Hơn 60 năm trước, Tế Hanh đã trình làng tập thơ "Hoa niên" gây sửng sốt thi đàn bằng những bài thơ viết về chính quê hương ông: "Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước vây quanh cách biển nửa ngày sông". Đó là làng Đông Yên thuộc xã Bình Dương huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Cái làng "cách biển nửa ngày sông" ấy còn sinh ra một đội bả trạo có tuổi thọ đến 200 năm. Đây là đội bả trạo lâu đời nhất vẫn còn tồn tại ở Quảng Ngãi hiện nay.
|
"Múa gươm" trong lễ hát bả trạo (ảnh: TĐ)
|
Cụ Nguyễn Tân, 70 tuổi, chủ vạn Đông Yên nói: "Ông cố tôi kể lại là đội bả trạo của vạn Đông Yên này có từ thời vua Gia Long. Trải qua bao binh lửa của nhiều cuộc chiến tranh, đội bả trạo của làng Đông Yên vẫn còn tồn tại đến ngày nay".
Theo lời kể của cụ Tân, đội bả trạo và lăng vạn của làng được vua Khải Định ban sắc phong năm 1871 nhưng thời chiến tranh, lăng bị thiêu rụi, cháy luôn các tài liệu cổ, lăng phải chuyển địa điểm sang bên kia sông. Đến hòa bình, lăng mới làm lại trên nền nhà cũ như hiện nay.
Theo cách giải thích của các cụ già ở đây thì "bả là nắm, còn trạo là tay chèo". Hát bả trạo là hình thức diễn xướng hầu thần Nam Hải của những làng chài ven biển miền Trung. Họ diễn lại cảnh sinh hoạt của ngư dân trên biển bằng lời ca và các điệu múa mang một sắc thái riêng. Đội bả trạo vạn Đông Yên có 22 người, là những ngư phủ khỏe mạnh của làng. Được vào đội bả trạo là một vinh dự lớn, vì rằng, các thành viên trong đội, ngoài việc khỏe mạnh, phải là người sống mẫu mực, đạo đức tốt và biết… múa nữa, được làng chọn lựa kỹ càng.
Lời của bài hát kể lại cảnh sinh hoạt của một chiếc thuyền từ lúc ra khơi cho đến khi bão tố nổi lên, được cá Ông dìu vào bờ. Phụ họa cho lời bài hát là phần diễn của các tay chèo. Họ đi đứng, múa may theo một kịch bản định sẵn mà bất cứ một đội bả trạo nào cũng có.
Bộ phận "chèo" thì mặc đồng phục màu xanh, đầu chít khăn vàng; còn bên "gươm" thì mặc áo đen, thắt lưng đỏ, đầu đội nón lá. Phần "tế" được diễn ra trong lăng thờ cá Ông, còn phần "lễ" thì tổ chức ngay trong sân lăng. Hàng nghìn người dân của làng là những "cổ động viên" cho các "tay chèo trên cạn" này, dù năm nào đội bả trạo cũng diễn đúng một "cảnh" và hát mỗi một lời ấy.
Tôi hỏi cụ Tân vì sao bả trạo năm nào cũng chỉ hát bấy nhiêu lời nhưng lại cuốn hút người dân đến vậy? Ông giải thích: "Người ta đến với lễ hội và xem hát bả trạo không chỉ là để thưởng thức phần "nghệ thuật" trong quá trình biểu diễn mà đến lăng Ông là để tri ân những người khuất mặt, nhất là ông Nam Hải-ân nhân của tất cả những người đi biển chúng tôi".
Quan sát khuôn mặt từ người đi xem hát đến các "diễn viên", tất cả đều biểu lộ một vẻ thành kính hết sức thiêng liêng. Tôi đã chứng kiến cảnh các ngư phủ đã toát mồ hôi như thế nào khi diễn đến đoạn thuyền của họ gặp nạn. Dù là "chèo cạn" nhưng tất cả đều gồng mình lên như là đang chống chọi với cuồng phong giữa biển khơi. Họ như những người bị "lên đồng" khi biểu diễn. Chính sự thiêng liêng được ăn sâu trong căn cốt của mỗi người dân làng chài Đông Yên đã thành sợi dây neo giữ lại cho làng một đội bả trạo lâu đời như thế.
|
Trước lăng vạn Đông Yên (ảnh: TĐ)
|
Ở Đông Yên, mỗi năm dân làng tổ chức hai lần hát bả trạo. Lần đầu diễn ra vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, gọi là "lệ xuân", mở đầu cho một năm đi biển; lần thứ hai vào ngày rằm tháng bảy, gọi là "lệ thu", kết thúc vụ cá. Quy định này có tính bất biến từ xưa đến nay. Vì vậy, các công dân của làng chài, dù có đi làm ăn xa nhưng hễ đến "lệ", lại quay về để vui vầy với làng.
Các tỉnh ven biển miền Trung hiện nay có hàng trăm làng chài nhưng những làng chài có đội bả trạo thì rất hiếm hoi. Riêng Quảng Ngãi chỉ còn 6 đội nhưng huyện Bình Sơn đã chiếm 5 đội trong đó có đội bả trạo làng Đông Yên này. Sở dĩ ở Bình Sơn có nhiều đội bả trạo và còn giữ được đến hôm nay là vì, đây là nơi có mật độ tàu thuyền đánh cá nhiều nhất, ít có những cuộc thiên di của cả làng chài, lại là điểm giao lưu với nhiều vùng nên ngư dân có điều kiện bảo lưu các giá trị văn hóa dân gian.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, thì đội bả trạo làng Đông Yên được tổ chức bài bản và quy củ nhất hiện nay.
Lúc chưa ngã bệnh, mỗi khi về thăm làng, câu đầu tiên mà nhà thơ Tế Hanh hỏi ông vạn trưởng: "Đội bả trạo làng mình còn không?". Trong thơ của mình, tuyệt nhiên Tế Hanh chẳng có một dòng nào nhắc đến đội bả trạo độc đáo này nhưng chắc chắn rằng, hồn thơ của ông được nuôi dưỡng và tưới tắm từ những làn điệu dân ca được khắc tạc qua nhiều thế hệ của làng mà đội bả trạo Đông Yên là nhân chứng vẫn trường tồn với thời gian.
|