Nhiều nhà thơ làm thơ tình hay vì họ dám “chết vì yêu”. Thơ tặng vợ cũng là thơ tình, nhưng nó không chỉ là nụ hôn, nhớ nhung hờn giận, vì giai đoạn “yêu đương” trai trẻ đó đã qua rồi, mà cao hơn, đó là tình nghĩa, trách nhiệm, bổn phận với tương lai gia đình. Mà cái đó thì người đàn ông nào cũng phải gánh vác.
Nhiều nhà thơ cả đời không làm nổi bài thơ tặng vợ, không phải vì không yêu vợ, mà vì cuộc sống diễn ra thường nhật không có những cảm xúc đột biến. Tuyển tập “Thơ trữ tình Việt Nam thế kỷ XX” dày 983 trang của NXB Giáo dục (2004) có gần 600 bài thơ của gần 500 nhà thơ, nhưng chỉ có chưa đến chục bài thơ trực tiếp viết tặng vợ. Tuyển Thơ Việt Nam 1945- 2000 (Gia Dũng biên soạn, NXB Lao động - 2001) dày 1.700 trang, chọn gần 780 tác giả thơ với hơn 800 bài thơ trữ tình, mà chỉ có bốn năm bài tặng vợ. Tất cả các bài được chọn đều “đáng đồng tiền bát gạo”. Thế mới biết làm thơ tặng vợ là một thách thức đối với các nhà thơ. Chỉ riêng nhà thơ Nguyễn Duy, có thể gọi là ngoại lệ, nhà thơ này có hẳn một tập thơ tặng vợ có tựa đề rất mùi mẫn - “Vợ ơi.”
Điều may mắn là thơ tặng vợ trong văn chương Việt Nam tuy ít hơn tặng “người yêu”, nhưng toàn là bài hay, thậm chí rất hay. Hình ảnh người vợ tảo tần, chịu khó chịu thương trong bài thơ “Thương vợ" của Trần Tế Xương đã khảm vào lòng người Việt Nam suốt thế kỷ qua: Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước lúc đò đông.... Nhà thơ Nguyễn BùiVợi chỉ xa vợ mươi ngày đã “Anh vào ra tha thủi một mình”, rồi thì “Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi/ Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối/ Thay việc em làm mà không thay nổi/ Cái tảo tần rất mẹ ở trong em.. (Ngày xa em). Nhà thơ Lâm Xuân Vy, người dân tộc Cao Lan ở Ninh Bình có hàng chục bài thơ tặng vợ, bài nào cũng da diết, thâm trầm: Ước gì nồi nước lá xông/ Có thương yêu giải chất chồng nắng mưa (Em ốm). Bài thơ Màu tím hoa sim lừng danh của nhà thơ Hữu Loan sáng tác trong kháng chiến chống Pháp là một bài thơ khóc người vợ trẻ của mình ở quê nhà. Bài thơ là những lời trần thuật thống thiết trước bi kịch chiến tranh: Nhưng không chết/ Người trai khói lửa/ Mà chết/ Người em gái nhỏ hậu phương. Nên Chiều hành quân/ Qua những đồi sim/ Những đồi sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ Tím chiều hoang biền biệt... Hình ảnh màu tím hoa sim từ đó trở thành biểu tượng cho nỗi đau đớn ly biệt của tình yêu thời chiến khắc vào trí nhớ bao thế hệ người đọc.
