Ở ngôi nhà số 12 Bến Chợ
9:14', 29/9/ 2005 (GMT+7)

Nhà thơ Quách Tấn bên cây khế ở 12 Bến Chợ.

Vào những ngày cuối tháng 11-1992, tôi có ghé nhà số 12 Bến Chợ, Nha Trang để phỏng vấn nhà thơ Quách Tấn cho một bài viết số tết. Nào ngờ sau đó bài viết trở thành bài  đăng cho số báo ngày ông qua đời hơn một tháng sau đó.

Tôi nhớ hôm đó, trong căn phòng nhìn ra ô cửa nhỏ, mắt đã mù nhưng nhà thơ vẫn có thể nhớ mọi vật để quanh ông để lấy chúng. Ông tiếp chuyện chúng tôi một cách khoan thai.

Nhà thơ Quách Tấn chẳng những nổi danh về thơ (chủ yếu thơ Đường) mà còn nổi tiếng về văn xuôi. Ông mất năm 1992 (21-12-1992) thọ 85 tuổi và để lại rất nhiều di cảo.

Anh Quách Giao, con trai thứ hai của nhà thơ, là người lưu giữ di sản văn học của thân phụ. Chúng tôi đã đến số nhà 12 đường Bến Chợ thăm viếng phòng lưu niệm nhà thơ - gần như căn phòng của 13 năm trước khi nhà thơ qua đời đến nay vẫn không có gì thay đổi.

Trong 13 năm, anh Quách Giao dù tuổi cũng đã lớn, nhưng vẫn liên tục bảo quản, chăm sóc di cảo của cha mình. Anh còn giữ cả những hình ảnh xưa, cả những vật dụng mà thuở sinh thời nhà thơ Quách Tấn đã dùng như chiếc rương đã trên 60 năm, chiếc máy chữ, cả chiếc radio mà nhà thơ Quách Tấn dùng để nghe tin tức và giải trí.

Cuộc trò chuyện cùng anh Quách Giao về sự nghiệp văn học của nhà thơ Mùa Cổ Điển của chúng tôi ngay tại căn phòng lưu niệm của nhà thơ Quách Tấn.

- Thưa anh Quách Giao, được biết di cảo văn học của nhà thơ Quách Tấn hiện còn rất nhiều kể cả thơ lẫn văn. Đã 13 năm nay, kể từ ngày thân phụ anh mất, anh đã dành hết công sức để ấn hành các tác phẩm của nhà thơ. Xin anh vui lòng cho biết cụ thể quá trình thực hiện?

+ Số tác phẩm của thân phụ tôi gồm có 25 tập thơ và 45 tập văn xuôi. Thơ thì gồm đủ các thể loại như thất ngôn và ngũ ngôn bát cú, thất ngôn và ngủ ngôn tứ tuyệt, song thất lục bát, lục bát, thơ tự do, biền ngẫu và thơ dịch (thơ Nguyễn Du, Thái Thuận, Hồ Chí Minh v.v..). Văn thì gồm nhiều thể loại: du ký, dịch thuật, bình luận văn học, thi thoại, hồi ký v.v..

Sinh tiền thân phụ tôi đã xuất bản 6 tập thơ và 8 tập văn xuôi. Sau khi thân phụ tôi mất cho đến nay, tôi đã ấn hành  thêm 3 tập thơ và 16 tập văn xuôi (trong số này có 5 cuốn tái bản).

Tất cả các bản thảo của thân phụ tôi, hiện tôi đã biên tập xong và đã đánh vi tính để sau này có dịp xuất bản, sẽ khỏi phải lo vấn đề in sai văn bản vì chữ viết của thân phụ tôi hơi khó đọc cho nên có nhiều sự lầm lộn với nguyên tác.

