Thiết chế văn hóa thông tin (VHTT) cơ sở là bộ máy và các cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động VHTT cơ sở, cùng với các cơ chế vận hành và các quy định đảm bảo cho các thiết chế đó tồn tại và phát triển. Trong thực tế, hiện nay bên các thiết chế VH truyền thống, còn có các thiết chế VH mới như: nhà VH, thư viện, phòng truyền thống, bưu điện VH xã, trạm truyền thanh, trung tâm học tập cộng đồng, khu sinh hoạt VH thể thao…
|
Liên hoan làng, khu phố văn hóa huyện Phù Cát năm 2006. Ảnh: Thục Quyên
|
Ở Bình Định, theo số liệu thống kê cuối năm 2005, toàn tỉnh có 157 xã, thì trong đó, 67 xã đã có nhà VH hoặc hội trường đa năng; 150 xã có đài truyền thanh; 101 xã có khu sinh hoạt VH thể thao; 126 bưu điện VH xã, 92 đội văn nghệ quần chúng; 76 câu lạc bộ VH thể thao, 49 thư viện, phòng đọc sách; 20 tổ đội thông tin lưu động, 7 nhà truyền thống… 90% làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhà rông, nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Nhìn chung, hệ thống thiết chế VHTT cơ sở hiện có này đã phát huy chức năng cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đây là nơi sinh hoạt, học tập, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước với cộng đồng dân cư ở cơ sở. Thiết chế VHTT cơ sở cũng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH”, xây dựng gia đình VH; xây dựng làng, khu phố VH và nâng cao mức hưởng thụ VH cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thiết chế VHTT cơ sở vẫn còn thiếu. Ngay như một số khu vực đồng bằng và đô thị của tỉnh Bình Định hiện nay, số điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt VH, thể thao vẫn còn ít. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác VHTT ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu. Phần lớn đội ngũ này lại chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, lại thường xuyên bị thay đổi. Ngoài ra, với những thiết chế VH đã xây dựng, thì vấn đề đặt ra là hiệu quả quản lý sử dụng vẫn còn kém.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 271 về “Quy hoạch, phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở đến năm 2010”. Mục tiêu đặt ra của quy hoạch là đến năm 2010, 70% số làng, thôn, ấp, bản, buôn và 80% số xã, phường, thị trấn có thiết chế VHTT cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện Quyết định 271 có hiệu quả, chúng ta cần phải có những bước đi thích hợp. Trong đó, trước hết, cần quán triệt trong các cấp lãnh đạo nhận thức đầy đủ về ý nghĩa tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng phát triển hệ thống thiết chế VHTT ở cơ sở, để chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai. Các thiết chế VH phải được xây dựng ở trung tâm xã, thôn, bản và đảm bảo diện tích theo quy định. Một vấn đề quan trọng khác là phải chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ để quản lý và phát huy hiệu quả các thiết chế đã được xây dựng.
Tuy nhiên, có một thực tế là: để xây dựng thiết chế VHTT cơ sở đạt mục tiêu trên, đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư khá lớn. Với điều kiện hiện nay, việc triển khai đầu tư xây dựng một lúc các thiết chế VHTT ở cơ sở như vậy là không dễ dàng. Hơn nữa, mô hình và quy mô xây dựng, địa điểm xây dựng các thiết chế văn hóa phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và không gian sinh hoạt văn hóa của mỗi cộng đồng. Chẳng hạn, ở các huyện miền núi, để đi từ làng này tới làng khác mất cả ngày, nên không thể thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn hóa tại các trung tâm xã. Do vậy, với vùng này, trước mắt, nên tập trung xây dựng thiết chế VH làng với mô hình nhà rông, nhà dài, nhà sinh hoạt VH cộng đồng. Ngược lại, ở vùng nông thôn đồng bằng và đô thị, mật độ dân cư đông, đi lại thuận lợi, thì xây dựng thiết chế văn hóa tại các xã, phường là phù hợp hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở khu vực này, nhất là vùng đô thị, là thiếu quỹ đất để xây dựng các thiết chế VHTT cơ sở. Do vậy, với những xã, phường đã xây dựng được hội trường khang trang từ 300 đến 400 chỗ ngồi và cách biệt với cơ quan làm việc của xã, thì có thể sử dụng hội trường làm nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng dân cư. Và như vậy, chúng ta chỉ cần xây dựng thêm một số phòng chức năng nữa thì coi như đã có một thiết chế VHTT cơ sở hoàn chỉnh.
|