Tiếng là phục hồi, nhưng thật ra trước nay Nhà hát Tuồng Đào Tấn chưa từng dựng vở này. Ngay các diễn viên hiện nay của Nhà hát cũng chưa một lần được xem Diễn võ đình mà chỉ biết đến vở tuồng này qua kịch bản trên giấy. Bởi vậy, trước khi dựng vở, trò chuyện với chúng tôi, đạo diễn Hoàng Ngọc Đình từng khẳng định: “Dựng Diễn võ đình là một thách thức”. Anh còn nói thêm, rằng nếu không có kinh nghiệm cóp nhặt từ 37 năm lăn lộn với sân khấu hát bội, nhất là những năm tháng dựng các vở dân gian cũng như được học thêm về nghề đạo diễn thì sẽ không dám nhận dựng vở này.
|
Cảnh kết trong vở “Diễn võ đình”. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Cần nói thêm, trong số các vở diễn của Đào Tấn thì Diễn võ đình có cấu trúc hoàn toàn khác. Trước hết, trong cấu trúc tuồng cổ, nhân vật thường phải ra xưng tên, nêu rõ lai lịch, nhưng ở vở này, các nhân vật cứ thế ra sân khấu là diễn. Thứ nữa, vở tuồng này có kết lửng lơ, khác với kết có hậu thông thường. Do vậy, theo đạo diễn Hoàng Ngọc Đình thì kịch bản này chưa đủ những yếu tố cấu thành một kịch bản hoàn chỉnh. Đây cũng là một tác phẩm đặc biệt, bởi nó chứa đựng những tâm sự, dằn vặt của tác giả trước một thời điểm lịch sử nhiều đảo điên lúc bấy giờ. Cái khó nhất vẫn là làm sao để đạo diễn, diễn viên thấu hiểu và truyền tải được cái tâm sự được tác giả gửi gắm.
Qua vở diễn, cho thấy đạo diễn đã thẩm thấu, hiểu được tâm tư của Đào Tấn. Đây là khẳng định của NSƯT Vĩnh Huế, một trong số 5 cố vấn nghệ thuật của vở diễn, phát biểu sau khi xem đêm tổng duyệt. Thành công của đạo diễn là đã chia sẻ với những suy tư, dằn vặt của cụ Đào trước một thời điểm lịch sử vua không còn là vua, gian thần xu nịnh lộng quyền, thế sự đảo điên…
Điều đặc biệt hơn: vở diễn đã được phục hồi dưới góc nhìn người hôm nay, nhìn truyền thống ở thì hiện tại. Tiết tấu vở diễn được đẩy nhanh hơn, thoại kịch giản dị, bớt những câu chữ Hán tự khó hiểu, gần gũi hơn với công chúng hôm nay. Ngoài ra, vở diễn cũng đã được sáng tạo thêm một số đoạn nhằm làm cho kịch bản chặt chẽ hơn trong cấu trúc. Đoạn mở đầu được thêm vào cảnh Đào Tấn tập cho học trò diễn vở này và trong dịp xuân kỳ, đã tổ chức diễn để dâng lên tiên tổ. Cái khéo của đạo diễn là thông qua đó, vừa thể hiện thời điểm ra đời của vở diễn, vừa có thể đưa chiếc trống chầu lên sân khấu một cách tự nhiên. Do vậy, xuyên suốt vở, bằng hình ảnh chiếc trống chầu và dàn nhạc hai bên sân khấu, cho ta gặp lại hình ảnh sân khấu hát bội truyền thống.
|
NSƯT Minh Ngọc (vai Triệu Khánh Sanh - bên trái) và Thanh Sử (vai Kiều Quang) trong vở “Diễn võ đình”. Ảnh: Đào Tiến Đạt |
Nhưng đáng tưởng thưởng vẫn là ở cuối vở. Trong kịch bản, Đào Tấn đã kết vở ngay sau khi nhân vật Triệu Khánh Sanh hát câu Chút thân liều gửi cung dâu/ Đố con lương mã biết đâu là nhà, qua đó thể hiện tâm trạng cay đắng của một người anh hùng lạc vận, của một con người tuyệt vọng. Nhưng trong vở diễn, đạo diễn đã khéo léo lồng thêm một tiếng gà gáy xa xa, như báo hiệu một sự bừng sáng trong viễn cảnh, mở ra cho nhân vật hy vọng ở tương lai. Đấy cũng là một cách chia sẻ của người hôm nay với tâm sự của người xưa.
Dàn diễn viên nòng cốt của Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã góp rất nhiều cho thành công của vở diễn. NSƯT Minh Ngọc (vai Triệu Khánh Sanh), NSƯT Văn Vỹ (vai Bàng Hồng), NSƯT Xuân Hợi (vai Vương Quý), NSƯT Phương Thảo (vai Nhất phẩm phu nhân), Thanh Sử (vai Kiều Quang)… đều là những diễn viên có hàng chục năm lăn lộn trên sân khấu hát bội, thấu nhập những tinh hoa của sân khấu hát bội truyền thống. Nhờ vậy, những mảng miếng sân khấu, những chi tiết trở nên có hồn, sống động, vừa truyền tải hết ý của tác giả, vừa thể hiện tốt ý đồ của đạo diễn, làm cho vở diễn đi vào lòng người xem hôm nay tự nhiên, nhuần nhị hơn.
|