Ngày 9-7-2004, sau khi dự hội nghị các dịch giả văn học tại thành phố Tuy Hòa, trên đường trở ra Hà Nội, một số anh chị em chúng tôi đã được ban lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định mời ở lại Quy Nhơn tham quan và nghỉ qua đêm, trước khi tiếp tục cuộc hành trình.
|
Một góc thành Hoàng Đế (ảnh: Đào Tiến Đạt)
|
Thời gian quá ít, song các bạn văn nghệ Bình Định, đặc biệt là Chủ tịch Hội - nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng - đã hết sức nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan nhiều cơ sở lịch sử và văn hóa, trong đó có việc viếng mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, thăm nhà cụ Đào Tấn và thăm thành Đồ Bàn.
Đoàn có nhiều dịch giả các ngôn ngữ khắp thế giới, tiếng Nga có Thúy Toàn, Đoàn Tử Huyến, tiếng Ba Lan có Lê Bá Thự, tiếng Anh có Hoàng Hưng, Lã Thanh Tùng, tiếng Pháp có Phạm Xuân Nguyên, tiếng Đức có Trần Đương, tiếng Trung Quốc có Trần Đình Hiến, tiếng Tiệp Khắc có Dương Tất Từ, tiếng Rumani có Nguyễn Văn Dân…
Khi đến thành Đồ Bàn, trời đã tối, chỉ còn kịp nhìn rõ mấy con voi đá, sau đó, giữa đêm tối mịt mùng, chúng tôi lần từng bước trên mảnh đất lịch sử lừng danh này. Cùng đi và giới thiệu, ngoài anh Nguyễn Thanh Mừng, có chị Trần Thị Huyền Trang, vợ anh, cũng là nhà thơ và một số bạn khác. Mặc dù rất chăm chú nghe và nhẩm lại trong đầu những gì tiếp nhận được qua cuộc tham quan vội vã khung cảnh đặc biệt này, tôi phải thành thực nói rằng những lời giới thiệu, lúc nhỏ, lúc to, có câu nghe được, có câu bị những đợt gió cuốn đi mất, chưa đủ sức giúp tôi hình dung ra các sự kiện của bao thời lịch sử hoành tráng trên đất này.
Lúc ấy, tôi chưa biết Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang chính là tác giả của một công trình nghiên cứu về mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Nếu được biết, chính lúc ấy, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ở Hà Nội đang ấn hành công trình của hai anh chị thì tôi sẽ có thể bình tâm chờ đợi một sự hiểu biết có hệ thống và toàn diện về đất Vua, vùng thành Hoàng Đế, về đất Kinh xưa...
Quả nhiên, trong sự khao khát được hiểu biết về mảnh đất lịch sử của Bình Định, tôi càng vui sướng khi một thời gian sau tôi có trên tay cuốn Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế của Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang. Một quyển sách sang trọng, do Chính phủ tài trợ sáng tạo, giấy trắng, trình bày đẹp, dày gần 500 trang. Thật vui mừng trước thành công mới của bạn bè. Có pha chút ngạc nhiên: lâu nay tôi thường đọc thơ, ký và truyện ngắn của anh chị Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang, nay cầm trên tay cả một công trình nghiên cứu dày dặn! Đang khao khát được hiểu sâu về "vùng thành Hoàng Đế", tôi lao vào đọc tác phẩm của hai anh chị.
Ngay từ trang đầu, cuốn sách mở ra trước mắt tôi một chân trời để đến với An Nhơn, vùng đất của "những hội ngộ lịch sử". Càng đọc, càng được "tỏa sáng". Những nhân vật lịch sử, các danh nhân, các nhà khoa bảng, các chiến sĩ kiên cường, các nhà thơ của xứ sở, những sự kiện lịch sử, các thông tin về địa lý, cho đến những khía cạnh văn hóa độc đáo, trong đó có văn hóa ẩm thực, các đền đài miếu mạo, lễ hội, các câu ca dao, các truyền thuyết... Lần đầu tiên, tôi biết đến bún Song Thằng, rượu Bàu Đá...; sự khác nhau giữa thành Hoàng Đế và thành Đồ Bàn; có những hiểu biết về sông núi An Nhơn, về tháp Cánh Tiên, tháp Vàng Phốc Lốc, Thập Tháp Di Đà Tự - danh lam trời Việt, chùa Nhạn Sơn... cho đến những con người đã ra đời, chiến đấu và làm nên sự nghiệp lừng lẫy trên đất này, trong đó có một người con gái hy sinh lúc 19 tuổi: Trần Thị Kỷ, "ngọn lửa bất diệt giữa lòng dân". Các bài viết trong phần "phụ lục" như một sự bổ sung cần thiết, làm đầy đặn hơn những gì còn bỏ ngỏ, chưa đề cập hết trong các chương của công trình.
Càng đọc - xin lại nói một lần nữa cái điều đã nói - tôi càng được "tỏa sáng", mỗi khi nghĩ đến cái đêm tháng bảy mịt mùng đã cùng anh chị Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang đến thăm thành Đồ Bàn. Ở cuốn sách này - qua giấy trắng mực đen với nhiều trang ảnh, các tác giả như những người hướng dẫn du lịch có tầm hiểu biết rộng lớn và lối kể chuyện hấp dẫn, đã làm tôi mỗi lúc một say mê, yêu mến, trân trọng mảnh đất thiêng liêng này.
Cái nền thành công của công trình trước hết là ở thái độ làm việc nghiêm túc của các tác giả trong quá trình sưu tầm, khảo cứu chắt lọc tư liệu. Nhưng, nó có một nét khá đặc biệt: ấy là sự trình bày được kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự tôn trọng tuyệt đối các sự kiện lịch sử với một lối hành văn đầy chất trữ tình, mà nếu các tác giả không phải là thi sĩ, là các nhà hoạt động văn hóa nặng lòng yêu thương quê hương xứ sở thì không thể có được.
