Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành tư nhân đầu tiên ở Bình Định và cả nước vừa mở cửa tại số nhà 173 Lê Hồng Phong - TP Quy Nhơn, đã thu hút được rất nhiều người mê gốm đến thưởng lãm bởi kiểu thiết kế ấn tượng cùng nhiều hiện vật quý được trưng bày. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Vĩnh Hảo - chủ nhân của nhà trưng bày độc đáo này.
Sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch
- Được biết, ông đã "thai nghén" khá lâu về nhà trưng bày gốm cổ này. Ông có thể tiết lộ về thời gian cũng như kinh phí trang trải để có đứa con - nhà trưng bày của ông ra đời?
|
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đang nghe ông Nguyễn Vĩnh Hảo giới thiệu về các hiện vật trong nhà trưng bày. |
+ Ông Nguyễn Vĩnh Hảo: Tôi đã ấp ủ về nhà trưng bày này từ khá lâu rồi, nhưng thực sự bắt tay vào thực hiện thì chỉ từ tháng 3 năm 2005. Anh hỏi về kinh phí? Thú thật là tôi không giàu, chỉ có mỗi lòng đam mê và sự quyết tâm. Để có nhà trưng bày gốm hôm nay, vợ và hai con tôi đã phải bán nhà ngoài Hà Nội để ở nhà thuê và tôi phải vay thêm từ ngân hàng. Lúc đầu, tôi biết cũng có nhiều người hồ nghi và ái ngại cho việc làm của tôi, cũng có nhiều điều tiếng này nọ nhưng rồi, khi nhà trưng bày mở cửa vào ngày 3-1, rất nhiều người đã đến thưởng lãm, trong đó có những người mà tôi không thể không nhắc đến là ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh; các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu như ông Tô Tử Thanh, ông Nguyễn Duy Quý... Sự quan tâm, động viên của các vị lãnh đạo tỉnh và sự chia sẻ, đồng cảm của đông đảo người yêu gốm đã làm cho tôi thấy công sức của mình đã không uổng phí. Đáng mừng hơn là một lãnh đạo của một ngành nọ, sau khi đến tham quan, đã đề nghị được liên kết đưa nhà trưng bày của tôi vào trong tour tham quan du lịch phục vụ cho Festival Tây Sơn 2007. Tôi rất mãn nguyện.
- Ngôi nhà của ông được thiết kế khá độc đáo, đậm chất văn hóa Bình Định. Ông tự thiết kế lấy hay thuê kiến trúc sư thiết kế theo ý tưởng của ông?
+ Tôi tự thiết kế lấy. Tôi không rành nghề xây dựng nhưng có may mắn được sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật. Như anh biết, kiến trúc Bình Định có hai phong cách rất nổi tiếng, đó là tường gạch, vách xây của tháp Chàm và những chi tiết độc đáo của nhà lá mái. Qua bao đêm nghiền ngẫm, tôi đã hình dung ra những nét tổng thể, làm sao phải mang đậm bản sắc địa phương nhưng bề thế, phóng khoáng và ấm áp. Hàng đêm, tôi cứ gạch gạch xóa xóa, hình thành những chi tiết thẩm mỹ để sáng ra, có đủ việc cho thợ làm. Cứ thế cho đến khi hoàn thành. Nói nôm na, nhà trưng bày của tôi đã hình thành trên cơ sở tinh hoa của kiến trúc Bình Định. Có thể anh cũng cảm thấy được là khi bước vào đây, anh sẽ quên đi sự ồn ào của đường phố phía sau lưng và hòa mình trong không gian lung linh thấm đẫm chất văn hóa cổ, thấm đất chất tài hoa, lịch lãm của vùng đất Bình Định xưa.
"Tôi chỉ là một kẻ thừa tự"
- Nhiều người vẫn thường bảo: Những ai chơi đồ cổ đều đó cái gì đó "cổ quái", không bình thường. Xin lỗi, ông có thuộc trường hợp đó không? Bởi tôi thấy chỉ mỗi việc ngôi nhà cổ của ông xuất hiện ở ngã tư đông đúc này cũng đã có lắm lời ra tiếng vào?
