Tượng chó trên gốm Chăm
14:41', 13/1/ 2006 (GMT+7)

Dựa vào những xương thú tìm được qua các cuộc khai quật tại các di chỉ cư trú, các nhà khảo cổ học, sinh vật học cho rằng, trong những động vật do con người thuần dưỡng sớm nhất là con chó. Qua khai quật, người ta đã thấy những mảnh xương chó nhà, sau đó mới đến heo và một số động vật khác. Từ thời tiền sử, cách nay hàng vạn năm, con chó đã được xem là con vật sống có nghĩa và chung thủy nhất với con người.

 

          Tượng chó trong sản phẩm gốm Chăm Bình Định.

 

Trong các sản phẩm sản xuất tại các khu lò gốm Chăm Bình Định, ngoài những vật dụng như chén, bát, vò, choé, chum… còn thấy một số hình vẽ thể hiện trên gốm và một số mảnh tượng liên quan đến những con thú huyền thoại trong tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm như sư tử, makara, rắn naga và cũng thấy một vài mảnh những con thú gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của họ đó là tượng trâu, voi và cả con vật sống gần gũi nhất với con người đó là con chó.

Trong đồ gốm Chăm Bình Định, hình tượng con chó đã được các nghệ sĩ dân gian Chăm thể hiện khá sinh động, hình con chó thể hiện trong tư thế động, như loại chó tai cụp, đuôi cong, mặt ngước lên nhìn về phía chủ. Nhìn vào tư thế, có thể đoán nó sắp sửa được chủ cho ăn (nếu là chó bình thường), hoặc đang lắng nghe hiệu lệnh của chủ chuẩn bị cho một cuộc săn đuổi (nếu là chó săn), hoặc đang cố ngăn người lạ không cho xâm phạm vào nhà chủ (nếu là chó giữ nhà)…

Từ hình tượng con chó gốm này có thể liên tưởng đến một cuộc sống ổn định của những người thợ gốm Chăm Bình Định, của những làng nghề thủ công đang hưng thịnh và phát triển lâu dài trên vùng đất này. Chính nhờ sự ổn định đó mà trong nhiều thế kỷ, họ đã cho ra lò nhiều sản phẩm gốm, không chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường trao đổi thương mại với bên ngoài.

Cách nay 7-8 thế kỷ, Bình Định là vùng rừng núi hoang vu, con người thưa thớt; những người đến định cư ngoài việc khai hoang lập ấp, còn phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ do vậy đi đâu họ cũng phải dắt con chó theo. Chó nhà, khi gặp hổ, voi, gấu thường quấn lấy chân chủ, hại lây cho chủ. Còn chó săn, khi gặp thú dữ thường chạy đánh lạc hướng cứu chủ; chủ bị tai nạn, chó chạy về báo. Vùng Bình Định, có nghề luyện chó săn, tướng chó biết săn thường có mi mắt dày, mắt sâu, tròng mắt đỏ, ức nở, lông so le ba lớp… Chó săn khi chọn mang về đem xông ngải cứu, qua đợt xông chó rất ghét mùi này. Đó là mùi khét của chuột. Do đó, khi đánh hơi thấy mùi khét của chuột chó đuổi tận nơi.

Năm Bình Tuất đang đến gần, ngắm lại hình tượng chó trong sản phẩm gốm Chăm sẽ thấy bao điều lý thú.

  • Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những khoảng cách còn lại  (13/01/2006)
Thơ Phạm Đương, Phạm Vân Hiền  (13/01/2006)
Ca sĩ Kiều Lệ: Hát dân ca bằng cả tâm hồn  (13/01/2006)
Tạp bút: Những chấm nhỏ  (12/01/2006)
Những nhà văn viết cho thiếu nhi được giải thưởng  (11/01/2006)
Vội vàng (*) - trái cấm ái tình giữa vườn xuân trần thế  (10/01/2006)
Tạo sức sống mới cho tháp cổ Dương Long  (10/01/2006)
Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Chăm H’roi  (10/01/2006)
Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định có 2 tác phẩm đoạt huy chương bạc   (09/01/2006)
Tôi muốn giới thiệu rộng rãi về dòng gốm Gò Sành   (10/01/2006)
Tản mạn về đá gà   (08/01/2006)
Cần có Ban quản lý di tích cấp tỉnh  (08/01/2006)
Vòng cung mưa  (06/01/2006)
Hồn cổ nơi góc phố  (06/01/2006)
Xena - công chúa chiến binh  (06/01/2006)