Món quà đầu xuân của nhân loại
10:20', 28/1/ 2006 (GMT+7)

Hằng mấy nghìn năm, nhân loại đã dày công khám phá tự nhiên, trải nghiệm, sáng tạo, tu chỉnh và đổi mới không ngừng mới có món quà đầu xuân vô giá ban tặng con người khi mai, đào nẩy lộc đơm nụ. Đó là lịch.

Lịch là hệ thống đếm các khoảng thời gian như: ngày giờ, tuần lễ, tháng, mùa, năm, thế kỷ… theo một quy tắc nhất định, dựa vào chu kỳ trong tự nhiên, đặc biệt là chuyển động biểu kiến của mặt trời, mặt trăng trên bầu trời sao mà ta quan sát được từ trái đất.

Khai hội xuân - ảnh Đào Tiến Đạt

Lịch ra đời là do nhu cầu của đời sống, trước hết là sản xuất. Từ thời cổ, chăn nuôi và trồng trọt đã đặt ra những nhu cầu đầu tiên phải có lịch. Vì con người cần biết trước sự thay đổi của mùa, mưa, gió, nóng, lạnh, hạn hán, lụt lội, con nước thủy triều, trăng sáng, trăng tối…

Về sau, các nhà thiên văn dựa vào ba đơn vị quan trọng nhất để làm lịch là: ngày mặt trời, tuần trăng, năm mặt trời. Lịch sử cho biết âm lịch ra đời trước, khi con người biết chăn nuôi; dương lịch ra đời sau, khi con người biết trồng trọt. Từ đấy, lịch phát triển theo ba hướng: một số nước vẫn duy trì âm lịch, nhiều nước dùng dương lịch và các nước có nền nông nghiệp lúa nước lại cải biên âm lịch thành âm - dương lịch.

Trên đường dài hình thành và phát triển, lịch đã biến đổi qua nhiều thời kỳ.

Thời tiền sử, khi con người chưa có chữ viết nhưng muốn tính ngày tháng họ phải dùng những phương pháp rất đơn sơ: thắt nút trên sợi dây hoặc khắc vạch trên thanh gỗ. Đây là loại lịch cổ xưa nhất của loài người. Lịch nút dây còn để lại dấu tích lâu dài trong đời sống nhân loại. Ngày nay, một số bộ tộc lạc hậu ở đông châu Phi và châu Đại Dương còn dùng lịch này.

Sang thời chính sử, khi các dân tộc đã sáng tạo ra chữ viết thì nhiều bộ lịch đã ra đời từ thời cổ.

Về dương lịch (lịch mặt trời)

Khoảng ba, bốn ngàn năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã quan sát sao Thiên Lang (Sirius) và ngày nước sông Nin dâng lên mà phát hiện ra độ dài của năm Mặt Trời mà đặt ra lịch một năm có 360 ngày chia làm 12 tháng.

Tới thế kỷ thứ VII trước Công nguyên người La Mã đã tìm ra độ dài của năm Mặt Trời là 365, 25 ngày. Hai vị hoàng đế Julius César và Auguste đã có công cải cách lịch cho chính xác hơn nên người ta lấy tên hai vị đặt cho tháng 7 là Julius, tháng 8 là Auguste mà ngày nay ta còn thấy trên lịch là tháng sinh của hai vị hoàng đế đó. Và cũng để thêm phần kính trọng người ta quy định hai tháng đó đều có 31 ngày.

Từ năm 1324, các nhà bác học phát hiện ra chu kỳ 365,25 ngày là không chính các, nên một cuộc đấu tranh cải cách lịch diễn ra kéo dài trên hai thế kỷ rưỡi. Mãi tới năm 1582, giáo hoàng Gregorius mới thành lập Hội đồng lịch pháp để tiến hành sửa đổi, chỉnh lại những sai lệch đã tích lũy nhiều năm. Đó là lịch Gregorius lấy năm trung bình là 365,2425 ngày. Ngay sau khi lịch Gregorius ra đời, nhiều nước trên thế giới từ Âu sang Á đã chấp nhận. Các nước dùng muộn hơn là Trung Quốc năm 1911, Liên Xô năm 1918, Ai Cập năm 1928. Ở nước ta, cuối thế kỷ XIX dưới thời Pháp thuộc đã dùng lịch này. Tới ngày 8-8-1967, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 121/CP chính thức dùng lịch Gregorius làm công lịch.

Ngày nay, hầu như các nước trên thế giới đều dùng lịch Gregorius. Tuy vậy, lịch này vẫn có một số nhược điểm mà các nhà khoa học còn phải tiếp tục tìm cách sửa đổi cho ngày càng chính xác và hợp lý hơn.

Về âm lịch (lịch mặt trăng)

Âm lịch chọn tháng có số nguyên ngày để xấp xỉ tuần trăng là 29,530588 ngày. Tháng thiếu có 29 ngày, tháng đủ có 30 ngày. Năm thường có 354 ngày, năm nhuận có 355 ngày. Nếu tính thật chính xác theo âm lịch thì nhật thực bao giờ cũng xảy ra vào ngày mồng một (sóc) - ngày trăng non, nguyệt thực xảy ra vào ngày rằm (vọng) - trăng tròn.