+ Xin nói ngay, tôi không phải dân chơi đồ cổ. Tôi chỉ là một kẻ thừa tự. Thừa tự linh khí ở vùng đất thang mộc. Thừa tự tinh thần thượng võ của một vùng đất. Thừa tự một bộ gốm cổ Gò Sành. Tôi nghĩ mình cũng bình thường. Nếu có khác với mọi người chăng, có lẽ chỉ vì cỡ người "quá khổ quá tải" của tôi mà mấy anh em thân thiết vẫn thường đùa là do tôi luyện võ công sai, bị tẩu hỏa nhập ma. Nếu có "cổ quái" như anh nói chăng, có lẽ do tôi hay cưỡi chiếc vespa cà tàng vứt ngoài đường không ai thèm lượm. Còn về ngôi nhà này, đúng là có nhiều lời nhận xét trái ngược nhau, trong đó tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của bà Mác-ga-rít, Giám đốc điều hành Khu du lịch Life Resort Quy Nhơn, đây là một căn phố cổ chứ không phải một ngôi nhà cổ.
- Ông đang sở hữu một bộ sưu tập về gốm Chăm rất có giá trị. Ông có thể cho biết cụ thể về bộ sưu tập này và xuất xứ của nó?
|
Toàn cảnh nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành. |
+ Tôi không dùng từ gốm Chăm mà là gốm Gò Sành, bởi các sản phẩm gốm Gò Sành chỉ được sản xuất duy nhất tại Bình Ðịnh. Tôi cho rằng gốm Gò Sành được người Chăm cổ sản xuất từ thế kỷ XI đến XIV; sau đó người Việt kế thừa và phát triển nó đến thế kỷ XVIII. Bộ sưu tập của gia đình tôi được sản xuất từ thế kỷ XI đến XVIII, gồm khoảng 1.300 hiện vật. Trong đó: Đồ thờ tự (tượng gốm, phù điêu, đồ trang trí đền tháp…) gần 80 món; đồ tế tự (vật dụng bằng gốm men cao cấp sử dụng trong Hoàng gia Chăm) gần 200 món; đồ xuất khẩu (gốm gia dụng, mỹ nghệ gồm chum, chóe, bình tách chén, bát tráng men) hơn 800 món; và gốm gia dụng (đồ đất nung, men nhẹ lửa…) hơn 200 món.
Năm 1958, ba tôi (ông Nguyễn Hượt) xây dựng một xưởng gốm mỹ nghệ xuất khẩu tại Mỹ Quang - Phù Mỹ. Sản phẩm gốm xuất khẩu có thương hiệu là "Phù Mỹ - Việt Nam" (trước 1960) sau đó là "Kim Môn - Việt Nam". Trong quá trình tìm kiếm nguồn đất nguyên liệu để sản xuất, ông có nghe nói về một dòng gốm của người Chăm, còn gọi là gốm Hời. Với suy nghĩ của một nhà sản xuất cộng với niềm say mê của một người sưu tập, ba tôi đã rất quan tâm đến dòng gốm này.
Đầu năm 1974, sau một trận bom Mỹ ném xuống vùng Gò Sành (Nhơn Hòa, An Nhơn), hàng nghìn hiện vật và những bức tường lò đã lộ ra. Nghe tin, ba tôi tìm đến ngay. Sau đó, ông vào Sài Gòn mở một cuộc họp báo (ngày 24-2-1974). Ngày 25-2-1974, báo chí của chế độ cũ đã đưa tin về sự kiện này. Có thể xem đây là văn bản đầu tiên nói về dòng gốm cổ Chămpa tại Bình Định. Trước khi qua đời (1991), ba tôi gọi tôi lại dặn dò tôi cố gắng giữ gìn những gì ông sưu tập được bởi đó là một phần di sản văn hóa của quê hương.
