Tạo sức sống mới cho tháp cổ Dương Long
8:9', 10/1/ 2006 (GMT+7)

Thực hiện chương trình mục tiêu của Bộ VHTT và UBND tỉnh Bình Định về việc phục hồi vẻ đẹp cho di tích Tháp Dương Long, vừa qua, Sở VHTT tỉnh đã làm lễ khởi công dự án trùng tu tôn tạo di tích này với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 10 tỉ đồng…

 

                                    Tháp Dương Long

 

Tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) xây dựng vào cuối thế kỉ XII, là một quần thể gồm 3 tháp Chăm (tháp Nam, tháp Giữa, tháp Bắc) được bố cục theo dạng thẳng hàng trên trục Bắc - Nam. Đặc trưng nổi bật của tháp Dương Long là các tác phẩm điêu khắc đá, bởi đây là tháp có nhiều điêu khắc đá nhất trong tất cả các khu tháp Chămpa cổ.

Vào đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu H.Parmentier đã thu lượm được hàng nghìn mảnh đá lớn nhỏ có chạm khắc của tháp Dương Long. Ngày nay, ngoài các tác phẩm đã được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định thì trên tháp vẫn còn lại rất nhiều khối đá có hoa văn. Các tác phẩm điêu khắc rất phong phú về đề tài và tính nghệ thuật.

Hiện tại, tổng thể di tích Tháp Dương Long đã bị xáo trộn lớn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân do đào xới lấy gạch đá đem đi. Những năm 80 - 90 của thế kỉ trước, nhiều người đã đến đây đào gạch về làm nhà ở, chuồng trại, lấy đá làm cối xay gạo và mang đi nhiều khối đá lớn có hoa văn điêu khắc… cho đến khi các tháp được gia cố và gần đây được bảo vệ bằng tường rào thì sự xâm phạm di tích ít xảy ra hơn.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, tháp Dương Long ngày càng bị xuống cấp. Các tháp đều xảy ra tình trạng sạt lở lớn, gạch gãy và nứt vỡ ở nhiều vị trí. Tháp Nam bị hư hại nặng nhất với những mất mát chủ yếu ở phần chân tháp, các tầng mái tháp, vòm cửa giả hướng tây và phía nam chóp tháp. Các khối đá trên tháp Dương Long đều bị nấm mốc bao phủ bề mặt, một số đã bị bong tróc và nứt tách dạng mảng lớn có thể làm hoa văn rơi rụng bất cứ lúc nào. Hiện tượng xâm thực bề mặt đá đang diễn ra ngày càng trầm trọng và cần phải được bảo vệ một cách cấp thiết.

Việc tu bổ, phục hồi kiến trúc tháp sẽ được tiến hành trên nguyên tắc đảm bảo tối đa các yếu tố nguyên gốc và giá trị xác thực của di tích. Gia cố và xử lí các vết nứt và bề mặt phong hóa để các tháp không bị hư hỏng thêm. Sau đó, phục hồi một phần các chi tiết kiến trúc, đảm bảo sự phân biệt giữa yếu tố gốc và phần tu bổ. Đối với các chi tiết chưa có đủ căn cứ để phục hồi thì được bảo vệ để nghiên cứu và xử lí trong các lần tu bổ sau.

Ngoài ra, cảnh quan tháp Dương Long cũng sẽ được tôn tạo và xây dựng các công trình phụ trợ như: cổng và tường rào, hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng di tích và thiết kế chiếu sáng trang trí cho các tháp. Trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, bố trí các bồn cỏ hoa dọc hai bên đường dạo và các chậu cây cảnh tại các khoảng sân. Xây dựng nhà trưng bày hiện vật, tài liệu, hình ảnh về tháp Dương Long để du khách có thể hiểu rõ hơn về những giá trị của di tích.

Sau khi hoàn thành dự án, chắc chắn tháp Dương Long sẽ có được một diện mạo và sức sống mới. Nhưng để phát huy được hết giá trị của di tích cấp quốc gia này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban - ngành.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Chăm H’roi  (10/01/2006)
Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định có 2 tác phẩm đoạt huy chương bạc   (09/01/2006)
Tôi muốn giới thiệu rộng rãi về dòng gốm Gò Sành   (09/01/2006)
Tản mạn về đá gà   (08/01/2006)
Cần có Ban quản lý di tích cấp tỉnh  (08/01/2006)
Vòng cung mưa  (06/01/2006)
Hồn cổ nơi góc phố  (06/01/2006)
Xena - công chúa chiến binh  (06/01/2006)
Che Guevara và hành trình đi tìm mục đích sống (*)  (05/01/2006)
Xác định được hộp sọ của nhà thiên tài âm nhạc Mozart  (04/01/2006)
Chuyên mục mới trên VTV1: Lựa chọn cuối tuần  (04/01/2006)
Cô hay em - dị bản hay bản sai trong ca dao  (03/01/2006)
Khai trương Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành   (03/01/2006)
Dựng Diễn võ đình ở thì hiện tại   (03/01/2006)
Đội bả trạo làng Tế Hanh  (02/01/2006)