* Tạp bút của Ánh Phượng
Công việc của tôi cho phép tôi đọc báo hàng ngày. Chỉ là báo điện tử thôi. Các trang web, các chương trình phát thanh, truyền hình….là món ngon mỗi ngày của tôi. Như là một phản xạ tự nhiên, mỗi khi đọc (nghe) đến hai chữ Bình Định là tôi dừng lại đọc kỹ. Chăm chú. Chi ly. Tin nhà mà.
1.
Mặc dù ở xa quê nhưng tôi tự hào là hầu như không có chuyện nào đáng bàn tán ở quê nhà mà mình không biết. Chuyện buồn cũng như chuyện vui... Báo tỉnh nhà có trên mạng lại cập nhật tin tức liên tục rất tiện cho người xa quê nghe ngóng tin tức, báo trung ương cũng nhắc đến Bình Định thường xuyên. Có báo điện tử, quê hương bỗng nhiên bớt xa cách hẳn.
Thời buổi “bùng nổ thông tin”, nhiều khi quy trình tiếp nhận thông tin của người ta bị đảo ngược: tôi thường gọi điện về nhà hỏi thăm, trò chuyện với người thân xem “báo nói thế” có chuẩn không. Nhiều khi người nhà cũng à ờ “thế hả, thế à, sao ở đây mà chưa biết vậy ta?”…
Khi người ta đi xa thì những mối dây tình cảm dường như cũng tìm cách vươn dài để níu kéo, ràng buộc nhiều hơn. Nếu còn ở Quy Nhơn tôi chỉ yêu đến cái ngõ nhỏ, tự hào về bụi bông giấy trước nhà hay ngôi chùa đầu phố… nhưng khi đi xa thì tất cả những gì có liên quan đến “từ khoá” Bình Định đều gắn bó mật thiết với tôi. Có những huyện, những xã mà tôi không có người quen nào ở đó, thậm chí còn chưa đặt chân đến, thế mà ở nơi xa đọc một dòng tin, xem một tấm hình về nơi ấy cũng thấy chao lòng.
Hôm trước, được tin cậu bạn ngày xưa nhận giải thưởng Công nghệ thông tin, được phong là Hiệp sĩ CNTT tôi cũng hớn hở như chính mình được lên báo vậy. Rồi khi biết tin có một khu du lịch sẽ tọa lạc ở gần nhà… bà cô, mình điện thoại về hỏi - bà cô ớ người ra sung sướng, hứa sẽ thưởng vì tin thì biết từ lâu rồi nhưng chưa chính thức. Bỗng nhiên thông tin lại chạy một vòng từ Quy Nhơn ra tuốt ngoài Hà Nội rồi lại vòng ngược về cái làng biển Cát Tiến này. Bà cô hứa thưởng bằng cách vào Quy Nhơn chuyển tiền bằng ATM mới oai chứ. Quê hương lại gần thêm chút nữa.
2.
Có người bạn thân biết tính, cứ đọc thấy ở đâu nói về Bình Định là nhắn cho tôi “Người ta viết về quê bạn nè!”. Tùy theo “người ta” viết ca ngợi hay phê phán mà tôi tự hào hay ngượng ngùng với bạn (như thể trong tất cả mọi chuyện tôi đều dự phần vào vậy!).
Địa phương nào cũng vậy thôi, bên cạnh những thành tích thì làm sao đã hết những vụ lình xình. Tự an ủi mình như vậy nhưng cứ thấy những chuyện “tiêu cực” về Bình Định tôi lại tự hỏi: “Người nơi khác sẽ nhìn người xứ nẫu mình thế nào?”. Nhất là khi những chuyện buồn về quê nhà lại đọc thấy trên một tờ báo không phải của tỉnh nhà thì nỗi buồn như tăng gấp đôi.
Tôi như sợ người nơi khác chỉ nhớ những chuyện cán bộ làm ăn tắc trách, chuyện dạy thêm học thêm tràn lan, chuyện ngư dân mắc nợ khốn cùng… mà không nhớ quê tôi có những cảnh rất đẹp, những người giỏi giang, thành đạt. Bao giờ hai chữ “Bình Định” xuất hiện trên những danh bạ dành cho các nhà đầu tư lớn, những địa điểm du lịch ở đây nảy nở trên những cẩm nang du lịch quốc tế? Tiếp thị cho “thương hiệu” Quy Nhơn – Bình Định dường như vẫn là một chuyện nhiều bất cập.
Mỗi người có một cách bày tỏ niềm tự hào về quê hương: có người gắn bó đến nỗi không thể rời xa mảnh đất chôn nhau cắt rốn, có người tìm cách quảng bá những sản phẩm nức tiếng của quê nhà đi khắp nơi. Cũng có người đi xa không về nhưng vẫn thao thiết nỗi nhớ quê đến mức chỉ nhìn trên xa lộ bóng một chiếc xe mang biển số 77 là bám miết theo để nhận đồng hương!
3.
Tôi chọn cách ngóng theo những trang báo để biết tin tức về quê hương, chọn cách sống để xứng đáng với Bình - Định - của - tôi. Có lẽ tình yêu quê hương không phải là một cái gì đó trừu tượng mà trong cuộc sống hàng ngày khó nhận ra.
Cảm ơn Bình định điện tử, có thể tìm kiếm thông tin về Bình Định ở đâu nhiều bằng ở trang web này không? Không. Giờ thì tôi có thể khẳng định điều này.
|