Khoảng 5000 năm trước Công nguyên, vì phải canh giữ đoàn gia súc trên thảo nguyên về đêm, người Ba-bi-lon thuộc lưu vực sông Ti-grơ và Ơ-phrát đã biết rõ tuần trăng nên làm ra âm lịch. Một năm có 12 tháng, cứ một tháng đủ lại có một tháng thiếu.

Âm lịch Do Thái cũng chia năm thành 12 tháng nhưng có khi ba tháng đủ, ba tháng thiếu liên tiếp.

Âm lịch May-a cổ cũng cho tháng có 29 hay 30 ngày nhưng đặc biệt tính từ 0 đến 28 hay 29.

Âm lịch Mu-xu-man của các nước theo đạo Hồi ở Trung Đông và Indonesia theo chu kỳ cứ 8 năm có 3 năm nhuận hay 30 năm có 11 năm nhuận, tháng lẻ là tháng đủ, tháng chẵn là tháng thiếu. Năm 622 công lịch được coi là kỷ nguyên của lịch Mu-xu-man (năm bắt đầu lịch Hồi giáo).

Về âm - dương lịch (kết hợp lịch Mặt trăng với lịch Mặt trời)

Năm âm lịch so với năm mặt trời thường hụt mất từ 10 đến 12 ngày nên không phản ảnh thật đúng thời tiết và các mùa. Để khắc phục nhược điểm này, người ta làm âm - dương lịch, lấy âm lịch làm cốt lõi rồi bổ sung thêm các yếu tố dương lịch. Họ đặt ra chu kỳ cho năm nhuận. Năm thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng. Các năm dài ngắn khác nhau nên âm - dương lịch phản ánh thời tiết không chính xác.

Âm - dương lịch Ai Cập cổ được cải cách từ âm lịch Ba-bi-lon ra đời vào thế kỷ XVII trước Công nguyên. Buổi đầu họ đặt ra tháng nhuận về sau mới đặt ra chu kỳ cho năm nhuận. Tiếp đến âm - dương lịch Hy Lạp cổ ra đời từ thế kỷ X trước Công nguyên và âm - dương lịch Do Thái được dùng từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên.

Ảnh hưởng nhiều đến lịch Việt Nam là âm - dương lịch Trung Quốc ra đời ba ngàn năm trước đây. Thời Tần, đã có lịch Xuyên Húc. Từ đó họ cải tiến không ngừng. Năm 206, Lưu Hồng soạn lịch Can Tượng đã chú ý đến chuyển động không đều của mặt trăng trên bạch đạo nhờ phép nội suy tuyến tính. Năm 604, Lưu Chước soạn lịch Hoàng Cực lại chú ý đến cả chuyển động không đều của trái đất đã dùng phép nội suy bậc 2 chính xác hơn. Năm 1281, Quách Thủ Kính làm lịch Thu Thời đã dùng phép nội suy bậc 3, đến năm 1368 đổi lịch này ra lịch Đại Thống. Cuối cùng là năm 1664, giáo sĩ Thang Nhược Vọng (Adam Schall) đã vận dụng lượng giác cầu soạn ra lịch Thời Hiến viết cuốn Vạn Niên Thư. Phép làm lịch này được vua Khang Hy sai lịch quan Trung Quốc và Phương Tây hợp tác viết Lịch Tượng Khảo Thành.

Ngoài ba loại lịch trên đây, còn có hai loại lịch khác không phải là âm lịch, cũng không phải là dương lịch. Đó là lịch Tuần Lễ và lịch Can Chi.

Lịch Tuần Lễ có chu kỳ cố định là 7 ngày gần bằng ¼ của tuần trăng. Nó được bố trí xen kẽ giữa ngày lao động và ngày nghỉ ngơi. Lịch này xuất hiện 3000 năm trước đây ở vùng Ba-bi-lon, sau lan truyền dần trên toàn cầu và trở thành phổ cập.

Lịch Can Chi rất thông dụng ở Đông Nam Á. Nó được dùng để ghi giờ, ngày, tháng, năm theo một chu kỳ chặt chẽ là 60 (cùng với hai chu kỳ nhỏ hơn là ước số của 60, đó là 10 và 12) được gọi là hệ đếm can chi. Lịch Can Chi đã được các nhà làm lịch nước ta thể hiện rõ hàng ngày trên lốc lịch treo tường của mỗi gia đình. Lịch này có quan hệ khăng khít với chu kỳ sinh học của con người nên được chú trọng nghiên cứu trong y học cổ truyền của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Lịch Việt Nam

Âm - dương lịch là sản phẩm lâu đời của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Truyền thuyết để lại trong sử sách Trung Hoa và Việt Nam cho biết: trên 2000 năm trước Công nguyên, vào thời Đào Đường, Việt Thường Thị đã có chữ viết và lịch rùa.

