Một năm, thời gian ấy chẳng có mấy ý nghĩa khi nói về sự tồn tại lâu dài của một tác phẩm văn chương nói riêng hay tạo phẩm nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, tưởng cũng cần thiết để nhìn lại một năm đời sống văn học, từ đó nhen lên trong ta chút hy vọng về một mùa xuân mới văn học nước nhà…
* Năm của sự kiện và hiện tượng
|
"Cánh đồng bất tận" (tập truyện) của Nguyễn Ngọc Tư, bán được 2.000 bản chỉ trong hai ngày đầu phát hành. |
Năm 2005 là năm sôi động của các giải thưởng văn học. Nào là giải thưởng tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, hàng loạt các giải thưởng của Nhà xuất bản Thanh Niên, của Lực lượng Công an Nhân dân, ngành Giáo dục, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, giải ASEAN và mới đây nhất là giải hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam...
Có hai giải thưởng đáng quan tâm nhất là giải thưởng tiểu thuyết 2002-2004 của Hội Nhà văn Việt Nam. Báo cáo của Hội Nhà văn xem đây là "cuộc tự vượt đáng trân trọng", nhưng báo chí lại cho rằng đây chỉ là sự "trao để mà quên". Bởi Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Dòng sông mía của Đào Thắng và Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn - 4 cuốn tiểu thuyết đoạt giải A trong cuộc thi này - đều chỉ vào dạng đọc được. Do cách chấm giải quá chú trọng đến hiệu quả xã hội, trong khi lại không coi trọng cách viết, nên hầu hết các tác phẩm đoạt giải chỉ mới đạt được về mặt truyện, chưa có tác phẩm thực sự đột phá trong cách viết. Yếu điểm lớn nhất của các tiểu thuyết này vẫn là sự vắng thiếu tư duy tiểu thuyết. Do vậy, các tác phẩm này mới dừng ở mức tả thực làng nhàng chứ chưa thể hiện được ý thức tự vấn của người cầm bút trước vận mệnh dân tộc. Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2005, trừ dịch phẩm Con nhân mã trong vườn, tác phẩm của Moacyr Sciliar do Trịnh Lữ dịch là đáng giá, còn lại khá bình thường.
Một sự kiện đáng lưu ý năm 2005 là Nhật ký Đặng Thùy Trâm và nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của Nguyễn Văn Thạc. Đi liền sau đó, là sự nở rộ, hồi sinh của thể loại nhật ký chiến tranh. Đây không chỉ là một hiện tượng của văn học mà đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp và có tác dụng rất tích cực với đời sống xã hội. Năm 2005, các tác giả người Việt ở nước ngoài cũng góp mặt vào sự sôi động của đời sống văn học trong nước. Thuận sau Chinatown tiếp tục với Paris 11 tháng 8 (tiểu thuyết), Lê Minh Hà tái xuất với Gió tự thời khuất mặt (tiểu thuyết), Nguyễn Danh Bằng cho ra mắt Phòng lạ (tập truyện ngắn)…
* Cho những mùa sau
Hy vọng đầu tiên là ở lứa những người viết trẻ. Tổng kết cuộc thi "Văn học tuổi hai mươi" với sự thành công về số lượng tác phẩm tham gia cũng như sự xuất hiện của những cây bút trẻ, hứa hẹn nhiều như Phan Việt, Hồng Hạnh, Dương Thụy... Những cây bút này đã đem lại cho chúng ta hy vọng về một thế hệ người cầm bút mới.
|
Nhà thơ Thanh Thảo (bìa phải) đang giao lưu với người yêu thơ tại CLB Văn học Xuân Diệu. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Cũng trong năm 2005, đã xuất hiện một cây bút, tuy không còn trẻ về tuổi đời nhưng lại trẻ về tuổi viết là Mạc Can với Tấm ván phóng dao. Tiếp đó, Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận cũng là một hiện tượng đáng mừng của văn học. Ở tập truyện này, Nguyễn Ngọc Tư vừa đi vào những vấn đề thế sự, vừa đề cập đến những vấn đề vĩnh cửu, với một mạch văn đậm chất Nam bộ, trong sáng, chân thật. Tuy nhiên, không ít truyện còn nhạt nhòa. Khải huyền muộn - tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Việt Hà sau Cơ hội của Chúa - cho thấy tác giả này vẫn miệt mài trên con đường văn chương. So với cuốn đầu tiên, cuốn tiểu thuyết này có bước chuyển về thi pháp nhưng vẫn thiếu một cái trục xuyên suốt toàn truyện.
Văn chương năm 2005 cũng bộc lộ sự thiếu vắng một cái nhìn tổng quan, rõ ràng về văn học cũng như sự lộn xộn về đánh giá. Bởi vậy, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu ồn ào, khen nhiều, chê lắm trong khi vốn dĩ giá trị của tập truyện này hoàn toàn không tương xứng với cái dư luận dành cho nó. Mật mã Da Vinci được đánh giá như một kỳ quan văn học thế giới trong khi cuốn này về thực chất chỉ là một dạng sách bán chạy (best seller) chứ không phải là một đỉnh cao văn học. Dẫu vậy, những hiện tượng này, cũng như sự xuất hiện của các "trường phái", "khuynh hướng" trong văn học cần phải được xem là chuyện bình thường trong đời sống văn học. Không nên quá vồ vập, ồn ào, cũng không nên dè bỉu. Hãy để cho độc giả tự phán xét và đào thải.
Văn chương năm 2005 tuy ồn ào nhưng cũng đã nhen lên trong ta những niềm hy vọng. Rằng người đọc đã không thờ ơ với văn học, rằng "không có gì có thể thay thế văn hóa đọc" như Guenter Grass từng viết.
|