- Và đó cũng chính là lý do để ông thành lập nhà trưng bày gốm cổ này?
- Chính xác thì tại nhà trưng bày này, ông giới thiệu bao nhiêu hiện vật?
|
Tượng bò thần (Nandin) bằng đất nung. |
+ Tại đây, tôi trưng bày khoảng 200 hiện vật được tuyển chọn từ bộ sưu tập gốm cổ Gò Sành gồm 1.300 hiện vật của gia đình tôi. Các hiện vật trong nhà trưng bày chia làm hai dòng: gốm cổ và gốm hiện đại. Dòng gốm cổ bao gồm gốm cổ của người Chăm (từ thế kỷ XI đến XV) và gốm cổ của người Việt xưa (thế kỷ XVII đến XVIII), được phân thành 4 nhóm sản phẩm: đồ thờ tự và trang trí tôn giáo, đồ tế tự và ngự dụng, đồ xuất khẩu, đồ dân dụng. Trong số đồ gốm trưng bày có những hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như tượng nữ thần bằng đất nung (cao 1m, là tượng Chăm bằng đất nung lớn nhất được tìm thấy hiện nay), tượng bò thần bằng đất nung, cặp bình tai bèo cổ tiện, đĩa ngự dụng, bộ đồ ngự dụng men trắng...
- Trong đó có cả những sản phẩm gốm "made in Kim Môn"?
+ Đương nhiên. Tôi biết có một chuyên gia về gốm tỏ ý nghi ngờ về sự hiện hữu của dòng gốm này nhưng anh thấy đấy, một số sản phẩm gốm trưng bày tại đây có đóng dấu Kim Môn - Phù Mỹ đàng hoàng đấy chứ. Tôi đang rất mong vị chuyên gia kia đến tham quan nhà trưng bày để ông ta được tận tay sờ vào sản phẩm gốm Kim Môn.
Gốm Gò Sành là sản phẩm độc đáo của Bình Định
- Trong bộ sưu tập của ông có pho tượng đất nung Dravapala và dĩa ngự dụng được xem là độc bản. Xin ông nói rõ hơn về hai hiện vật này.
+ Tượng đất nung Dravapala (môn thần, thế kỷ XII-XIII) là một vật gia bảo, cực kỳ quý giá. Tôi tin rằng, những người quan tâm đến cổ vật sẽ rất bất ngờ về sự độc đáo của pho tượng. Còn về dĩa ngự dụng rồng 5 móng cỡ lớn, vẽ tích Long Vân Khánh Hội, thể hiện sự viên mãn của một ông vua thành đạt, thì cực quý. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, một chuyên gia về gốm cổ hiện trú tại Đa Kao, TP Hồ Chí Minh, rất có thể chiếc dĩa này là của vua Càn Long tặng cho vua Quang Trung. Nhưng đó chỉ là giả thuyết thôi. Tôi rất mong các nhà nghiên cứu tổ chức giám định chiếc dĩa này để xác định giá trị thật của nó.
|
Một góc nhà trưng bày |
- Để bộ sưu tập gốm Gò Sành của ông có được một "diện mạo" như chính giá trị của nó, sau cuộc trưng bày này, ông còn dự định gì nữa không?
+ Điều làm tôi tự hào là gốm Gò Sành là sản phẩm độc đáo của Bình Định, được người Bình Định phát hiện - sưu tầm - lưu giữ và phát huy giá trị. Tôi chỉ là một công dân có mong muốn sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu di sản văn hóa của quê hương. Sau lần trưng bày này, dự kiến tôi sẽ tổ chức trưng bày riêng tại Hà Nội. Hiện nay, tôi đang biên soạn một tập sách về gốm Gò Sành và tham gia cùng VTV thực hiện một bộ phim tài liệu về đề tài này. Hy vọng với những cố gắng như vậy, diện mạo dòng gốm Gò Sành mới được bộc lộ tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh.
- Xin cảm ơn ông.
|