Tư liệu phong phú, song người viết không "ngập" trong tư liệu; người viết đã "đứng trên" các sự kiện, tư liệu, có cái nhìn tổng quát vào đó, rồi cao hơn, phả vào đó cả ánh sáng nhận thức của riêng mình, của tâm hồn thi sĩ. Riêng Chương 2 - Tâm thức An Nhơn, tôi đã đọc nhiều lần, và chắc các bạn đọc khác cũng vậy. Không chỉ là những trang nghiên cứu, đó là những trang văn đầy chất thơ. Chỉ mạn phép dẫn ra vài câu thôi: "Trong lòng núi sông Việt Nam, núi sông Bình Định, An Nhơn là một vùng đất không kém phần vẻ vang với độ sâu sắc và lịch duyệt của những tầng văn hóa trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc. Với non nước này, với con người này, một dải đất từ bao đời nay chung lưng đấu cật, bao đời gánh vác bằng những trọng trách riêng trong trọng trách chung của lịch sử Bình Định, lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể tự hào khẳng định một bề dày truyền thống lịch sử văn hóa An Nhơn"( Trang 51).
Hoặc "... đó là vùng đất gấm vóc được dệt bởi máu, nước mắt, mồ hôi của bao thế hệ và chính nó đã thắp lửa cho những trái tim con người..." (trang 51).
Một mảnh đất xa xôi trên bản đồ Đại Việt cổ trung đại từng là nơi đặt chân của vua chúa, thái tử, anh hùng, mỹ nhân… Tôi càng đọc càng thấy các tác giả đã dày công sưu khảo trong kho thư tịch cổ, dấu tích để lại của những con người Đại Việt từ các vương triều Lý Trần Lê: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Uy Minh Vương, Lý Thường Kiệt, Huyền Trân công chúa, Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông… Họ gắn với An Nhơn, Bình Định trong những sự kiện lịch sử văn hóa bi tráng.
Với tấm lòng mến yêu trân trọng đối với người con gái anh hùng của quê hương mình, các nhà thơ - nghiên cứu đã có thể viết rất hay - mà theo tôi không thể hay hơn được về chị Trần Thị Kỷ: "... Khi lời vĩnh biệt cuối cùng của chị lịm tắt, giữa ngọn đuốc chợt vang lên một tiếng nổ lớn. Cùng lúc xuất hiện một làn sáng xanh bay vút lên trời" (trang 244 - 245).
Còn nhiều nữa những dòng như thế, những trang như thế.
Tôi được biết, trong năm nhà văn đương đại là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sống và sáng tác ở tỉnh Bình Định hiện nay, ngoài Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương, riêng nhà tác giả Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế đã có hai người. Cả hai nhà văn Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang đều làm thơ, viết truyện ngắn, khảo cứu văn học, văn nghệ dân gian, văn hóa… Tác phẩm Nguyễn Thanh Mừng - Trần Thị Huyền Trang xuất hiện đều đặn trên các báo lớn ở Trung ương. Tôi được đọc bút ký tùy bút của Nguyễn Thanh Mừng trên tạp chí Nhà Văn, tạp chí Xưa & Nay, tuần báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ. Thật vui vì thời gian gần đây, tôi được đọc truyện ngắn của anh trên tuần báo Văn Nghệ, báo Người Hà Nội, tạp chí Sông Hương, mạng VOVNEWS, mạng Sắc Mầu Văn Hóa…
Một khía cạnh nữa là bên cạnh loại hình nghiên cứu, biên khảo, trong loại hình sáng tác thơ cũng như trong bút ký, tùy bút, truyện ngắn, anh và chị cũng thể hiện được độ lịch duyệt của người am hiểu lịch sử văn hóa địa phương. Tôi nghĩ đó là cách kế tục truyền thống lịch sử văn hóa Bình Định. Ở mảnh đất "Nghìn năm hưng vong bĩ thái, nghìn năm tụ tán bi hoan, xứ sở này in dấu ấn đậm đặc của nhiều cuộc hợp lưu: ngai vàng và bùn đất, vua quan và thảo dân, kinh kỳ và thôn dã, thần tiên và phàm trần, máu đào và nước lã…" (trang 5), các nhà thơ tiền bối ở xứ sở này đã từng được hô hấp trong uy linh nguồn sông mạch núi, chính vì vậy phần lớn họ cũng đồng thời là những nhà hoạt động văn hóa xuất sắc.
Đây là một cuốn sách giá trị. Qua việc khảo tả, nghiên cứu, phục dựng từ huyền tích đến hiện thực chân dung của một vùng đất cụ thể là vùng thành Hoàng Đế xưa, là huyện An Nhơn hiện tại, các tác giả đã trình bày cho người đọc tiếp cận với các vấn đề có tầm vóc trong lịch sử văn hóa Bình Định nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Đọc xong cuốn sách, tôi cứ nghĩ ở một góc độ nào đó, không riêng gì huyện An Nhơn mà các cấp các ngành, đặc biệt là ngành văn hóa và du lịch tỉnh Bình Định thật may mắn khi tiếp nhận tác phẩm này. Nó sẽ giúp rất nhiều cho việc giới thiệu sâu rộng và hiệu quả với bốn phương về vùng đất và con người xứ sở, với những di sản văn hóa phong phú và đa dạng, đã tạo nên một điểm văn hóa du lịch hết sức quan trọng của tỉnh nhà, của miền Trung và của cả đất nước chúng ta.
. Trần Đương
(Dịch giả văn học Đức; Nhà xuất bản Thông Tấn - 11 Trần Hưng Đạo - Hà Nội) |