Nhà thơ Thanh Tùng ở Hải Phòng có bài thơ Thời hoa đỏ nổi tiếng được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, cũng hát: Em hát một câu thơ cũ/ Cái say mê của thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa của một thời trai trẻ.. . Nhưng có lẽ không bạn yêu thơ yêu bài hát biết rằng những câu thơ rỏ máu ấy chính là bài thơ nhà thơ khóc chị Thanh Nhàn, người vợ trẻ xinh đẹp và xấu số của mình, khi nghe tin chị bị bệnh tim mất ở Quảng Ninh. Thơ ấy là thơ vắt tim ra mà viết. Người Hà Nội thời bao cấp nghèo khó, vợ chồng sáng nào đi làm cũng có cái cặp lồng cơm treo ở ghi đông xe đạp. Thế mà cũng thành thơ, Nguyễn Hoàng Sơn viết: Tiễn em buổi sáng đi làm/ Nón quên anh nhắc, chiếc làn anh đưa/ Tần ngần một thoáng dây dưa/ Trao em chiếc cặp lồng trưa quá nghèo... (Tiễn em). Trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Cầm Vĩnh Ui, nhà thơ người dân tộc Thái có bài thơ Nhớ vợ rất chân thật, theo kiểu người dân tộc, nhưng cách diễn đạt lại độc đáo hiện đại: Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Cho tôi về hai ngày... Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn trúng Tây/ Vì tay có hơi vợ.. . Cái “tay có hơi vợ” ấy làm cho bài thơ sống mãi trong lòng người đọc. Còn đoạn thơ kết ngộ nghĩnh, thú vị "Nếu có được trên tặng/ Cho một cái bằng khen/ Tôi sẽ rọc đôi liền/ Gửi cho vợ một nửa” lại nói được một điều thẳm thẳm hơn: Của chồng công vợ!
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bài thơ hạnh phúc của nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) tặng vợ là nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh tại mặt trận là một bài thơ bi tráng, sống mãi với thời gian: Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mộ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...
Trong những tháng ngày gian nan của đời mình, nhà thơ Phùng Quán đã viết tặng người vợ thuỷ chung son sắt của mình một bài thơ mà anh đặt tên là Kinh cầu nguyện buổi sáng. Sinh thời, cứ mỗi buổi sáng, ngày nào cũng thế, trên “Chòi ngắm sóng”, anh thức dậy, uống chén rượu, rít hơi thuốc lào xong là anh ngồi nghiêm trang đọc thật to bài thơ này cho chị Bội Trâm, vợ anh, như người sùng đạo cầu kinh sáng:. ..Ngày lấy em tôi đã có lời nguyền/ Nếu tôi bỏ em lại bơ vơ dọc đường/ Tôi sẽ bị trời tru đất diệt! Em là cây thập tự của đời tôi/ Tôi phải mang vác cho đến ngày chung cuộc/ Tôi sẽ đi với em/ Cho đến tận mút chót con đường/ Cho đến lúc tôi nằm dài dưới đáy huyệt...
Để kết thúc bài viết, Ngô Minh xin mạo muội khoe với bạn đọc bài thơ “Hoa hậu”, bài lục bát nôm na tặng vợ mà Ngô Minh làm cách đây gần 20 năm, được rất nhiều người thuộc. Một lần khách đến nhà uống rượu, bảo Ngô Minh đọc thơ, vợ lại bấm vào lưng: "Đọc Hoa hậu đi! đọc Hoa hậu đi!”: Trưa nay hoa hậu muộn về/ Bố con thi sĩ cơm khê lửa cười/ Vô tư là giống trên đời/ Biết đâu rau đậu bời bời giá lên/ Đồng tiền như ả vô duyên/ Đầu hôm hăm mốt qua đêm còn mười/ Lội quanh chợ cá chiều rồi/ Thứ ngon thì đắt thứ ôi thì buồn/ Em cười cho bữa cơm ngon/ Trung thu chiếc bánh cho con nhớ mùa/ Chiều chồng chén rượu đĩa dưa/ Còn bầu còn bạn đời chưa cạn tình/ Em thi hoa hậu một mình/ Âm thầm vương miện lặng im thơ đề!
Vâng, vợ là hoa hậu không phải thi một lần mà thi suốt đời. Thi khắt khe trước chồng con, trước hàng xóm, bạn bè, trước dòng họ... Em thi hoa hậu một mình/ Âm thầm vương miện lặng im thơ đề...là vì thế.
|