Nhiếp ảnh thiếu phê bình: Ngựa hăng không có dây cương...
9:59', 16/1/ 2006 (GMT+7)

Ngày 14, 15-1-2006, lần đầu tiên một cuộc Hội thảo về lý luận phê bình nhiếp ảnh được tổ chức với hy vọng làm cho "chiếc roi" phê bình đủ cứng cáp để quất vào lưng chú ngựa nhiếp ảnh đang tự mãn chạy quẩn quanh.

 

Đề tài đồi cát nhàm chán trong sáng tác của các tay máy VN, các nhà phê bình có biết? Ảnh: Phong Nguyên

 

Có nhưng... hoạt động bí mật?

Các bài phê bình thường khen nhiều hơn chê, thiếu tính học thuật. Nghệ sĩ Lê Hải thẳng thắn: "Họ mòn trong cách nhận định, dễ dãi trong cách đánh giá, e ngại trong cách phê bình. Điều đó cũng dễ hiểu vì hầu hết các cây bút của thế hệ đầu tiên đã già trong cách nghĩ".

Cái yếu và thiếu của lý luận phê bình rất dễ nhận thấy qua các cuộc tranh luận về nhiếp ảnh trên các tạp chí chuyên ngành. Những cuộc tranh cãi đó thường không có hồi kết. Lẽ ra các nhà lý luận phê bình phải đứng ra dàn xếp thì họ lại "lặn" mất. Họ ngại đụng chạm, sợ mất lòng nhau.

Hơn 600 hội viên của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam hầu hết chỉ thích cầm máy sáng tác chứ không thích cầm bút viết phê bình. Cũng có một số người viết tài tử, thỉnh thoảng "tương" vài bài khen một chút, chê một chút trên báo ngành. Nhưng để gọi là nhà lý luận phê bình thì may lắm được vài vị. Mà lý luận thường chung chung, không có chính kiến, thiên về hiện tượng.

Hình như lâu nay chúng ta cứ ngỡ giải thưởng là một tiêu chí tối cao, cho nên chẳng mấy ai có được cái nhiệt tình phê bình để chỉ ra những vấn đề thực sự của nhiếp ảnh...

Nhiếp ảnh thiếu phê bình: Chạy nhanh nhưng chạy quẩn?

Trên thực tế, đánh giá chuyên môn của tất cả các cuộc thi ảnh hiện nay đều do chính ban tổ chức hoặc ban giám khảo cuộc thi đó đưa ra. Nghĩa là họ vừa thổi còi vừa đá bóng, chứ nhất quyết không chịu... nhường còi cho các nhà lý luận phê bình.

Nghệ sĩ Cao Phong: Các bài viết thường nặng về khen nhau, đôi khi đến mức sống sượng, thiếu tính trung thực làm nhiều người được khen có khi cũng phải đỏ mặt (!); hoặc ngại đụng chạm, không muốn mất lòng nhau theo kiểu "cho em xin được hai chữ bình yên.

Nhiếp ảnh Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng và gần như ai chụp ảnh cũng để dự thi. Nhưng nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến từng phát biểu: "Tôi thấy buồn là nhiều người hình như chỉ rình rập các cuộc thi, đi xem ảnh không để tìm nguyên nhân thành công hay thất bại mà để bắt chước".

Có bài viết từng đưa ra nhận định chuẩn xác: Nếu gọi Việt Nam là cường quốc nhiếp ảnh thì chỉ là cường quốc về số người chụp ảnh, số lượng vật tư ngành ảnh được tiêu thụ mà thôi!

Thiếu một nền phê bình hiện đại và thẳng thắn, nhiếp ảnh Việt Nam gần như dừng lại (một cách đầy tự hào) ở kiểu nhiếp ảnh thuần túy vì hình thức. Chưa kể đến việc cái đẹp trong các tác phẩm được coi là nghệ thuật này toàn là những đề tài đã mòn mắt người xem: đồi cát, chăn trâu, ruộng bậc thang, khói mây, nụ cười dân tộc, gương mặt người già v.v.. Chúng ta thiếu vắng nhiếp ảnh đỉnh cao và hình như vẫn chưa tỉnh mộng...

Trước đóng góp ít ỏi của phê bình nhiếp ảnh, hội thảo mới chỉ đưa ra những nguyên nhân chung chung cũng giống như... các bài phê bình: hụt hẫng về quản lý, thiếu cơ chế phát huy, không có chiến lược rõ ràng, hạn chế về kiến thức và thời gian v.v.. Hội thảo cũng chỉ mới gợi mở vài vấn đề thực sự nổi cộm của công tác lý luận phê bình hiện nay: thực trạng phê bình nhiếp ảnh, ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh với đời sống v.v..

Ông Chu Chí Thành, Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thừa nhận: "Hội thảo chỉ hy vọng từng bước làm sáng tỏ một vài quan điểm. Còn lại những điều chưa rõ sẽ được tiếp tục trao đổi trên báo chí, trong các công trình và hội thảo về sau". Như vậy, chúng ta đang bàn việc gia cố cho chiếc roi phê bình cứng cáp hơn, nhưng khi nào nó cứng thì cũng chưa ai biết !

. Theo Võ Tiến (VietNamNet)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đức Tuấn: Giọng ca trẻ hát nhạc xưa  (15/01/2006)
Tượng chó trên gốm Chăm  (13/01/2006)
Những khoảng cách còn lại  (13/01/2006)
Thơ Phạm Đương, Phạm Vân Hiền  (13/01/2006)
Ca sĩ Kiều Lệ: Hát dân ca bằng cả tâm hồn  (13/01/2006)
Tạp bút: Những chấm nhỏ  (12/01/2006)
Những nhà văn viết cho thiếu nhi được giải thưởng  (11/01/2006)
Vội vàng (*) - trái cấm ái tình giữa vườn xuân trần thế  (10/01/2006)
Tạo sức sống mới cho tháp cổ Dương Long  (10/01/2006)
Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Chăm H’roi  (10/01/2006)
Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định có 2 tác phẩm đoạt huy chương bạc   (09/01/2006)
Tôi muốn giới thiệu rộng rãi về dòng gốm Gò Sành   (10/01/2006)
Tản mạn về đá gà   (08/01/2006)
Cần có Ban quản lý di tích cấp tỉnh  (08/01/2006)
Vòng cung mưa  (06/01/2006)