Một tình thơ hiếm có
9:0', 23/1/ 2006 (GMT+7)

Trong "Bàn Thành tứ hữu" của nhóm thơ Bình Định thời trước Cách mạng tháng Tám, thì con phượng hoàng Chế Lan Viên thân với con kỳ lân Yến Lan hơn cả. Cũng bởi hai ông có nhiều thời gian gần gũi nhau, tính cách có nhiều nét tương đồng hơn.

Năm 17 tuổi, khi in xong tập thơ "Điêu tàn", Chế Lan Viên làm tập văn xuôi "Vàng sao" nhờ Yến Lan đọc hộ bản thảo. Trong một bài có mấy câu thơ đề từ mà tác giả chưa thấy hài lòng, muốn nhờ bạn chữa hộ: "Cành xoan thôi đỏ/ Cây thu rơi vàng/ Gió theo hướng gió/ Trên đường xuân sang".

Yến Lan đã chữa hai câu đầu: "Xoan ngưng suối đỏ/ Lầu cây bước vàng". Ý Yến Lan muốn mô tả mùa thu đi như gót chân thiếu nữ, lá vàng rơi hệt bước hài êm chầm chậm xuống lầu là những tầng cây. Thật là lãng mạn, bay bổng!

Chế Lan Viên đọc xong, reo lên: "Hay quá! Hay quá! Lâu nay tôi chưa đề tặng sáng tác cho ai. Nay phải đề tặng anh mới được".

Ở Hà Nội, một lần đang trò chuyện với nhau, bỗng Chế Lan Viên đọc mấy câu thơ:

Năm nay cũng có chuyến tàu đi

Đường cũ cong cong ngỏ ý gì

Chỉ thấy bàn tay người khớp ngựa

Ngừng rơi chậm xéo cánh hoa si

Và hỏi Yến Lan: "Ông có biết thơ của ai đấy không?", Yến Lan lắc đầu: "Chịu!". Chế Lan Viên cười: "Thơ của ông chứ của ai nữa. Không nhớ à?". Rồi ông đọc cả bài thơ cho Yến Lan nghe, còn nói rõ bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào. Quả thật Yến Lan đã không nhớ, không thuộc hết thơ mình.

Nhưng Chế Lan Viên thì lại thuộc khá nhiều thơ bạn. Chính ông đã chép lại theo trí nhớ những bài thơ hồi trẻ của Yến Lan gửi cho tuyển tập thơ "Bài thơ thôn Vỹ" của tạp chí Sông Hương, khiến Yến Lan bất ngờ, sung sướng gặp lại những "đứa con" hồi trẻ của mình mà bấy lâu quên mất.

Bài thơ "Từ biệt" Yến Lan gửi cho cha khi dạy học ở Thanh Hóa chưa từng in ở đâu và tác giả có lẽ cũng quên, nếu không được Chế Lan Viên trích dẫn một câu vào bài TỰA tuyển tập thơ của mình để gợi cho bạn: "Vườn lan ai ấy tưới thay con" và chính câu thơ ấy đã góp phần hình thành cái bút danh Chế Lan Viên của ông.

Năm 1989, khi Chế Lan Viên mất, bà Yến Lan gom góp được gần năm chục ngàn đồng đưa chồng vào TP Hồ Chí Minh viếng bạn, theo xe của Hội văn Nghệ tỉnh chở đi. Chờ đến trưa mới hay tin xe hỏng không đi được, Yến Lan kêu trời rồi lặng người, nước mắt tuôn rơi. Giá biết sớm xe hỏng thì ông ráng chịu cực đón xe đò đi cũng xong.

Rồi ông viết bài thơ "Chẳng lẽ" để truy điệu bạn, đoạn kết có những câu:

Chẳng lẽ không còn một bận hơn

Về "Thăm nhà cũ ở An Nhơn"

Dẫu lòng vẫn loáng trăng Bình Định

Mỗi lúc mờ trăng Tân Thái Sơn.

Thật là một tình bạn, tình thơ hiếm có.

  • Nguyễn Văn Chương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
BTV Tết này có gì hay  (22/01/2006)
Tác giả Đào Tiến Đạt đoạt thêm nhiều giải thưởng ảnh quốc tế  (20/01/2006)
Ngóng xuân  (19/01/2006)
Nhà hát tuồng Đào Tấn: Ra quân phục vụ xuân Bính Tuất  (19/01/2006)
Chuyện lạ Việt Nam năm 2006 sẽ rất... lạ   (18/01/2006)
Công chiếu Đẻ mướn trong dịp Tết Bính Tuất  (17/01/2006)
Tượng Quang Trung sẽ hoàn thành trước lễ kỷ niệm 217 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (17/01/2006)
Vẻ đẹp đích thực của cái tôi trữ tình trong "Tống biệt hành" (*)  (17/01/2006)
Văn học Việt Nam - Một năm nhìn lại  (17/01/2006)
Nhiếp ảnh thiếu phê bình: Ngựa hăng không có dây cương...  (16/01/2006)
Đức Tuấn: Giọng ca trẻ hát nhạc xưa  (15/01/2006)
Tượng chó trên gốm Chăm  (13/01/2006)
Những khoảng cách còn lại  (13/01/2006)
Thơ Phạm Đương, Phạm Vân Hiền  (13/01/2006)
Ca sĩ Kiều Lệ: Hát dân ca bằng cả tâm hồn  (13/01/2006)