Tại Đại hội thi đua toàn quốc - Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức long trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 7-9-2005, GS Hoàng Chương là người duy nhất được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất dành cho cá nhân.
|
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (bìa phải) trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho GS Hoàng Chương.
|
Tôi được biết GS Hoàng Chương vừa tổ chức thành công Hội thảo về Hồ Chí Minh ở thủ đô Bucarest (Rumani) và vừa từ thủ đô Tokyo bay về sau chuyến nghiên cứu dài ngày về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Không hiểu vì sao vị GS có tuổi này lại hoạt động từ Đông Âu đến Bắc Á liên tục trong vòng một tháng trời mà không biết mệt, lại còn điều hành cơ quan mình quản lý và liên tục viết bài cho đăng trên các báo. GS còn là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam Rumani, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hương Bình Định tại Hà Nội.
GS Hoàng Chương có một sức lao động bền bỉ đáng khâm phục. Cho đến nay ông đã xuất bản đến 20 đầu sách, kể cả làm chủ biên. Mỗi năm bình quân ông viết khoảng hơn 100 bài báo, bài nghiên cứu, hầu hết đều đăng trên các báo và tạp chí. Chưa kể ông còn đi giảng dạy, nói chuyện về nghệ thuật cho các trường đại học, các cơ quan.
GS Hoàng Chương còn có biệt danh là "nhà tổ chức", ông có tài tổ chức những hoạt động nghệ thuật, những hội thảo khoa học về văn hóa dân tộc. Chỉ từ đầu năm 2005 đến nay, ông đã tổ chức biểu diễn âm nhạc quốc tế, tổ chức Hội thảo quốc tế về âm nhạc và sân khấu. Hội thảo 30 năm nghệ thuật dân tộc TP Hồ Chí Minh, Hội thảo "Văn hiến Quảng Ngãi truyền thống và hiện đại", Hội thảo "Hồ Chí Minh và Nhật ký trong tù" tại Rumani... Khi chúng tôi hỏi GS Hoàng Chương vì sao mà ông có được sức khỏe tốt và làm được nhiều việc như vậy?
GS Hoàng Chương trả lời: "Tôi sinh ra trên đất Tuồng và đất Võ Bình Định, nên có thói quen luyện tập động tác võ thuật và động tác tuồng vừa để tăng sức khỏe vừa để có vốn nghề cho việc dựng vở (tuồng) và giảng dạy. Tôi còn học tư tưởng trọng nhân tài, học chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Quang Trung nên tập hợp được nhiều tài năng, nhưng quan trọng hơn hết là tôi sống bằng cái tâm, cái đức...".
Có thể ví GS Hoàng Chương như một "Cánh chim không mỏi" trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
. Nguyễn Tố Hoa
(Hà Nội) |