Bình Định tự hào là cái nôi sinh ra hai loại hình nghệ thuật truyền thống: Tuồng và bài chòi. Đã từng có một thời gian rất dài, các loại hình nghệ thuật này "làm mưa làm gió" trên sân khấu biểu diễn, tạo thành một trào lưu hâm mộ cực kỳ mạnh mẽ. Thời vàng son không còn, để tồn tại, nghệ thuật truyền thống buộc phải chuyển mình tìm một hướng đi mới…
|
Một vở diễn của một đoàn tuồng không chuyên.
|
Đã có nhiều người đặt ra câu hỏi, nghệ thuật truyền thống liệu còn tồn tại được bao lâu nữa khi nó ngày càng xa lạ với nhu cầu thưởng thức của giới trẻ.
* Hướng đi chuyên nghiệp
Mỗi năm ngoài 100 suất diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà hát tuồng Đào Tấn còn thường xuyên biểu diễn nghệ thuật Tuồng trên truyền hình, minh họa diễn giải Tuồng ở các huyện và trường học. Đặc biệt, với việc nhiều lần được mời đi lưu diễn ở nước ngoài, Nhà hát đã góp phần rất lớn trong giới thiệu loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định với đông đảo người xem trên thế giới. Tương tự, mỗi năm Đoàn ca Kịch Bài chòi Bình Định thực hiện chỉ tiêu là 120 đêm diễn, trong đó có 30 đêm diễn phục vụ người dân vùng sâu vùng xa. Ngoài việc biểu diễn, hai đơn vị nghệ thuật còn liên kết với Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh để đào tạo lớp diễn viên kế cận. Tính cho đến nay, sự liên kết này đã đào tạo khoảng 60 diễn viên, nhạc công cho nghệ thuật Tuồng, trong đó, nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ trụ cột Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Còn đối với ca kịch bài chòi, hầu như tất cả các diễn viên hiện tại của đoàn đều xuất thân từ Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật.
Để có được những "quả ngọt cho mùa sau" cho nghệ thuật truyền thống, các thầy cô của trường đã không quản ngại khó khăn lặn lội vào tận các vùng sâu vùng xa để tuyển học viên. Nghệ sĩ Kim Cúc, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định, cho biết: "Một số gia đình không muốn cho con mình hoạt động nghệ thuật tuồng nên chúng tôi phải luôn cố gắng làm công tác tư tưởng, động viên để họ cho con em mình theo học". Mặc dù chương trình học nặng và sau khi ra trường số người trụ lại được ở các đoàn chuyên nghiệp rất ít, nhưng nghệ thuật truyền thống vẫn thu hút được nhiều học viên.
|
Học sinh lớp trung cấp Dân ca khóa 5 trong vở "Hương thầm" - Bài thi tốt nghiệp năm 2005.
|
Anh Mai Ngọc Nhân, học viên lớp diễn viên Tuồng K4, tâm sự: "Càng học tôi càng cảm thấy cuốn hút bởi những cái hay của nghệ thuật Tuồng. Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ ít người đam mê là do không hiểu được lời hát và cách trình diễn của loại hình nghệ thuật truyền thống này. Bản thân tôi luôn tin vào sự phát triển bền vững của Tuồng và quyết tâm theo nghề dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn…".
* Những đoàn tuồng không chuyên
Hiện nay, ở tỉnh Bình Định có đến 13 đoàn nghệ thuật truyền thống không chuyên được Sở VHTT tỉnh cấp giấy phép hoạt động biểu diễn. Cứ tính trung bình mỗi đoàn có khoảng 15 - 20 diễn viên, nhạc công thì có thể thấy được đội ngũ hoạt động không chuyên là rất hùng hậu. Không có nhiều điều kiện để đầu tư cho chương trình biểu diễn như các đơn vị chuyên nghiệp, nhưng bù lại, điểm mạnh của các đoàn không chuyên chính là khả năng thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng nhân dân. Đoàn sân khấu truyền thống (Câu lạc bộ Bài chòi cổ dân gian Bình Định) với gần 20 nghệ nhân tuổi đời từ 40 đến trên 70 tuổi, thường xuyên được mời đi diễn quanh năm ở các địa bàn trong và ngoài tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai…
NSƯT Phan Ngạn, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: "Chúng tôi có thể biểu diễn ở bất cứ nơi nào mà dân yêu cầu, có lúc là ngay cả ở ngã ba đường. Có nhiều xã người dân hâm mộ quá, chúng tôi phải diễn hết thôn này đến thôn khác ròng rã cả một tháng trời thế mà vẫn còn được yêu cầu hát tiếp…".
Có rất nhiều diễn viên của các đoàn không chuyên là những người nông dân chân lấm tay bùn, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn gắn bó với nghệ thuật truyền thống bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Đó là diễn viên Kim Chung (đoàn tuồng Phước An) mang bầu 6 tháng vẫn trình diễn trên sân khấu; nghệ nhân Lệ Siềng (An Nhơn) đam mê hát bội đến mức cả ngày quần quật làm ruộng, tối về lại lóc cóc đạp xe mấy chục cây số để đi diễn; nghệ nhân bài chòi Chí Hiếu (Hoài Nhơn) với kiểu "khuyến mãi văn hóa" có một không hai, trong mỗi hộp Rường câu mực ông bán cho khách đều có kèm theo một câu bài chòi ngắn do ông sáng tác để ngư dân có thể hô bài chòi cho nhau nghe trên biển cả…
Trước thực trạng giới trẻ ngày càng quay lưng với nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ không chuyên đã rất có ý thức giữ gìn nghiệp tổ bằng cách đào tạo nghề theo kiểu "cha truyền con nối". Tại Liên hoan sân khấu truyền thống không chuyên tỉnh Bình Định lần thứ VI-2005 vừa qua, có gần 10 diễn viên nhỏ tuổi là con em của các đào, kép chính của các đoàn.
* Thay cho lời kết
Thực tế cho thấy, nghệ thuật truyền thống vẫn có cơ sở để tồn tại vững chắc theo hai hướng: nghệ thuật hàn lâm theo con đường chuyên nghiệp và nghệ thuật phổ thông theo con đường không chuyên. Nghệ thuật truyền thống đã, đang và sẽ tồn tại theo nhiều kiểu khác nhau để theo kịp sự phát triển của cuộc sống hiện đại như mạch nguồn vẫn tuôn chảy không ngừng trong đời sống xã hội.
|