Tuy bài ca dao trên đã được Sách Văn học 10 hiện hành chú thích là trích dẫn từ công trình nổi tiếng "Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam", Vũ Ngọc Phan biên soạn, in lần thứ bảy, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, nhưng văn bản của bài ca dao vẫn có chỗ cần bàn lại. Đó là trường hợp bài ca dao sử dụng đại từ nhân xưng "Cô" trong câu: "Cô có chồng anh tiếc lắm thay".
Trong văn học dân gian (VHDG), hiện tượng dị bản là một hiện tượng phổ biến, mang tính quy luật, tất yếu do thuộc tính truyền miệng và tính tập thể của VHDG quy định.. Sự khác biệt này làm cho tác phẩm phù hợp hơn với nhận thức thẩm mỹ của từng vùng miền, từng thời kỳ lịch sử khác nhau, tạo cho tác phẩm có vẻ đẹp riêng. Chẳng hạn bài ca dao quen thuộc ca ngợi xứ Nghệ: "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/ Ai vô xứ Nghệ thì vô.." nếu được phổ biến ở Huế sẽ có sự đổi thay "Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/ Ai vô xứ Huế thì vô..".
Cũng có hiện tượng văn bản có sự thay đổi, khác biệt nhưng không phải là dị bản mà là bản sai. Đó là khi trong quá trình lưu truyền, người tiếp nhận đã nghe nhầm, hiểu nhầm (và dẫn đến sưu tầm, ghi chép nhầm) so với nguyên bản. Đó chính là trường hợp bài ca dao "Trèo đèo hai mái phân vân/ Lòng về Hà Tĩnh, dạ ái ân Quảng Bình" lưu truyền ở Bắc Trung bộ được nhà thơ Xuân Diệu "nghe nhầm" thành "Trèo đèo hai mái chân vân" và "tán" rất hay về hai từ "chân vân" này.
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Cô có chồng anh tiếc lắm thay
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra? |
Trở lại bài ca dao đang bàn, hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về nội dung, nhưng nhiều người đều thống nhất: đây là bài ca dao đối đáp giữa chàng trai và cô gái, trong một hoàn cảnh rất éo le: họ đã từng yêu nhau, từng có "những ngày xưa thân ái", nhưng chàng trai đã bỏ lỡ một dịp thuận lợi để tiến đến hôn nhân (Ba đồng một mớ trâu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?), và giờ họ gặp lại nhau và đối đáp khi cô gái đã là người "Bây giờ em đã có chồng". Lối đối đáp là đặc trưng diễn xướng của ca dao, và được thể hiện về mặt văn bản bằng dấu gạch ngang "- Ba đồng một mớ trầu cay….". Bốn câu đầu là lời của chàng trai. Sáu câu sau là lời của cô gái. Lời của chàng trai thể hiện sự nuối tiếc về một tình yêu đẹp ngày xưa và hàm một chút trách móc cô gái về việc cô đã "nỡ vội lấy chồng". Cụm từ "… anh tiếc lắm thay" ở cuối lời của chàng trai càng thể hiện rõ hơn sự nuối tiếc đó. Chỉ có một mối quan hệ thân thiết với cô gái như thế (được tạo ra trước đây), chàng trai mới có "quyền" thể hiện sự nuối tiếc và trách cứ đó. Và một khi đã là người thân thiết với nhau rồi thì chàng trai không thể có cái kiểu xưng hô một cách "dửng dưng" qua việc dùng đại từ "cô" như ở bài ca dao này.
Việc xưng hô bằng đại từ "Cô" của chàng trai đã làm cho quan hệ của họ thật xa cách, như họ chưa từng quen biết nhau vậy. Và chàng trai có "quyền" gì mà nuối tiếc, trách cứ với một cô gái "xa lạ" với mình khi cô nàng đi lấy chồng kia chứ?! Bởi ca dao đã từng để những chàng trai dùng đại từ "cô" như thế khi tỏ tình: "Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây/ Sang đây anh nắm cổ tay/ Anh hỏi câu này có lấy anh không?" hay khi đùa ghẹo: "Tầm xuân nở ra trắng bóng/ Anh lấy cô mình cho chóng có con"… Vậy, ở bài ca dao trên, lời chàng trai được chép là "cô" là một bản sai, và cũng không phải là một dị bản. Bản đúng chỉ có thể là khi chàng trai xưng hô bằng từ "Em": "Em có chồng anh tiếc lắm thay".
|