Thực hiện quyết định 138 của UBND tỉnh:
Du lịch Bình Định sẽ được nâng cấp, nâng tầm
7:43', 3/1/ 2006 (GMT+7)

Đến năm 2010, du lịch Bình Định sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, đồng thời trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Đó là một trong những mục tiêu quan trọng mà Quyết định số 138/2005/QĐ-UBND ngày 26-12-2005 về việc “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” hướng đến.

* Mục tiêu, định hướng phát triển

 

Bảo tàng Quang Trung - điểm đến lý tưởng của du khách.

 

Quyết định 138 của UBND tỉnh đã xác định rõ: tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đến năm 2010 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Bình Định trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, định hướng phát triển du lịch Bình Định đến năm 2010 và 2020 là: Tiếp tục ưu tiên khai thác, mở rộng các thị trường khách du lịch truyền thống, khai thác các thị trường du lịch mới, có tiềm năng; tăng cường thu hút khách du lịch đến từ các nước ASEAN, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Đại Dương…; Ưu tiên tập trung phát triển du lịch sinh thái biển, hồ, núi và du lịch văn hóa - lịch sử, tạo ra ưu thế vượt trội, đồng thời kết hợp đa dạng với các sản phẩm du lịch khác có điều kiện và nhu cầu của khách du lịch.

Về định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ, có 3 hướng phát triển không gian du lịch, gồm: Phát triển theo tuyến ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu (Phú Yên) và Quy Nhơn - Tam Quan để khai thác tối đa thế mạnh biển, ven biển, đảo của Bình Định theo hướng phát triển ra biển. Phát triển theo tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn để khai thác tối đa thế mạnh vùng di tích Tây Sơn kết hợp với văn hóa Chăm, gắn với hành lang Đông - Tây. Phát triển không gian du lịch Vĩnh Sơn - Định Bình - Đông Trường Sơn…

Về định hướng đầu tư phát triển du lịch, tỉnh đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch; hệ thống cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng các loại hình du lịch và các cơ sở vui chơi, giải trí; tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử; khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống; tăng cường các dịch vụ, xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, ngân sách Nhà nước sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch…

* Để mục tiêu sớm trở thành hiện thực

Lâu nay, mặc dù có những bước phát triển đáng ghi nhận, song bên cạnh đó tư tưởng coi hoạt động phát triển du lịch là “chuyện riêng” của ngành TM-DL; coi tiềm năng du lịch Bình Định là phong phú, có sẵn, chỉ việc … thu tiền dễ dàng; bên cạnh đó là tình trạng hoạt động, phát triển du lịch theo kiểu manh mún, tự phát… đã phá vỡ quy hoạch phát triển chung.

 

Hệ thống tháp cổ Chăm pa - một thế mạnh của du lịch Bình Định. - Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan tháp Bánh Ít.

 

Nhằm khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”, Quyết định 138 đã quy định rất rõ nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành chức năng, như: TM-DL, KH-ĐT, TN-MT, Xây dựng, Tài chính, VH-TT UBND các huyện, thành phố. Mỗi sở, ngành, đơn vị, địa phương có nhiệm vụ khác nhau, nhưng sẽ phối hợp, liên kết chặt chẽ. Chẳng hạn, Sở KH-ĐT có trách nhiệm đề xuất, cân đối và bố trí vốn đầu tư phát triển du lịch 5 năm và hàng năm (gồm cả vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác); đồng thời là đầu mối duy nhất giải quyết các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực du lịch cho các nhà đầu tư theo quy định hiện hành. Ngoài ra, đơn vị này còn có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các dự án phát triển du lịch của tỉnh. Sở TN-MT có trách nhiệm căn cứ vào quy hoạch của từng khu du lịch đã được phê duyệt, chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư du lịch; phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý, hướng dẫn, thực hiện, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường sinh thái đối với hoạt động du lịch của tỉnh, đảm bảo hoạt động du lịch phát triển bền vững…

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tuyển, Giám đốc Sở TM-DL cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước thống nhất đối với hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đề xuất, hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch; thực hiện chức năng quản lý Quy hoạch tổng thể ngành du lịch, quản lý quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, lập dự án kêu gọi đầu tư và tổ chức hướng dẫn thực hiện các đề án quy hoạch được duyệt”.

Với những nỗ lực mới, hy vọng du lịch Bình Định sẽ được nâng cấp, nâng tầm thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng và trở thành trọng điểm du lịch quốc gia.

  • Viết Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đội bả trạo làng Tế Hanh  (02/01/2006)
Đã có "Hãy đợi đấy!" tập 19  (02/01/2006)
6 cá nhân được trao giải thưởng Đào Tấn 2005  (02/01/2006)
Trúc Thông, bao lạ lùng vẫy gọi phía xa xôi  (01/01/2006)
Tìm trong Không gian cội nguồn (*)…  (30/12/2005)
Nhạc sĩ Chung Thế Nghiệp: "Lặng nghe mùa xuân về"  (30/12/2005)
Thơ Trần Quang Khanh  (30/12/2005)
Đắc Kỷ Trụ Vương  (30/12/2005)
Giao lưu, giới thiệu sáng tác trẻ  (29/12/2005)
Khởi công trùng tu và tôn tạo di tích tháp Dương Long  (29/12/2005)
"Hạt mưa rơi bao lâu" đoạt giải tại LHP Ấn Độ  (28/12/2005)
Không gian cội nguồn: Huyền thoại và hiện thực  (28/12/2005)
Phục hồi thành công vở Diễn Võ Đình của Đào Tấn  (27/12/2005)
Hình tượng người tù trên con đường chuyển lao  (27/12/2005)
Khai mạc phòng tranh Không gian cội nguồn của họa sĩ Nguyễn Quốc Hùng  (27/12/2005)