xem lại càng khó hơn, nhất là khi hầu hết những sự kiện, nhân vật trong vở diễn đều có thật…
"Huyền thoại về tiếng hát" (kịch bản Lâm Tới - Sĩ Chức, đạo diễn NSƯT Hoài Huệ), vừa được Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định dàn dựng, đã mạnh dạn tái hiện về chặng đường ấy. Khi ấy, những hoạt động của Đoàn đều gắn liền với những nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Những người chiến sĩ này đã đem tiếng hát bài chòi khơi dậy ngọn lửa cách mạng, khơi dậy tình yêu quê hương trong mỗi người dân, làm công tác địch vận.
Có rất nhiều điểm đặc biệt ta có thể gặp khi xem vở diễn này. Điểm đặc biệt đầu tiên, như đã nói, đây là vở diễn viết về mình, diễn về mình, tái hiện cả một chặng đường đầy vinh quang của Đoàn. Và theo như tác giả kịch bản, hầu hết các sự kiện trong vở diễn đều đã xảy ra trong thực tế. Thậm chí, cả chuyện Nguyệt thấy Hà, vốn đã hy sinh, trở về trong giấc mơ cũng có thật. Các nhân vật, trừ đôi ba người được đổi tên, còn lại đều lấy theo tên thật ngoài đời: Hà, Ẩn, Mai... và hầu hết vẫn còn sống.
Điểm đặc biệt thứ hai là từ tác giả kịch bản, đến đạo diễn, âm nhạc, diễn viên... đều là người trong nhà. Cũng cần nói thêm, đây là lần đầu tiên, tác giả Trần Văn Tới thử bút trên lĩnh vực sáng tác kịch bản.
Điểm đặc biệt thứ ba là trong các diễn viên tham gia vở diễn, ta thấy có đủ mặt 5 lớp Trung cấp dân ca bài chòi, từ khóa I: Tấn Hào, Hồ Thu, Vương Đạo... đến Thiên Chi (khóa II), Băng Châu (khóa III), Đỗ Xuân, Nương Nương (khóa IV), Thùy Dung, Ngọc Rõ... (Khóa V).
Có lẽ, chính vì những điều đặc biệt như vậy nên vở diễn có một vị trí khá đặc biệt. Vượt ra ngoài ý nghĩa của một vở diễn nằm trong kế hoạch thường niên, có thể xem vở diễn như một cách nhìn lại một chặng đường lịch sử hào hùng nhất của Đoàn và tái hiện chặng đường ấy bằng một vở diễn trên sân khấu.
Chính bởi ý nghĩa như vậy, vở diễn gây nhiều xúc động cho những người trong cuộc. Cả một thời tuổi trẻ, cùng tiếng hát băng qua lửa đạn. Những nghệ sĩ khoác áo lính ấy đem câu hát bài chòi ra tận chiến hào phục vụ bộ đội, len lỏi xuống các vùng giáp ranh, tuyên truyền phá ấp diệt tề, chống địch dồn dân, làm công tác binh vận, địch vận. Để rồi đêm đêm, thắp cây đèn măng-xông, tấu những điệu bài chòi sáng tác nhanh đáp ứng cho một nhiệm vụ chính trị. Tiếng hát bài chòi thật sự trở thành một vũ khí.
Nhưng, với một vở diễn làm theo kiểu "chúng tôi nói về chúng tôi" sẽ rất khó hấp dẫn nếu khán giả không phải là người trong cuộc. Nhất là khi, có lẽ do vở diễn nói về chính lịch sử của Đoàn mình, nên tác giả kịch bản tuân thủ khá chặt tính "có thật" của sự kiện. Sợi dây thắt và mở của một tác phẩm sân khấu đành nhường chỗ cho tính "thật", cấu trúc do vậy khá lỏng.
Mà quả thật, cả một câu chuyện tính kịch hơi yếu, những cao trào quá ít, trong khi câu chuyện lại trải ra theo thời gian tuyến tính, khó hấp dẫn người xem. Thêm vào đó, có cảm giác tác giả phải độn nhiều. Đoạn mở đầu, rồi cảnh tập vở Ba cha con trên hang đá, cảnh đêm diễn ở Phù Mỹ làm cho cấu trúc kịch vừa lỏng, vừa nhạt. Nhất là màn múa Những cô gái Pa Cô khá lạc lõng trong kết cấu chung.
Điểm yếu khác của vở diễn là các diễn viên trẻ còn hơi "non" khi tiếp cận với các vai diễn. Chưa nói đến yếu tố diễn xuất, ngay cả giọng hát cũng có lúc làm cho người xem cảm thấy đuối. Điều này đã làm hạn chế phần nào cảm xúc của khán giả.
. Khải Nhân
|