Mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc và cũng là lúc con người tận hưởng những ngày tết để nghỉ ngơi, vui chơi, tìm về nguồn cội. Đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn ngày xuân, trong dịp Tết Bính Tuất này hàng loạt hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức...
|
Các diễn viên Nhà hát Tuồng Đào Tấn đang tập luyện tiết mục Múa cung đình.
|
Mở màn cho các hoạt động văn hóa trong dịp tết chính là chương trình Dạ hội giao thừa đón xuân Bính Tuất - 2006 với chủ đề "Hát cùng mùa xuân", sẽ được tổ chức vào ngày 28-1 tại sân khấu lộ thiên tại bãi cỏ trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn (đối diện Sở KHCN). So với mọi năm, chương trình văn nghệ - thể thao năm nay sẽ được tổ chức tưng bừng, hoành tráng hơn với các tiết mục múa lân, biểu diễn võ thuật, hát, múa sôi động và hấp dẫn. Đặc biệt, khán giả phố biển Quy Nhơn sẽ được thưởng thức màn múa cung đình do NSƯT La Cẩm Vân - Trưởng đoàn nghệ thuật truyền thống Huế - dàn dựng cho các diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn.
Chuẩn bị cho đêm văn nghệ, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Quy Nhơn đã đặt mua tận Sài Gòn một dàn lân mới để các võ sĩ biểu diễn trong tiết mục khai mạc. Ngoài ra, thay cho màn bắn pháo hoa, 100 đèn lồng Hội An (loại đèn trời) sẽ được thả lên trên bầu trời thành phố trong thời khắc giao thừa.
Các hoạt động văn hóa - thông tin mừng Đảng, mừng xuân khác cũng sẽ được tổ chức liên tục từ mùng 1 Tết đến mùng 10 tháng Giêng. Tại Hội trường Quang Trung (Quy Nhơn) sẽ diễn ra giải đấu cờ tướng truyền thống hằng năm (mùng 2 và mùng 3 tết), chương trình biểu diễn tuồng của các đoàn nghệ thuật không chuyên (từ mùng 1 đến mùng 3 tết), thi múa lân (tối mùng 4 tết), chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng 76 năm thành lập Đảng CSVN (tối mùng 6 tết)...
Trong các chương trình văn nghệ diễn ra trong dịp tết, đáng chú ý nhất là chương trình "Đêm hội tháp Đôi" tổ chức vào tối mùng 2 tết ngay tại di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn). Đến với "Đêm hội tháp Đôi", ngoài việc được nghe cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giới thiệu về lịch sử tháp Đôi, khán giả sẽ chìm đắm trong một không gian văn hóa Chăm với các tiết mục múa Chăm cung đình, Chăm dân gian đặc sắc.
Góp phần làm rộn ràng thêm không khí vui xuân đó chính là các lễ hội truyền thống được tổ chức khắp các huyện trong tỉnh. Tại thị trấn Tuy Phước, Lễ hội Chợ Gò sẽ được bắt đầu từ sáng mùng 1 tết, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, hội thi đua thuyền và đua sõng câu truyền thống dược tổ chức tại sông Gò Bồi, sông Hà Thanh (từ mùng 2 - 4 tết).
Tại thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), bên cạnh những hoạt động thường có trong Lễ hội Đống Đa, du khách gần xa còn có dịp chứng kiến những trận thư hùng quyết liệt của Võ đài liên tỉnh (vào 2 ngày mùng 4 và 5 tết) với sự tham gia của hơn 10 võ đường nổi tiếng. Cùng thời gian với Lễ hội Đống Đa, Lễ hội kỷ niệm 41 năm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu được tổ chức tại di tích Đèo Nhông (Phù Mỹ) sẽ có các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian... Lễ hội kỉ niệm 41 năm chiến thắng Đồi 10 cũng được tổ chức vào ngày mùng 5 tết, tại di tích Đồi 10 Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) với các hoạt động văn nghệ và giải việt dã "Vượt Đồi 10".
Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong những ngày xuân, ngay từ ngày 23-1, 13 đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống không chuyên đã lên đường đi biểu diễn phục vụ nhân dân các vùng trong tỉnh. Từ 30-1 (mùng 2 tết) đến 17-2, Nhà hát Tuồng Đào Tấn cũng sẽ ra quân đi diễn phục vụ nhân dân các địa phương: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn. Đoàn Ca kịch Bài chòi trong thời gian từ 31-1 (mùng 3 tết) đến 21-2, sẽ diễn phục vụ tại: Vân Canh, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão. Công ty Điện ảnh - Băng hình Bình Định tổ chức tuần phim tết (từ 29-1 đến 4-2) tại các rạp và các điểm chiếu phim công cộng trong phạm vi toàn tỉnh, với 14 đơn vị chiếu bóng tham gia phổ biến 12 bộ phim các loại.
Múa cung đình xuất hiện và phát triển mạnh vào thời nhà Nguyễn (vua Tự Đức), tương truyền là do Đào Duy Từ đem từ ngoài Bắc vào Huế phục vụ cho tầng lớp vua quan xem trong những ngày đại lễ. Đây là điệu múa tập thể (từ 8 người trở lên) với các động tác múa đèn ở vai và đầu, múa cung đình được rút ra từ các động tác tuồng nên người múa phải đảm bảo 4 yêu cầu: hát, múa, nhịp, diễn. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang đã từng nhận xét: "Phải chăng múa cung đình là cơ sở cho kịch hát phát triển". Riêng tiết mục múa cung đình do các diễn viên và nhạc công Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn trong đêm giao thừa sẽ gồm 3 bài: bài đầu và bài cuối là bài Chúc Tạ mang ý nghĩa chúc thọ hay chúc mừng năm mới, bài múa cung đình ở giữa kể về câu chuyện của thầy trò Đường tăng trên đường đi thỉnh kinh. | |