Quản lý, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử, danh thắng:
Cần có Ban quản lý di tích cấp tỉnh
8:42', 8/1/ 2006 (GMT+7)

Bình Định là tỉnh có số lượng di tích được Nhà nước công nhận xếp hạng phong phú và đa dạng nhất so với khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo tồn và phát huy di tích đến nay còn nhiều bất hợp lý, hiệu quả thấp. Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có một cơ quan chuyên trách với một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn về quản lý, bảo tồn và phát huy di tích...

 

Du khách tham quan khu du lịch Hầm Hô (Tây Sơn). Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Bình Định hiện có 71 di tích lịch sử và danh thắng đã được Nhà nước công nhận xếp hạng, trong đó có 32 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 39 di tích được UBND tỉnh công nhận. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều tỉ đồng cho công tác gia cố, chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích. Trong các di tích trên, loại hình di tích gắn với tín ngưỡng, tôn giáo được quản lý, bảo tồn tốt hơn như đình làng Vinh Thạnh (Tuy Phước), miếu Bà (An Nhơn), chùa Thập Tháp (An Nhơn)...

Với loại hình di tích danh nhân như Từ đường Võ Văn Dũng, Từ đường Bùi Thị Xuân (Tây Sơn) hoặc giao cho dòng họ quản lý như Nhà Lưu niệm Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân), Đền thờ Đào Duy Từ (Hoài Nhơn) thì việc quản lý và phát huy di tích còn nhiều hạn chế. Trước đây, việc quản lý những di tích trên do gia đình và dòng họ đảm nhiệm. Sau khi được công nhận và cấp hạng, một số di tích được Nhà nước đầu tư xây dựng, tôn tạo khang trang, thì trách nhiệm của gia đình, dòng họ giảm đi nhiều và có tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.

Với các di tích cách mạng, sau khi được công nhận xếp hạng và đầu tư xây dựng một số hạng mục như tượng đài, nhà bia, bia và giao lại cho ngành văn hóa - thông tin và chính quyền sở tại quản lý, một số di tích đã xuống cấp nhanh như Vụ thảm sát Nho Lâm (Tuy Phước), Chiến thắng đèo Nhong - Dương Liễu (Phù Mỹ).

Một số di tích cấp quốc gia như thành Hoàng Đế (An Nhơn), tháp Bánh Ít (Tuy Phước), tháp Dương Long (Tây Sơn) mỗi di tích được hợp đồng một người bảo vệ. Việc bảo vệ có tốt hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn còn một số trẻ em, và thanh niên thiếu ý thức thả bò trong khu vực di tích, xâm hại di tích và làm mất trật tự.

Nhưng đáng quan tâm nhất vẫn là các di tích lịch sử, danh thắng đang được các cơ quan, đơn vị khai thác để phục vụ du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 di tích loại này là Bảo tàng Quang Trung do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh quản lý; danh thắng Hầm Hô được huyện Tây Sơn cùng Công ty Cổ phần 47 liên doanh thành lập Công ty Cổ phần Du lịch Hầm Hô quản lý; di tích Tháp Đôi và danh thắng Ghềnh Ráng do Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng Đô thị thành phố Quy Nhơn quản lý. Trong đó, Bảo tàng Quang Trung được quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất.

Sau khi UBND tỉnh ra quyết định ban hành chủ trương quản lý, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử, di tích cách mạng và di tích kiến trúc trên địa bàn tỉnh, một số huyện đã thành lập Ban quản lý di tích địa phương. Cơ cấu của ban này bao gồm cán bộ UBND, cán bộ văn hóa - thông tin và cán bộ một số ban ngành ở huyện, xã. Mô hình kiêm nhiệm này không thể tồn tại vì không tổ chức hoạt động được.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy hiện nay những tỉnh, thành phố quản lý, bảo tồn và phát huy di tích, danh thắng tốt đều đã thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích như Huế, Đà Nẵng; hoặc Ban quản lý di tích như ở Quảng Bình, Khánh Hòa. Những người quản lý di tích phải là những cán bộ được đào tạo nghiệp vụ bảo tồn, bảo tàng. Ngay như ở tỉnh Bình Định, thời gian qua, Bảo tàng Quang Trung được phát huy tốt, thì yếu tố quyết định ở đây là di tích được đặt dưới sự quản lý của một đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ về bảo tồn, bảo tàng. Do đó, di tích thường xuyên được tu bổ, tôn tạo, phòng trưng bày được chỉnh lý, bổ sung khoa học; đồng thời Bảo tàng còn dàn dựng thêm các tiết mục múa, võ... phục vụ khách du lịch. Do vậy, nguồn lực của di tích không những không cạn kiệt mà luôn đổi mới, hấp dẫn hơn với du khách.

Thiết nghĩ, đã đến lúc việc quản lý, bảo tồn và phát huy di tích cần được giao cho một cơ quan chuyên môn và việc thành lập Ban quản lý di tích cấp tỉnh là cần thiết. Còn việc giao cho các cơ quan, đơn vị không có chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, bảo tàng quản lý, bảo tồn và phát huy di tích như hiện nay chẳng qua chỉ là một giải pháp tình thế, nhất là đối với các di sản kiến trúc nghệ thuật cổ như các đền tháp Chămpa.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vòng cung mưa  (06/01/2006)
Hồn cổ nơi góc phố  (06/01/2006)
Xena - công chúa chiến binh  (06/01/2006)
Che Guevara và hành trình đi tìm mục đích sống (*)  (05/01/2006)
Xác định được hộp sọ của nhà thiên tài âm nhạc Mozart  (04/01/2006)
Chuyên mục mới trên VTV1: Lựa chọn cuối tuần  (04/01/2006)
Cô hay em - dị bản hay bản sai trong ca dao  (03/01/2006)
Khai trương Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành   (03/01/2006)
Dựng Diễn võ đình ở thì hiện tại   (03/01/2006)
Đội bả trạo làng Tế Hanh  (02/01/2006)
Đã có "Hãy đợi đấy!" tập 19  (02/01/2006)
6 cá nhân được trao giải thưởng Đào Tấn 2005  (02/01/2006)
Trúc Thông, bao lạ lùng vẫy gọi phía xa xôi  (01/01/2006)
Tìm trong Không gian cội nguồn (*)…  (30/12/2005)
Nhạc sĩ Chung Thế Nghiệp: "Lặng nghe mùa xuân về"  (30/12/2005)