Trao đổi thêm về bài "Hạt sạn đáng tiếc từ một bộ tiểu thuyết":
Không thể bóp méo lịch sử như thế
14:53', 18/10/ 2006 (GMT+7)

Đọc bài viết Hạt sạn đáng tiếc từ một bộ tiểu thuyết của tác giả Lê Hoài Lương trên báo Bình Định Điện tử, với tư cách là một con người Việt Nam yêu nước, tự hào với truyền thống, với lịch sử của dân tộc thì tôi thật sự bức xúc và vô cùng đau lòng. Tôi không thể hiểu tại sao một cuốn sách xúc phạm lịch sử thô bạo như thế lại được xuất bản, lại được khen nức nở...

 

Không thể lợi dụng hư cấu văn học để bóp méo lịch sử. Ảnh: Công Tâm

 

Tôi chẳng hiểu cái được gọi là “tư liệu lịch sử” của tác giả Lê Đình Danh “phong phú” và “đa dạng” tới mức nào, nhưng cách hư cấu nhân vật của tác giả thì thật là phản lịch sử. Những nhân vật mà chúng ta vinh danh là anh hùng dân tộc thì tác giả lại xem là “giặc cỏ”. Một triều đại “rước voi về giày xéo mả tổ” lại được coi là “đã có công thống nhất đất nước”, làm cho "thiên hạ bốn phương thái bình”.

Không thể luận theo kiểu "đại hiếu" như Từ Thứ đã làm trong thời đại Tam Quốc bên Trung Hoa vào trường hợp Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn được để rồi hư cấu và làm méo mó hình ảnh một anh hùng dân tộc qua hành động đầu hàng đớn hèn.

Tác giả Lê Đình Danh cho rằng sau khi thắng được nhà Tây Sơn, "thiên hạ bốn phương thái bình”! Cái “thái bình” mà tác giả muốn nói tới là cái gì? Chẳng lẽ mấy chục cuộc khởi nghĩa nông dân như "giặc chày vôi" của Đoàn Trưng như "giặc châu chấu" của danh sĩ Cao Bá Quát lãnh đạo là vì thanh bình quá hay sao? Và tại làm sao khi nói về cuộc xây dựng lăng mộ tốn kém của Vua Tự Đức, dân gian lại có câu "Vạn Niên là Vạn Niên nào/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân"... Thiên hạ oán thán đến thế, xương máu lương dân từng đó mà gọi là thái bình ư? Chưa hết. Hơn 100 năm giặc Pháp đô hộ nước nhà khởi nguồn từ đâu? Nếu công nhận cách hư cấu của tác giả Lê Đình Danh thì 100 hoặc 200 năm nữa các anh hùng liệt sĩ của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ có thể dựng thành “giặc cỏ”, là những kẻ hàng giặc mà chẳng sao ư? Vong linh của các bậc tiền hiền, liệt sĩ sẽ đau đớn đến biết nhường nào bởi cái kiểu hư cấu ấy.

Tôi cũng không hiểu vì sao những cơ quan có thẩm quyền lại cho cuốn sách có nội dung phản lịch sử như vậy được lưu hành, được cổ vũ như “một hiện tượng” văn học.

  • Đặng Long
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vợ là hoa hậu...  (18/10/2006)
Siêu nhân có trái tim người  (17/10/2006)
Tin nhà  (17/10/2006)
Xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở: Cần có những bước đi thích hợp  (17/10/2006)
Hạt sạn đáng tiếc từ một bộ tiểu thuyết*  (17/10/2006)
Gốm cổ Bình Định sẽ góp mặt trong triển lãm "Hình ảnh APEC và di sản văn hóa Việt Nam"  (17/10/2006)
Lai rai một miếng má đào  (16/10/2006)
Gặp lại Nghĩa Bình  (16/10/2006)
Di cảo thơ cuối cùng của nhà thơ Yến Lan (*)  (13/10/2006)
Đến với triết học dễ hiểu  (12/10/2006)
"Chống" phải đi liền với "xây"  (12/10/2006)
Chúng ta luôn mắc nợ nhau  (10/10/2006)
Ký ức nhà tập thể  (10/10/2006)
Ria hổ   (09/10/2006)
"Điểm tô" cho tháp Bánh Ít  (05/10/2006)