Một ngày đã xa lắm, nhà thơ Trúc Thông vào Quy Nhơn. Thuở ấy, anh và Hoàng Bảo Linh và tôi đều còn độc thân, dắt nhau đi uống rượu quán cóc. Nhớ mãi. Thời bao cấp, quý nhau mời chút ớt sừng trâu ngâm dấm, mấy lát xoài giòn chấm mắm đường, vài ba miếng nem nướng và xị Bàu Đá chính cống đã gọi là sang trọng.
Tôi có hào hứng ứng tác một bài thơ tặng cho cuộc rượu ba người:
"Rượu ai rót xuống mây trời
Mây trời cạn nửa, nửa mời biển xanh
Biển xanh thả sóng lên gành
San đôi cho núi để thành một mâm
Non thâm trầm nước thâm trầm
Muôn cao nghìn thẳm âm thầm sẻ chia
Rằng đây ngọn lửa đầm đìa
Sớm thì lại đượm mà khuya thì nồng
Ba người ngồi tựa mênh mông
Ba người ngồi tựa thinh không vững bền
Ba người chẳng thể nào quên
Bên núi bên biển một bên mây trời."
Lần đó, anh Trúc Thông đi thăm thú nhiều nơi trong tỉnh, sáng tác các bài thơ Quanh tháp Dương Long, Một trưa trong suốt, Kỷ niệm thôn Bình An…
Hai mươi năm rồi, mỗi lần gặp tôi ở Hà Nội, anh hẹn dịp nào đó sẽ về lại Quy Nhơn. Thời gian đã lùi xa nhưng kỷ niệm thì còn mãi. Về Quy Nhơn, để hai anh em đi thong thả qua các ngõ quê, không phải vào các cuộc tụ tập đọc thơ náo nhiệt, mà chỉ ngồi lặng lẽ trong các túp lá ven đường mộc mạc. Như ngày xưa, anh từng ghi lại bằng thơ:
"Cửa sổ sau liếp chống
Sông chảy sát vào có thể với tay
Cô hàng áo bà ba tóc bím
rót một ly quê
tôi thầm chạm với những gì hiền hậu
phảng phất trong mắt đẹp Gò Bồi
người khách sẽ già
cô hàng mãi thế
sông hãy sát hoài quán nhỏ ven sông…".
Như ngày xưa, cả tiếng vang của một gầu nước giếng, tiếng bàn chân người nông phu lầm đất ruộng, tiếng đôi đũa dừng trên mâm…
Trong cuộc tất bật với hàng tỉ việc, tim óc thu vào bao nhiêu cảnh sắc bốn phương, anh Trúc Thông vẫn còn nhớ đến cả một chút lặng thầm xao động nào đó dưới khung trời Bình Định. Hình như những gì đại loại như vậy níu kéo chúng tôi gần thơ hơn. Và gần nhau hơn. Tất nhiên, chúng tôi cũng hiểu sự lạnh lùng của một nhân vật luôn hiện diện trong đời sống có tên cúng cơm là thời gian. Nhưng chúng tôi cũng rất hiểu sự đầm ấm của của một vài nét khắc trên gương mặt thời gian, dù có thể, đôi khi có người cho rằng không phải là không vu vơ, tựa hồ gió thoảng mây bay đi nữa.
Nhà thơ Trúc Thông hồi ấy có Chầm chậm tới mình. Sau này, anh có Maratong, Một ngọn đèn xanh (tác phẩm đạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2000), Văn chương ngẫu luận. Anh tâm sự: "Tôi cho rằng: Trong khi gắn chặt với đất nước, thời đại, con người, nhà thơ (hoặc người viết thể loại khác) phải có đóng góp nhất định vào mở rộng, nâng cao những đặc điểm nghệ thuật của thơ Việt Nam (cũng như ở văn, kịch…). Tính nghề nghiệp "thuần túy" này phải được thể hiện từng bước đi lên qua các tác phẩm. Làm được đến đâu còn do "lực". Nhưng "tâm" phải nguyện canh cánh với nhiệm vụ, lương tâm đó đến hơi thở cuối".
Tôi yêu mến một Trúc Thông lặng lẽ, sâu đằm bao nhiêu thì cũng yêu mến một Trúc Thông sắc sảo, quyết liệt bấy nhiêu. Đó là những mặt lấp lánh trong tính cách nhà thơ. Vì Thơ.