Ngoài những tác phẩm được in trước đó, anh Quách Giao đã tìm cách in hoặc tái bản các tác phẩm của nhà thơ Quách Tấn từ năm 1992 đến nay, có thể kể: Về thơ có Trăng hoàng hôn (1999), Vui với trẻ em (1994), Tuyển thơ (2002)… Về văn có Nét bút giai nhân (1998), Bóng ngày qua (2001), Võ nhân Bình Định (2001), Nhà Tây Sơn (2001), Xứ Trầm Hương (2002… Hiện ông còn 38 tác phẩm còn ở dạng bản thảo.

 

                                              Bản thảo của nhà thơ Quách Tấn.

 

- Ngôi nhà 12 đường Bến Chợ hôm nay, đã là một dấu ấn trong đời thơ của thi sĩ Quách Tấn. Hiện tại gian phòng khách vẫn còn nguyên vẹn và đã trở thành phòng lưu niệm của nhà thơ Quách Tấn. Xin anh cho biết có gì khó khăn và  thuận tiện trong vấn đề gìn giữ ngôi nhà kỷ niệm này?

+ Ngôi nhà số 12 đường Bến Chợ này là một nơi chứa nhiều kỷ niệm văn học. Năm 1905 ba nhà chí sĩ Quảng Nam là Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng sau khi đi ngang qua Bình Định gặp kỳ khảo hạch của trường đốc Bình Định, đề thi bài phú là "Danh sơn lương ngọc" và bài thi là "Chí thành thông thánh". Ba chí sĩ cùng chung nhau làm bài rồi đồng ký tên là Đào Mộng Giác. Bài phú và thi đều mang tính chất đả kích lối dạy từ chương và lối thi lỗi thời của triều đình. Vào đến Nha Trang, ba nhà chí sĩ trú ngụ tại ngôi nhà này và đã đem hai bài thi phú ra dịch. Người chủ nhà là ông Nguyễn Tử Trực đã chép để làm kỷ niệm. Năm 1928 nhà thơ Tản Đà từ Sài Gòn về Hà Nội đã ghé ở tại ngôi nhà này gần ngót một tháng. Năm 1935 nhà thơ Quách Tấn mua được ngôi nhà này và là nơi tụ hội của các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Yến Lan và những văn thi sĩ đương thời đi ngang qua Nha Trang đều ghé đến để nghỉ chân và đàm đạo thơ văn cùng nhà thơ Quách Tấn. Riêng bốn nhà thơ Bình Định thì coi ngôi nhà này là nhà chung của nhau và có nhiều khi ở chơi đến hàng tháng trời.

Phong cảnh chung quanh, xưa kia và hôm nay đã in dấu vào  thơ văn của thân phụ tôi. Việc bảo quản phòng lưu niệm nhà thơ Quách Tấn là bổn phận và trách nhiệm của tôi nên dù khó khăn về vật chất tôi vẫn duy trì và tu bổ thường xuyên.

Các nhà thơ nhà văn ở khắp nơi mỗi khi có dịp ghé đến Nha Trang đều đến thăm viếng và nhất là những khách du lịch đều có những cuộc viếng thăm vô cùng thân tình.

- Thưa anh Quách Giao, nay anh đã 71 tuổi rồi, mà các di cảo của phụ thân anh còn khá nhiều, anh có tính đến việc làm thế nào để ấn hành được tất cả các tác phẩm. Anh cần những điều kiện gì? Được biết là anh gặp nhiều khó khăn trong việc xuất bản, nhất là kinh phí?

+ Còn sống được ngày nào chúng tôi đều chú trọng đến việc xuất bản các tác phẩm của thân phụ tôi. Hiện tại tôi có 2 ước vọng:

Ước vọng đầu tiên là xuất bản 7 tập thi thoại có tên là:  Hương Vườn Cũ, Trong Vườn Hoa Thơ, Hứng Phấn Nâng Hương, Những Bức Thư Thơ, Lá Rụng Về Cội, Bát Canh Tập Tàng, Tà Bá Nạp gồm trên 2.000 trang.

Về thi thoại thì ở Việt Nam có rất ít người làm thơ viết đến. Các bậc tiền bối như Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Đông Hồ, Lãng Nhân v.v.. đều có viết thi thoại. Song mỗi tác giả chỉ viết có một tác phẩm.

