Lớp trung cấp nghệ thuật Tuồng khóa IV của Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh vừa tốt nghiệp ra trường, sẽ tiếp thêm lực lượng cho sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, việc họ có trở thành thế hệ tiếp nối cho sân khấu truyền thống hay không thì lại là chuyện khác…
|
Học viên Trần Thế Khương (ngoài cùng, bên phải) trong vai Châu Thương, trích đoạn Châu Thương phục thiện. Ảnh: Hoài Thu
|
Ông Nguyễn Hồng Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, đã gọi việc đào tạo bộ môn sân khấu truyền thống của trường những năm qua là một mối duyên nợ gắn kết giữa Trường với Nhà hát Tuồng Đào Tấn cũng như Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định. Nói riêng về Tuồng, tính cả khóa IV này, đến nay Trường đã đào tạo được trên dưới 60 diễn viên, nhạc công, trong đó, nhiều người đã trở thành các diễn viên, nhạc công chính của Nhà hát, có người nay đã thành NSƯT. Còn với Ca kịch Bài chòi, hầu như tất cả các diễn viên hiện tại của Đoàn đều "ra lò" từ đây. Duyên nợ ấy chứng tỏ, sân khấu truyền thống Bình Định đang được tiếp bước và thế hệ trẻ hôm nay không phụ lòng nghiệp tổ.
Tuy thời gian đào tạo chỉ trong 3 năm 6 tháng, nhưng các học viên đều được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống. Từ các môn cơ sở, đến chuyên môn, từ các trích đoạn mẫu đến các mô hình nhân vật mẫu như tướng, đào, lão, kép, nịnh rồi mụ, hài, các học viên đều được các giáo viên của Trường và diễn viên trụ cột của Nhà hát truyền dạy kỹ lưỡng, nhiệt tình, tâm huyết. Các học viên ngành sân khấu truyền thống cũng được hưởng một số ưu đãi. Ngoài việc được miễn học phí, được cấp học bổng tùy vào kết quả học tập (110.000 đồng/tháng với học lực khá, 160.000 đồng/tháng với học lực giỏi), họ còn được Đoàn, Nhà hát hỗ trợ thêm 100.000 đồng/người/tháng.
Trong 12 học viên tốt nghiệp lớp trung cấp nghệ thuật Tuồng lần này, sẽ có một số được giữ lại và trở thành các diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát. Trước đó, lớp Trung cấp Ca kịch Bài chòi khóa V cũng đã tốt nghiệp ra trường với 13 học viên, trong đó, chỉ khoảng một nửa được nhận vào Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định. Như vậy, còn một số không nhỏ các diễn viên tốt nghiệp nhưng vẫn không thể trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Với mảnh bằng cấp II, các học viên không thể được nhận vào các Trung tâm văn hóa - thông tin các huyện hay trở thành cán bộ chuyên trách văn hóa xã. Khi ấy, để trụ lại với nghề, các học viên này chỉ có cách gia nhập vào đội ngũ Tuồng không chuyên. Phi phỏng về đầu ra, nên thật dễ hiểu, để có được con số 20 học viên những ngày đầu, các giáo viên của Trường phải vào tận từng làng "lùng" từ… 6, 7 tháng trước.
Ngay với các học viên được nhận vào các đoàn chuyên nghiệp thì để trở thành diễn viên chính, họ phải qua một thời gian dài lăn lộn trên sàn diễn. Tiêu chí đầu tiên mà ông cha ta nêu ra từ bao đời nay với người diễn viên là thanh, sắc thì hiện nay, đáp ứng yêu cầu này không dễ. Đó là chưa nói đến việc trình độ văn hóa của các học viên quá thấp. Trong 12 người, chỉ vài người có bằng tốt nghiệp THPT. Vốn văn hóa mỏng, bề dày kiến văn không nhiều, sẽ là một hạn chế lớn với người diễn viên sân khấu, nhất là khi họ làm nghề trong một bộ môn sân khấu có bề dày truyền thống với những chuẩn mực nghiêm ngặt như Tuồng.
Sau khóa IV, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật đang có ý định chiêu sinh khóa V trung cấp Tuồng. Tuy nhiên, đã đến lúc cần đào tạo theo địa chỉ, gắn với nhu cầu đầu ra hơn. Nên chăng, có thể để các đoàn chuyên nghiệp thu nhận học viên trước rồi cho họ thử sức dần qua các vai diễn. Với những người có năng khiếu, có thể trụ lại được trên sàn diễn thì mới cho theo học bổ túc thêm về văn hóa và lý thuyết biểu diễn.
|