Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học lần 2 đã được công bố với một danh sách gồm 74 nhà văn, nhà thơ. Lướt qua danh sách này, thấy có nhiều cây bút đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học thiếu nhi nước nhà.
1. Người đầu tiên phải kể đến là nhà văn Tô Hoài. Cho đến nay, ông vẫn là một nhà văn gắn bó lâu dài nhất với văn học thiếu nhi. Ngay từ trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Tô Hoài đã nổi tiếng với những truyện đồng thoại, tiêu biểu là thiên truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Tác phẩm này không chỉ làm nên tên tuổi Tô Hoài mà còn góp phần làm vẻ vang nền văn học Việt Nam hiện đại. Dế Mèn phiêu lưu ký đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến rộng rãi ở nhiều nền văn học trên thế giới, rất được bạn đọc thiếu nhi ưa thích.
Sau cách mạng, Tô Hoài tiếp tục sáng tác cho các em. Ngòi bút ông không ngừng đổi mới, mở rộng đề tài, thể loại và các hình thức biểu đạt. Những sáng tác của Tô Hoài sau cách mạng tràn đầy cảm hứng ngợi ca dân tộc, đất nước, ngợi ca những tấm gương thiếu nhi anh hùng. Tác phẩm tiêu biểu: Đảo hoang, Nhà Chử, Truyện nỏ thần, Con mèo lười, Kim Đồng… Đã ở vào tuổi 87 nhưng Tô Hoài vẫn chứng tỏ là một cây bút dẻo dai trên cánh đồng chữ nghĩa.
2. Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) được biết đến với tư cách một nhà văn chuyên viết truyện, kịch lịch sử. Thời kháng chiến chống Pháp, cùng với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn rất tích cực trong việc tổ chức làm sách cho thiếu nhi. Hòa bình lập lại, ông tham gia sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ông đã viết cho các em: Hai bàn tay chiến sĩ, Chiến sĩ canô, An Dương Vương xây thành Ốc, Lá cờ thêu sáu chữ vàng và Kể chuyện Quang Trung.
Trong số này, Lá cờ thêu sáu chữ vàng được đánh giá là kết tinh những tài hoa nghệ thuật viết truyện lịch sử cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng. Nếu biết rằng, Nguyễn Huy Tưởng viết tác phẩm này trong hoàn cảnh bệnh tật, viết xong phải nhập viện và không lâu sau đó trút hơi thở cuối cùng thì chúng ta càng thêm kính trọng ông, một nhà văn dù hoàn cảnh bản thân thế nào cũng cố gắng "rút ruột nhả tơ", đem đến cho tuổi thơ những trang sách hay.
3. Đoàn Giỏi là nhà văn Nam Bộ thành danh trên đất Bắc. Nói đến ông là người ta nhớ ngay đến Đất rừng phương Nam. Tác phẩm này được Đoàn Giỏi viết theo "đơn đặt hàng" của nhà xuất bản Kim Đồng (1957). Đề tài Nam Bộ kháng chiến được nhà văn triển khai theo cốt truyện phiêu lưu: cậu bé An bị lạc cha mẹ trong quá trình tản cư, đã có dịp đến với làng này xóm nọ và chứng kiến không khí chiến đấu hừng hực của người dân phương Nam. Chính cuộc chiến đấu này đã lôi cuốn và cuối cùng đưa An đến với cách mạng.
