Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm được một quan tiền
Ra chợ kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung
Hai trứng: ung
Ba trứng: ung
Bốn trứng: ung
Năm trứng: ung
Sáu trứng: ung
Bảy trứng: ung
Còn ba trứng nở ra ba con:
Con diều tha
Con quạ cắp bắt
Con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da: lông mọc, còn chồi: nẩy cây!
Con số như là một phương diện của thi pháp ca dao. GS. Phan Ngọc cho rằng: "Người Việt rất thích dùng con số. Cho nên nói tứ phía, muôn màu, trăm phương ngàn kế thì dễ nghe hơn là nói tất cả các phía, tất cả các màu". Trong ca dao, con số được sử dụng rất nhiều, mang ý nghĩa của tâm thức dân gian riêng biệt, bên cạnh ý nghĩa là con số đếm tự nhiên: Hôm nay sum họp trúc mai/ Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm; Đôi ta như thể con tằm/ Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong; Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Thất bát sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua…
Con số 10 trong ca dao trước hết nó cũng là một con số tự nhiên để chỉ 10 đơn vị, đấy là con số đếm với nghĩa số lượng. Nhưng trong tâm thức dân gian của người phương Đông và cả người Việt ta, con số 10 còn mang thêm ý nghĩa khái quát hơn: đó là con số chỉ sự tròn đầy, viên mãn mang sắc thái tâm linh và nhân văn nhằm thể hiện những ước mơ, những mong muốn, khát vọng vươn đến những gì đầy đủ nhất, tròn đầy nhất trong cuộc sống của mình. Vì những lẽ đó mà trong ca dao đã có hẳn một kiểu bài có mô típ dùng con số từ một đến mười: "Một …mười" để tiêu chuẩn hóa những ước mơ, mong muốn, khát vọng của người bình dân trong cuộc sống. Đó là những bài ca dao "Mười yêu", "Mười lo", "Mười mừng"; Mười nhớ"… và "Mười thương" quen thuộc: Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ (….)/ Mười thương con mắt có tình với ai.
Bài ca dao "Mười cái trứng" trong chùm bài ca dao than thân của người nông dân trong xã hội cũ được giảng dạy ở chương trình Văn học lớp 10 (Những câu hát than thân) cũng đã sử dụng con số 10 theo những ý nghĩa trên. Bài ca dao là lời than thân của người nông dân khi họ lâm vào hoàn cảnh bế tắc, khốn cùng. Họ phải "đi vay, đi dạm" mới có một khoản tiền để mua một con gà mái. Và bài ca dao nói tiếp, sau khi mua con gà mái về nhà thì "về nuôi hắn đẻ ra mười trứng". Tại sao phải là mười trứng mà không phải một con số trứng nào khác trong bài ca này? Rõ ràng, dân gian đã sử dụng con số 10 ở đây không phải vô tình, ngẫu nhiên! Họ nghĩ về một viễn cảnh, gà mái sẽ đẻ trứng cho gà con, gà con thành gà lớn, thành lợn con... thành lợn đàn lợn đống, họ lại bán đi… và trả nợ, thoát nghèo. Đấy không phải là ước mơ, khát vọng viễn vông của người lao động mà là một suy nghĩ rất thực tế được thể hiện ở một bài ca dao khác cùng kiểu bài này, là bài "Một đấu thóc".
Cho nên, "mười trứng" ở đây như thể hiện được đầy đủ, trọn vẹn, và tràn đầy được những ước mơ, khát vọng của người nông dân trong hoàn cảnh hiện tại của họ. Mười quả trứng như mười niềm hy vọng, vẽ ra trước mắt người nông dân một viễn cảnh tươi sáng, một sức sống lạc quan không gì dập tắt nổi: "Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da: lông mọc, còn chồi: nảy cây" của họ về sau này!
Có hiểu như thế, chúng ta mới cảm nhận được cái đau xót của người nông dân khi từ 10 quả trứng tròn trịa, tràn đầy ước mơ dần bị mất đi khi 7 trứng bị ung và 3 trứng còn lại, tuy nở ra ba con, nhưng "con: diều tha; con: quạ bắt; con: mặt cắt xơi". Người nông dân bị "phá sản" trên đường sinh kế!
Con số 10 trong bài ca dao "Mười cái trứng" này cũng đã mang những nét nghĩa của sự tròn đầy, đủ độ về sự khổ cực và niềm hy vọng của người nông dân nghèo khổ trong hoàn cảnh quẫn bách, bế tắc tột cùng. Nếu như dân gian dùng một con số khác con số 10 để nói về số trứng con gà mái đẻ (chẳng hạn 5, 6, 7, hay 9...) thì chắc hẳn bài ca dao sẽ không lột tả được hết sự mất mát, xót xa tột cùng khi người nông dân phải chịu nhiều tai họa đến từ các thế lực xã hội bạo tàn (qua hình ảnh: diều, quạ, mặt cắt) và cả những điều kiện khách quan không mấy thuận lợi như thiên tai, mất mùa, đói kém (qua hình ảnh: trứng ung). Và như thế hiệu quả nghệ thuật của bài ca dao chắc sẽ giảm đi nhiều!
. Khả Xuân
(*) Giảng dạy ở chương trình Văn học lớp 10 |