Tới thời chính sử, Lưu Uyên đời Hán cho biết: trên 1000 năm trước Công nguyên, người Việt đã dùng lịch riêng. Đến cuối thế kỷ thứ 19, người Mường ở Bất Bạt, Mỹ Lương còn bảo tồn được lịch cổ này. Hằng năm họ lấy tháng 11 làm đầu năm, hằng tháng lấy ngày mồng hai làm đầu tháng. Các nhà khoa học khẳng định: vào thời dựng nước, dân tộc ta đã am hiểu thiên văn để làm ra âm - dương lịch riêng của mình.

Song việc nghiên cứu lịch nước ta gặp nhiều khó khăn. Phần vì hơn 1000 năm Bắc thuộc và trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc với chính sách đồng hóa, hủy diệt nên các thư tịch, sản phẩm văn hóa của dân tộc bị hủy hoại, mất mát quá nhiều. Phần vì dưới thời phong kiến việc làm lịch là theo lệnh của nhà vua, người làm lịch không được nhắc đến tên họ mình. Cho nên đến nay ta chỉ còn biết mấy người làm lịch và tinh thông lịch pháp như:

Đăng Lộ đời Trần Hiến Tông đã đổi lịch Thu Thời của các đời trước thành lịch Hiệp Kỷ (1939). Trần Nguyên Đán làm sách lịch Bách Thế Thông Kỷ không may sách này đã bị giặc Minh thiêu hủy. Nguyễn Hữu Thận đi sứ nhà Thanh (1808-1810) đã học cách làm lịch của nhà Thanh trong Lịch Tượng Khảo Thành. Nguyễn Huy Hổ được vưa Minh Mệnh ban chức Linh Đài Lang vì đã chỉ trích đúng sự tính sai của tòa Khâm Thiên Giám.

Việc xem thiên văn và làm lịch thời phong kiến đều có cơ quan riêng. Thời Lý có lầu Chính Dương, thời Trần có Thái Sử Cục, thời Lê có Thái Sử Viện, thời Lê Mạt có Tư Thiên Giám, thời Nguyễn có Khâm Thiên Giám, ngày nay ta có Nha Khí Tượng. Theo Phan Huy Chú, việc làm lịch và công bố lịch hàng năm được các triều đại phong kiến tổ chức quy mô, trọng thể, nhất là lễ tiễn lịch lên vua.

Sang thời hiện đại, sau một thời gian dài tìm hiểu lịch và lịch Việt Nam, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã cho xuất bản cuốn sách "Lịch và lịch Việt Nam" ở Pa-ri năm 1982 để công bố kết quả nghiên cứu của mình. Qua cuốn sách này, ông trình bày sự giống nhau và khác nhau của lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc qua từng thời kỳ lịch sử, làm cho thấy rõ dân tộc ta đã không ngừng khám phá, sáng tạo, giao lưu văn hóa với các dân tộc trong vùng để xây dựng lịch riêng cho mình.

Ngày nay, thực hiện Quyết định 121/CP của Hội đồng Chính phủ, hằng năm những người làm lịch nước ta đã soạn âm - dương lịch theo múi 7 - múi giờ hầu hết giải đất liền của ta nằm trên đó. Còn Trung Quốc cũng soạn âm - dương lịch nhưng theo múi giờ 8 đi qua Bắc Kinh nên lịch hai nước khác nhau, vì khác múi giờ.

Lịch - món quà đầu xuân mà dân tộc và nhân loại tặng chúng ta là sản phẩm văn hóa tinh thần vô giá của loài người. Tặng nhau cuốn lịch đầu xuân là mang tới tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại đến với mỗi nhà.

  • Nguyễn Xuân Nhân

(Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch cổ Ai Cập. VK và LM

2. Lịch cổ La Mã. Lưu Mai

3. Lịch cổ Ba Tư. Việt Kim

4. Lịch thế giới và lịch Việt Nam. Lê Thành Lân

5. Lịch và lịch Việt Nam. Hoàng Xuân Hãn 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tưng bừng dạ hội Tháp Đôi   (28/01/2006)
Thách đối - ai đối được không ?  (27/01/2006)
Gặp nhau cuối năm - ''bữa tiệc'' thịnh soạn đêm giao thừa  (27/01/2006)
Nghệ thuật truyền thống: Mạch nguồn vẫn tuôn chảy  (26/01/2006)
Tạp bút: Phía sau những cuốn sách  (26/01/2006)
Tạp bút: Báo Tết  (25/01/2006)
Triển lãm Báo Xuân Bính Tuất  (25/01/2006)
Bảo tàng Quang Trung: Rước Ngài về vui xuân  (25/01/2006)
Nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Bính Tuất  (24/01/2006)
Băng nhân trong Thơ duyên (*)  (24/01/2006)
Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao  (24/01/2006)
Rộn ràng lễ hội ngày xuân  (24/01/2006)
Một tình thơ hiếm có  (23/01/2006)
BTV Tết này có gì hay  (22/01/2006)
Tác giả Đào Tiến Đạt đoạt thêm nhiều giải thưởng ảnh quốc tế  (20/01/2006)