Tập thơ mới nhất của Trúc Thông có tên Vừa đi vừa ở gồm 65 bài thơ, NXB Hội Nhà văn cho ra mắt tháng 9-2005. Có thể nói một cách hình tượng rằng đó là một trong vắt, một biếc xanh của khung trời nghệ thuật thi ca Trúc Thông. Anh kiệm lời, kiệm chữ, dồn nén cho bố cục, cho ý tưởng một kết tinh, một bùng nổ: "từ ngữ anh sau những bức tường - đi lại và suy ngẫm - hành trình quá xa xăm - cần tập luyện - bền gân - sáng trí… anh đang chơi cờ - với những vị thánh".
Trúc Thông rất quan tâm đến những người làm thơ trẻ, phát hiện, bình phẩm về thơ hay của họ một cách nồng nhiệt. Anh từng tham gia ban tuyển chọn tập Thơ Bình Định thế kỷ XX. Anh cũng rất nhiệt thành xin giấy phép, giới thiệu cho các tập thơ của một số nhà thơ Bình Định. Ngoài việc nói chuyện về thơ, anh còn mở rộng ra những địa hạt khác. Ví dụ, về lĩnh vực văn xuôi như Quạ đen của Cửu Đan, chẳng hạn. Ví dụ về lĩnh vực bình luận quan hệ quốc tế, trật tự thế giới như The Lexus and the Olive tree (Chiếc Lexus và cây Ô liu) của Thomas L. Friedman, chẳng hạn. Thiên chức của nhà thơ là vấn đề của muôn đời nhưng sự quan tâm đến số phận của thơ ở mỗi thời đại có những đặc trưng riêng. Từ tập thơ đầu đến Vừa đi vừa ở, luôn trung thành với những nguyên tắc mở rộng, nâng cao những đặc điểm nghệ thuật thi ca, Trúc Thông "mở luân xa - lòng ta - lắng nét gió mười phương thổi lại…".
Chậm rãi lang thang cùng Trúc Thông trên những khu phố cổ Hà Nội hoặc ngồi bên nhau trên chiếu rượu, tôi càng quý trọng những câu thơ như thế này của anh: "trời xanh đã thành mắt lớn các anh - giông bão - dại điên - thơ trẻ - mặc trầm - dựng ba ngọn tháp"; "gió cứ thổi suốt con đường rợp bóng - cây lẫn tiếng chim giành hết cho người - xa xót lẩn tận đâu miền cay đắng - bao lạ lùng vẫy gọi phía xa xôi".
Thơ Trúc Thông
Kỷ niệm thôn Bình An
chị Á múc lên gầu nước thật trong
anh Quyến vô sân chân lầm đất ruộng
thằng Bình thằng Hiệp mắt trong giếng mát
lên năm lên bảy đang nhìn cuộc đời
chiều Bình An xanh
chuyện hai mươi năm xưa còn trong ngấn nước mắt
chị Á nhắc những người đã khuất
đũa dừng
Người bán than tổ ong
choãi người đẩy xe thồ dọc phố
đầy ụ than tổ ong
người đàn bà dáng đàn ông
nhô quá nửa đời sang thế kỷ 21
qua hàng internet
cô gái tóc vàng du lịch
đang thư cho mẹ qua mấy đại dương
con trai đang lớp tám của mẹ ơi
hãy đoạt lấy một tương lai trắng trong
mẹ đẩy xe than về hướng đó
Hồi nhớ bảo tàng giao thông Praha
tôi dừng lại rất lâu
tưởng tượng
trong toa xe lửa đầu tiên thế kỷ 19
người đàn ông Séc mũ quả dưa
trịnh trọng ngồi ghế gỗ thế nào
trên xe ngựa khum mui
một cô nông dân Séc
váy dài ôm chiếc làn khép nép
lần đầu thẹn thò lên thủ đô
cả Praha là một bảo tàng
lâu đài, nhà cổ
trong một phố nghèo
có ngôi nhà xám bé
từng sống Káp-ka
mười một năm rồi tôi vẫn tương tư
nàng nông dân Séc
má đỏ rừ
vì lời trêu chọc
trên xe ngựa hai trăm năm trước
lăn đi…
(Rút từ tập Vừa đi vừa ở, NXB Hội Nhà văn 2005) |
|