Sức hấp dẫn của Đất rừng phương Nam chính là những vẻ đẹp của một miền đất Tổ Quốc được miêu tả đầy xúc động qua một ngòi bút đã đạt tới sự thuần thục trong nghệ thuật biểu hiện. Đoàn Giỏi còn có nhiều tác phẩm khác cho các em như Cuộc truy tầm kho vũ khí, Cá bống mú, Người thợ máy Tôn Đức Thắng…
4. Trong các nhà văn viết cho thiếu nhi, Phạm Hổ được đánh giá là một cây bút đa dạng. Ông làm thơ, viết văn xuôi và sáng tác cả kịch. Sự nghiệp văn học cho thiếu nhi của ông rất phong phú, là kết quả của một đời tâm huyết "được viết cho các em là cả một hạnh phúc". Phạm Hổ rất thành công với những sáng tác về tình bạn (Chú bò tìm bạn, Bạn trong vườn, Những người bạn ồn ào…), những câu chuyện cổ tích về hoa, về quả (Chuyện hoa, chuyện quả). Nhiều sáng tác của Phạm Hổ là sự thăng hoa của cảm xúc về mảnh đất, con người quê hương Bình Định yêu dấu của ông…
5. Dù bây giờ đã là một nhân vật có vai vế trong Hội nhà văn Việt Nam, một Trưởng ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam nhưng Trần Đăng Khoa được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích hơn cả vẫn là Trần Đăng Khoa của thời niên thiếu. Năm 1966, Trần Đăng Khoa viết bài thơ đầu tiên là bài Con bướm vàng. Ngay bài thơ này, Xuân Diệu đã nhận ra tài năng thi ca của Trần Đăng Khoa qua nghệ thuật điệp câu đầy sáng tạo. Với tập Góc sân và khoảng trời, Trần Đăng Khoa được xem là "thần đồng thi ca". Tố Hữu khẳng định, trời đã mượn cái miệng trẻ con của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc. Góc sân và khoảng trời có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học…
Ở tuổi trưởng thành, Trần Đăng Khoa tiếp tục con đường văn chương như anh đã từng nói thời niên thiếu: "Suốt đời em thích thơ hay - Gắng công học tập ngày ngày em chăm". Anh làm thơ, viết văn xuôi và lý luận phê bình. Anh cũng đã được Giải thưởng báo Văn nghệ với chùm thơ viết về biển. Anh cũng đã làm chấn động đời sống văn học qua Chân dung và đối thoại…
Dù vậy, như đã nói, một Trần Đăng Khoa thời Góc sân và khoảng trời vẫn đọng lại sâu sắc nhất trong tâm trí bạn đọc.
6. Ra đi khi tài năng đang độ chín trong một tai nạn ô tô thảm khốc (1988), Xuân Quỳnh để lại niềm tiếc nuối vô biên với công chúng văn chương. Có một Xuân Quỳnh sôi nổi, mãnh liệt trong Gió Lào miền cát trắng, Sân ga chiều em đi song cũng có một Xuân Quỳnh hồn hậu qua những sáng tác thơ, truyện cho thiếu nhi. Sự nghiệp văn học cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh được đánh dấu qua tập thơ Bầu trời trong quả trứng, các tập truyện Hoa mận trắng, Bến tàu trong thành phố…
Từ những sự việc đời thường, rất nhỏ nhặt, Xuân Quỳnh đã đem đến cho bạn đọc những vần thơ hay, những câu chuyện đẹp về tình mẫu tử, tình thầy trò, tình bạn…
7. Các cây bút khác gồm Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nguyễn Kiên, Vũ Tú Nam, Viễn Phương… cũng có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của văn học cho thiếu nhi nước nhà.
Tuy viết không nhiều song các nhà văn nói trên đều đã góp vào kho tàng văn học thiếu nhi những tác phẩm hay. Với Nguyễn Đình Thi là Cái tết của mèo con (truyện đồng thoại), Huy Cận là Hai bàn tay em (thơ), Nguyễn Kiên là Chú đất nung (truyện đồng thoại)…
Văn học thiếu nhi Việt Nam có vươn lên tầm chuyên nghiệp được hay không phụ thuộc một phần không nhỏ vào các nhà văn này…
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về văn học là một sự tưởng thưởng, ghi nhận đối với thành quả lao động của các nhà văn. Nhân dịp này, xin được chúc mừng và mong mỏi những cống hiến mới của các tác giả giàu lòng thương yêu bạn đọc trẻ em !
|