Thi thoại viết về những câu chuyện có liên quan đến thi ca, đến các tác giả, đến những tâm tình, đến những chi tiết của một bài thơ, một câu thơ và nhất là những khúc mắc giữa tác phẩm của nhà thơ này đem gán cho nhà thơ khác. Tôi tin rằng nếu xuất bản được các tập thi thoại này, thì các nhà giáo, các sinh viên, học sinh chuyên về văn, sẽ có những tư  liệu về văn học rất cần cho việc nghiên cứu những áng văn xưa, mà những tư liệu này sẽ có thể bị thời gian xóa nhòa khi những nhà văn học, nhà thơ có nhiều hiểu biết về văn học không còn nữa. Đồng thời những tập thi thoại cũng rất cần cho các nhà thơ Đường trong các Câu lạc bộ Thơ Đường trên toàn quốc, vì có các bài thơ nổi tiếng tuy có vấp phải phạm luật thơ song đã vượt qua để trở thành bài thơ mẫu mực trong làng thơ Đường vì nội dung đặc sắc của bài thơ.

Ước vọng thứ hai của tôi là xuất bản Tập Tuyển Thơ Quách Tấn gồm các bài thơ trích trong các tập thơ đã và chưa xuất bản để người đọc thơ có thể đọc được hơn 1.000 bài thơ tuyển chọn thay vì chỉ đọc có một số thơ trên các tuyển thơ tiền chiến, mà trước đây vì không có điều kiện để xuất bản. Nếu có được điều kiện tốt hơn thì có thể in hết tất cả các tập thơ để làm tài liệu cho kho tàng văn học.

Ước vọng là như vậy, song với thị trường sách vở hiện nay, biết có cơ duyên nào để cho các di cảo của thân phụ tôi được đến với độc giả khắp nơi?

Ngoài cổng ngôi nhà 12 Bến Chợ là chợ. Tôi phải chen với người bán hàng để trái cây ngay trước cổng nhà mới vào, ra được. Chợ có tên là chợ Đầm, hình thành vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Còn năm 1935, khi nhà thơ Quách Tấn đến ở nơi này thì trước mặt nhà vẫn còn là cái đầm. Thơ và đời chợ đã gắn liền nhau cho mãi đến ngày hôm nay. Trong ngôi nhà 12 Bến Chợ ấy, dẫu đầu đã bạc trắng, anh Quách Giao vẫn kiên trì công việc giữ gìn và tiếp tục công bố di cảo của nhà thơ Quách Tấn để lại.

. Khuê Việt Trường

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã tỏa sáng đêm tháng 7 ở thành Đồ Bàn  (28/09/2005)
Con số 10 trong bài ca dao "Mười cái trứng" (*)  (27/09/2005)
GS Hoàng Chương - cánh chim không mỏi  (27/09/2005)
Giáo sư Hoàng Chương nhận Huân chương Lao động hạng nhất  (27/09/2005)
Kỷ niệm 705 năm ngày giỗ của Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn  (26/09/2005)
Có một "Huyền thoại về tiếng hát"  (25/09/2005)
Sinh giữa mùa trăng, thơ giữa mùa trăng, chết giữa mùa trăng  (23/09/2005)
Kim Giang: Múa không chỉ là động tác hình thể...  (23/09/2005)
Hàn Mặc Tử - con đường tình một chiều  (22/09/2005)
Hoàn thành phiên bản một quả chuông có từ thời Tây Sơn  (22/09/2005)
Một vài cảm nghĩ nhân đọc "Cảm nhận và bình thơ" (*)  (22/09/2005)
Tổng duyệt vở "Huyền thoại về tiếng hát"  (21/09/2005)
Xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: Vẫn khó cho nghệ sĩ không chuyên  (20/09/2005)
Tìm hiểu bài thơ Giải đi sớm trong môtíp "bị giải đi"  (20/09/2005)
Đoàn Bình Định giữ vững danh hiệu lá cờ đầu  (20/09/2005)