Trước thềm xuân, ấy là mùa chạp mả, mùa "nhớ nguồn", mùa của sự tìm về với những gì thẳm sâu, là máu thịt, ruột rà, là quê hương, làng xóm… rộng hơn là tìm về với cội nguồn, với những tự tình dân tộc ẩn trong những phong tục đẹp mùa xuân.
|
Gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Đ.T.Đ
|
Chẳng thế mà một nhà giáo Lý Chánh Trung, trong những năm phong trào chống Mỹ đang lan rộng khắp miền Nam, đã bắt đầu bài nói chuyện của mình với sinh viên về hành trình Tìm về dân tộc bằng chính cái hình ảnh thân mật của những ngày cuối tháng Chạp âm lịch cho đến mùng một tháng Giêng, trên khắp các nẻo đường đất nước, dân Việt Nam lũ lượt dắt díu nhau về quê ăn tết mà đa số lại là những người nghèo đã phải làm lụng vất vả quanh năm. "Không có ai bắt buộc họ cả. Nhưng ăn tết mà không về quê thì không phải là ăn tết thực sự… Một năm chỉ có ba ngày tết để trở về với họ hàng, thôn xóm, mồ mả ông bà, bàn thờ tổ tiên, nghĩa là trở về nguồn cội. Không về quê thì ăn tết làm sao".
Hình ảnh những con người dắt díu nhau về quê chạp mả, ăn tết ấy làm ta nhớ đến hình ảnh những con cá hồi cứ đến mùa sinh nở là phải từ biển cả, vượt thác băng ngàn để trở về nguồn. Nhưng có điều là không có một bản năng nào, hay một định luật nào bắt buộc người Việt phải làm như vậy. Về quê chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó là sự trở về với nguồn cội, cũng là tìm lại sức sống trong sự hợp nhất với tiền nhân, gia đình, thôn xóm…
Bạn đã về quê chạp mả trước thềm xuân này? Về quê, ắt hẳn không còn chỉ mang cái ý nghĩa hạn hẹp của làng quê nơi mình sinh thành. Đó có thể là cái nơi đã nuôi dưỡng mình, nơi mình gắn bó và rộng hơn, là cả nước Việt mến yêu. Về quê, cũng không còn đơn thuần nằm trong cái nghĩa của động từ về đơn thuần, mà còn là tìm về với thẳm sâu cội nguồn, để cùng hòa nhịp với những trăn trở, thao thức và chia sẻ những nghĩ suy về tương lai quê hương, đất nước… Ở đó, thắp một nén tâm hương. Cúi đầu trước những hình bóng tiền nhân, ta như tự cảm, trong tâm hồn mình dòng mạch nguồn cội đang lên tiếng. Ở đó, mọi buồn vui, thăng trầm của đời người hãy chỉ còn như một giấc mơ, hư ảo. Ở đó, ta chắp thêm những niềm tin để cùng đồng vọng về một mùa xuân mới.
Ở vào điểm giao niên này, ai trong ta cũng đang tự cất nhắc tuổi mình bằng những kỷ niệm đã qua, và tự hồi hộp đón chờ những tín hiệu tươi sáng mà cuộc sống sẽ mang lại. Tự tâm hồn mỗi con người, bỗng như tan ra trong những nỗi nhớ thương về những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Chẳng phải ngẫu nhiên vậy thay, mà bất cứ người Bình Định nào đi xa, nhớ về những mùa xuân xưa, lại nhớ đến những phiên chợ tết: Gò Chàm, Đập Đá, Cảnh Hàng… rồi tiếng trống hát bội dập dồn ngoài sân đình, hay nhịp bài chòi cắc cụp. Nhớ nhất vẫn là những lễ hội mùa xuân: hội chợ Gò mùng một, vía Chùa Ông Bình Định vào ngày 12 tháng Giêng, rồi tổ nghề dệt Phương Danh 21 tháng Giêng. Nhớ nhất vẫn là hội Đống Đa mùng 5 Tết. Kỷ niệm như dòng phù sa, dưỡng nuôi nên cái gọi là truyền thống, bền bỉ và âm thầm chảy trong tâm hồn của mỗi một con người. Và rồi bừng thức dậy trong ta giữa những ngày chớm xuân, ngóng Tết.
Ngóng Tết, cũng là mong ngóng về những đêm thức canh bánh chưng, bánh tét và thổi lửa đến cay cả mắt. Nhớ đến ngày má giã cân nếp rang để chuẩn bị làm bánh in, dành sẵn mua chục trứng gà ta làm bánh thuẫn, hay cả nhà cùng ngồi lặt kiệu, chuẩn bị làm dưa món… Ôi những hương vị quê nhà, dân dã mà đượm nồng hương vị. Rồi một ngày phố thị, chợt quay quắt nhớ những cái tết đậm chất dân gian xưa.
|